Truyền hình thế giới

Vì sao phim truyền hình ngày càng hay?

Hơn 30 năm qua, chương trình truyền hình đã có nhiều giai đoạn đổi thay mạnh mẽ. Nhờ nguồn kinh phí dồi dào, kịch bản đa dạng, nhờ công nghệ phát triển và nhà sản xuất biết nắm bắt thị hiếu khán giả, từ đó, chất lượng các tác phẩm trên màn ảnh nhỏ được cải thiện một cách ngoạn mục.

Nói không ngoa, nhiều chương trình truyền hình hiện tại không hề thua kém các bộ phim trị giá hàng chục triệu đô la của Hollywood, từ nội dung lẫn hình thức. Trong bối cảnh này, giới học giả đã lạc quan nhận xét: truyền hình đang bước vào kỷ nguyên vàng thứ ba, và chúng ta có thể mong đợi vô vàn điều tích cực.

ĐÁP ỨNG NHU CẦU RIÊNG BIỆT CỦA NHIỀU NHÓM KHÁN GIẢ

Ngày nay, những chương trình thu hút nhiều sự quan tâm nhất, dễ kêu gọi đầu tư nhất lại là những chương trình được sản xuất cho một nhóm khán giả nhất định. Trước đây, các “ông lớn” truyền hình thích chọn rót vốn vào các dự án “phù hợp với mọi đối tượng”, nghĩa là đòi hỏi bộ phim phải thoả mãn nhu cầu nghe nhìn, thỏa mãn tính đại chúng càng nhiều càng tốt.

Cảnh trong phim "Game of Thrones"

Thực tế cho thấy cách làm này đã kéo truyền hình giậm chân tại chỗ. Loại phim “ai cũng xem được” nay trở nên không đủ kịch tính cho người trưởng thành. Ngoài ra, khoa học kỹ thuật nhảy vọt, chưa bao giờ khán giả có nhiều kênh, nhiều giao thức để thưởng thức phim truyền hình đến thế. Tính riêng năm 2008, 2009, Mỹ đã cung cấp cho người xem 172 loạt phim trên các kênh truyền thống cùng 90 phim ra mắt trên hệ thống Cáp. 

 

Khi sở hữu hàng trăm lựa chọn, ai cũng muốn tìm kiếm chương trình đúng sở thích riêng. “Phù hợp với mọi đối tượng” ngày một ít, “Cảnh báo phim bạo lực”, “Cảnh báo phim chỉ dành cho khán giả trên 18 tuổi” như Game of Thrones (Trò chơi vương quyền), House of Cards (Sóng gió chính trường), True Detective (Thám tử chân chính)… ngày một nhiều. 


CHẤT LƯỢNG NGANG NGỬA PHIM ĐIỆN ẢNH

Từ lâu, truyền hình luôn bị đánh giá thấp hơn điện ảnh. Điều này chẳng có gì khó hiểu khi chương trình truyền hình thường bị bó buộc trong một số định dạng chuẩn, trong việc chuyển tải nội dung đặc thù, rồi còn phải qua hàng loạt cửa kiểm duyệt để được lên sóng. 

Mọi thứ đang dần thay đổi. Tư tưởng của nhà sản xuất, của “người gác cổng” thoáng hơn, nhu cầu khán giả cao hơn, và một lần nữa, làn sóng công nghệ cho phép phim truyền hình từng bước thoát khỏi cái khung gò bó cũ kỹ. 

Chẳng hạn với Netflix, phim truyền hình không còn chịu giới hạn khắt khe về thời lượng từng tập, về số lượng tập cho mỗi chương trình, càng không phải điều chỉnh nội dung, lời thoại để có thể lọt vào khung giờ vàng. Nhiều đạo diễn gạo cội như Martin Scorsese, Steven Spielberg, anh em nhà Coen… được mời tham gia sản xuất. Nhiều ngôi sao điện ảnh như Sigourney Weaver, Kate Winslet, James Franco, Kevin Spacey, Nicole Kidman, Benedict Cumberbatch, Tom Hiddleston… tìm đến phim truyền hình để tiếp tục toả sáng. Nhiều bộ phim thuộc màn ảnh nhỏ như 13 Reasons Why (13 lý do), The Deuce (Quận 2), Sherlock, The Night Manager (Người trực ca đêm)… không chỉ gây ấn tượng bởi câu chuyện dữ dội, mà còn bởi mức độ đầu tư hình ảnh, âm thanh, phục trang… khổng lồ. 

Benedict Cumberbatch và Martin Freeman trong phim Sherlock Holmes

CUỘC ĐUA TRUYỀN HÌNH NGÀY MỘT KHỐC LIỆT

Vẫn là câu chuyện muôn thuở, nhưng không thể không nhắc đến. Theo một số chuyên gia, hiện các kênh truyền hình cáp đang vượt lên dẫn trước. Hàng loạt tác phẩm do truyền hình cáp thực hiện liên tục đánh mạnh vào bức màn quy chuẩn đã tồn tại gần 100 năm, giúp định nghĩa lại phong cách, kỹ thuật kể chuyện của phim nhiều tập. Đây cũng là cái nôi của nhiều loạt phim đình đám nhất.

Khi nhìn vào lượng khán giả khổng lồ sẵn sàng mở hầu bao để đăng ký cáp, truyền hình truyền thống không còn cách nào khác ngoài việc liên tục cải thiện chất lượng phim ảnh nói riêng, chương trình nói chung. Truyền hình truyền thống thường sao y lại cách làm của “cậu em”, nhưng với mức độ thành công khiêm tốn hơn. Vì như đã nói, chừng mực nào đó, họ vẫn phải tuân theo hàng loạt chuẩn mực pháp lý, ví dụ cảnh phim không thể quá bạo lực hay quá táo bạo... So với truyền hình cáp, họ bị bỏ lại ngày càng xa. Do đó, công chúng vẫn chưa thấy được dấu hiệu đổi mới mạnh mẽ ở phim truyền hình truyền thống. Việc phim truyền hình cáp tiếp tục nắm giữ “quyền lực” thời gian tới vẫn là điều chắc chắn.

Trong cuộc đua ấy, khán giả được hưởng lợi lớn nhất. Các kênh truyền hình Cáp kèn cựa nhau, truyền hình truyền thống vặn mình để phát triển… là điều kiện hoàn mỹ để truyền hình có thêm nhiều tác phẩm đặc sắc. 

Kỷ nguyên vàng của truyền hình trở lại khi công chúng chờ đón một tác phẩm, một tập phim lên sóng. Khi truyền thông, các diễn đàn, các câu chuyện thường ngày nhắc đến nội dung Game of Thrones, Stranger Things (Cậu bé mất tích), The Leftovers (Những người sống sót)… tối qua. Khi diễn viên truyền hình được trọng vọng, được trả lương không thua kém những đồng nghiệp điện ảnh. Khi thảm đỏ giải Emmy sáng rực đèn và kết quả cuối cùng được dự đoán rôm rả khắp nơi. 

Hẳn cách xem truyền hình đã khác, xúc cảm dành cho màn ảnh nhỏ cũng thay đổi ít nhiều, nhưng đúng vậy, với lượng khán giả tăng vọt, với doanh thu ấn tượng, với những gì mà công chúng đang trải nghiệm, truyền hình đang thật sự bước vào một kỷ nguyên vàng. 

Tom Hiddleston trong phim "The Night Manager"

3 KỶ NGUYÊN VÀNG CỦA PHIM TRUYỀN HÌNH

- 1940 - 1955: Thuở sơ khai, khi truyền hình là món ăn tinh thần chính, thời thượng trong các hộ gia đình. Các tác phẩm tiêu biểu nhất là I love Lucy (Tôi yêu Lucy) và Perry Mason.

- 1990 - 2000: Thập niên 90, khi truyền hình sản xuất nên những loạt phim kinh điển như Hill Street Blues (Đội cảnh sát Hill Street), Moonlighting (Trăng soi), Northern Exposure (Xa xăm phía Bắc)... Lượng khán giả xem tivi giai đoạn này cũng cao nhất lịch sử truyền hình. 

- 2005 đến nay: Song song với điện ảnh, khán giả đang trở lại hưởng ứng phim truyền hình nhiệt thành. Các tác phẩm được hàng chục triệu người theo dõi bao gồm Mad Men (Gã điên), Game of Thrones (Trò chơi vương quyền), Breaking Bad (Rẽ Trái), The Handmaid’s Tale (Chuyện người hầu gái)…


Bảo Nguyên