Từ chất giọng đến trái tim

Dẫn chương trình phát thanh, chuyện nhỏ? Đó là ý nghĩ của không ít phóng viên trẻ. Nhưng trên thực tế, đó không phải là kỹ năng đơn giản. Và đa phần nhiều người già dặn kinh nghiệm mới thành công khi dẫn các chương trình phát thanh. Vì sao?

Thời của truyền thông thị giác đang phát triển, yêu cầu đối với người dẫn chương trình trên sóng phát thanh có vẻ nhẹ hơn nếu so với người dẫn trên sóng truyền hình. Họ không lo về mặt sắc vóc, ngoại hình. Công tác chuẩn bị cho một buổi dẫn trên sóng phát thanh cũng đơn giản hơn. 

Ở các đài phát thanh địa phương, không ít trường hợp, khi nhạc hiệu chương trình trỗi lên rồi thì người dẫn, xướng ngôn viên mới lững thững vào phòng thu trong những chương trình trực tiếp. Lắm khi, đó còn là niềm tự hào của các “đại ca” trong nghề. 


Nhà báo Huỳnh Sang, một phóng viên phòng thu kỳ cựu của Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, anh đảm nhiệm nhiều chương trình talkshow trên sóng phát thanh rất thành công

Hầu như người dẫn trên sóng phát thanh ít bị “điều tiếng”. Thực tế này cũng còn do sóng phát thanh hiện cũng không phổ biến bằng truyền hình và báo điện tử. Và tất nhiên là “điều tiếng” ít thì “tiếng tăm” cũng ít theo. Nhưng, nếu xét về mặt an toàn và ở mức độ đáp ứng nhu cầu thôi, thì dẫn chương trình trên sóng phát thanh là có vẻ tương đối dễ. Nhưng thật sự dẫn chương trình trên sóng phát thanh có dễ không? Câu trả lời lại là không. 

Tạo nên bức tranh bằng âm thanh

Tất cả các nhà báo nước ngoài, từ Pháp, Đức đến Thuỵ Điển, khi dạy về phát thanh, luôn chú trọng đến tiêu chí trên. Trong tất cả các tác phẩm phát thanh thì yêu cầu “phối âm” là rất quan trọng. Sự đan xen giữa giọng nam - nữ, già - trẻ, chất giọng Bắc - Trung - Nam, âm thanh hiện trường - âm thanh phòng thu, âm nhạc phù hợp… được nêu lên như những nguyên tắc vàng. Với người dẫn chương trình phát thanh, khó khăn của kẻ “độc diễn” sẽ trở thành cản ngại không thể vượt qua nếu không rèn luyện để có thể phối âm chỉ bằng chính giọng nói của mình.

Nhiều MC phòng thu phát thanh hiện nay có cách dẫn đều đều. Từ đầu đến cuối, âm sắc của giọng nói không có gì thay đổi. So sánh này có vẻ hơi khập khiễng: Có người nói vui rằng, nếu có hoa hậu ngồi cho mình ngắm từ ngày này sang ngày khác thì cũng phát ngấy lên thôi. Và cũng tương tự thế, giọng đẹp đến mấy thì đẹp, nhưng nửa tiếng, thậm chí một tiếng mà không thay đổi âm sắc thì người sành nghe sẽ cảm thấy “chán”. Nguy hiểm hơn, một giọng nói rất biểu cảm nhưng không thay đổi cung bậc, sắc thái thì dễ gây ra cảm giác giả tạo, chán chường, mệt mỏi đối với người nghe. 

Các cụ nhà ta có sự phân biệt rất tinh tế khi dùng hai từ: “ngọt ngào” và “ngọt xớt”. Cũng có thể suy nghĩ về sự khác biệt này khi dẫn các chương trình phát thanh. 

Sự quan tâm đến người nghe

Hệ thống những câu hỏi và những câu hỏi nảy sinh trong quá trình lắng nghe khi phỏng vấn phòng thu, phỏng vấn hiện trường hay dẫn chương trình trực tiếp rất quan trọng hàng đầu. 

Điều rất dễ nhận thấy là trong tất các các chương trình tư vấn và ca nhạc theo yêu cầu, người dẫn thường hỏi những câu hỏi theo công thức: Ví dụ bạn tên gì? Ở đâu? Yêu cầu gì? Và có nhắn gửi gì? Với chừng ấy thông tin thì người nghe dù thích nhạc hoặc muốn được tư vấn nhưng vẫn sẽ ngán chương trình.

Cách trò chuyện sẽ thể hiện rất rõ sự ân cần, tinh tế, nhạy cảm của người dẫn. Một sự ngập ngừng, nghẹn ngào trong giọng nói của thính giả có thể làm người dẫn nảy sinh những mối quan tâm về hoàn cảnh, tâm trạng. 

Cách chọn bài hát của thính giả cũng khiến người dẫn hình dung được vị trí xã hội, trình độ văn hoá, “gu” thẩm mỹ, để có những câu giao lưu phù hợp. Đối tượng được thính giả gửi tặng bài hát cũng cho thấy mức độ sâu sắc, quan hệ xã hội, thậm chí là cả một phần tính cách của thính giả… 

Tất cả những dấu hiệu đó đều có thể khai thác để làm phong phú thêm cho cuộc trò chuyện với thính giả nói riêng và chương trình nói chung. Và khi được quan tâm sâu sắc thì thính giả sẽ không chỉ nhớ đến chương trình khi có nhu cầu giải toả những vấn đề của bản thân mà sẽ luôn quan tâm đến chương trình như một tri âm - tri kỷ.


Nhiều chương trình phát thanh ở nước ngoài hiện nay tạo nên thương hiệu cho người dẫn. Họ có thể tư vấn cho thính giả hàng giờ liền trên lĩnh vực chuyên môn của họ (ví dụ lĩnh vực hôn nhân gia đình). Những chương trình này rất được yêu thích

Mở rộng phạm vi trò chuyện

“Sao giờ này mà bạn lại có thể đang nghe chương trình? Bạn làm nghề gì? Bạn có bị ốm hay trốn học không đấy? Bạn thích nhạc Đỗ Bảo vì lý do gì? Tôi nghe giọng bạn buồn quá, có vấn đề gì không? Bạn tặng mẹ một bài hát về tình yêu ngang trái, sao lại như vậy? Bạn có thể (hay có muốn) thay đổi không? 

Với những câu hỏi khác các câu hỏi “cơ bản”, cuộc trò chuyện trong một chương trình ca nhạc theo yêu cầu như thế sẽ có màu sắc đặc biệt, hấp dẫn hơn. Bản chất của các chương trình mở là giúp thính giả chia sẻ, bày tỏ. Ngay cả khi chúng ta đang làm một chương trình ca nhạc theo yêu cầu, tức là phần nhạc là chủ yếu, thì chúng ta vẫn cứ phải làm cho thính giả cảm thấy họ đang được quan tâm, đang được lắng nghe. Hơn nữa tất cả các chương trình phát thanh (cũng như báo chí nói chung) đều có chức năng định hướng, điều chỉnh, chứ không đơn thuần là đáp ứng.

Có quá nhiều điều để bàn về kỹ năng dẫn chương trình nói chung và dẫn chương trình trên sóng phát thanh nói riêng. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng thống nhất là, sự kết hợp giữa các độ cao, tốc độ phát âm, việc sử dụng các thán từ, tiết chế các khoảng lặng, bên cạnh đó là sự cảm nhận - quan sát - khả năng miêu tả một cách tinh tế sẽ làm nên sự thành công của những người dẫn trên sóng phát thanh. 

Cù Thị Thanh Huyền