Có những chuyện tình nặng duyên và nghĩa, thương hoài cả trăm năm khi chút tình xưa cũ ắt còn lưu trên phận người. Đó là chuyện tình của ông Mai Hòa (70 tuổi) và bà Trương Thu Hà (68 tuổi).
Vợ chồng ông Mai Hòa và bà Trương Thu Hà
Tình yêu không bao giờ đem đến sự hài lòng thoáng chốc mà là sự trọn vẹn đến tận cùng. Đó cũng là câu chuyện mà vợ chồng ông Hòa mang tới cho chương trình Tình trăm năm. Kết hôn đã 40 năm, họ có với nhau 3 người con, lại đang cùng sống với mẹ chồng tròn 100 tuổi, nhưng cả ông bà đều không thể quên được câu chuyện nên duyên vợ chồng của mình.
Khi ấy ông Hòa và bà Hà chỉ là bạn, chưa nảy sinh tình cảm bởi trước đó cả hai đều đã có người yêu. Biết con trai đang trong chuyến công tác xa nhà, cả hai gia đình đã kết hợp lên kế hoạch để ông bà nên duyên vợ chồng, khi đó ông vừa tròn 30 tuổi, còn bà mới vừa 27 tuổi.
Khi người yêu của bà Hà đi công tác xa và mất liên lạc, gia đình tưởng con gái mình bị lừa nên đã khuyên bà chấp nhận lấy ông Hòa làm chồng. Thật ra, ông Hòa cũng từng “để ý” đến cô hàng xóm trắng trẻo, xinh xắn. Thế nên, đôi bạn lâu năm giờ lại tổ chức đám cưới khiến nhiều người nghe qua ai khá bất ngờ.
Tình yêu khi ngọt ngào, hạnh phúc thì rất đẹp nhưng khi đổ vỡ sẽ để lại một vết thương khiến trái tim lạc nhịp. Bà Hà đã khóc thật nhiều khi người thương không có tin tức, trong lúc đó gia đình lại bắt lấy chồng. Trái tim bà như thắt lại, những đau khổ chồng chất khiến những giọt nước mắt lăn dài trên gò má bà mỗi ngày. Cuộc tình của ông bà chỉ gặp nhau một vài lần, họ nhìn thấy nhau qua song cửa để rồi sợi tơ hồng đã cột chặt lấy nhau.
Bà Hà bị gia đình “ép" lấy ông Hòa làm chồng trong khi đã có “người trong lòng”
Lễ giáo gia phong khiến bà Hà không thể làm khác mặc dù trái tim tan nát. Ai cũng nghĩ tình yêu thời thanh xuân là tình yêu đẹp nhất, ngọt ngào và lãng mạn nhất. Thế nhưng tình yêu ấy kéo dài được bao lâu, nó có giúp người ta đi đến cuối con đường hay không mới là quan trọng nhất. Cả ông bà đều chưa từng rung động trước đối phương nhưng vẫn phải nắm tay nhau bước vào cuộc sống vợ chồng bởi “áo mặc sao qua khỏi đầu”, “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Cha mẹ hai bên là hàng xóm của nhau, ông Hòa bà Hà lại biết nhau từ bé đến lớn nên đã bỏ qua phần làm quen rồi nhờ người mai mối. Do đó, sau 3 tháng tìm hiểu, đám cưới chính thức được tiến hành. Nỗi buồn vì không có tin tức của người yêu khiến bà Hà buông lơi tất cả nỗi niềm háo hức chờ mong của người con gái chuẩn bị lên xe hoa.
Bà chia sẻ: “Vào ngày đi thuê trang phục cưới, chủ cửa hàng hỏi: chứng minh thư của chồng đâu? Tôi đã im lặng mà không biết phải nói gì mặc dù chỉ cách ông ấy vài bước chân”.
Ông Hòa luôn chờ đợi tình yêu của vợ sau hôn nhân
Một lần bà Hà bắt gặp ông Hòa giúp đỡ người qua đường, chỉ duy nhất lần ấy đã khiến trái tim bà lỗi nhịp. Bà cảm thấy “ấm lòng” vì biết bản thân có thể dựa vào người đàn ông này. Thế nhưng đối với bà, tình yêu vẫn chỉ là một khái niệm xa vời, bởi sâu thẳm trong trái tim hình bóng “người thương” vẫn còn in đậm.
Bất ngờ ngay trong ngày đám cưới, người yêu bà quay trở về khiến bà dở khóc dở cười vì chẳng biết phải làm thế nào. Còn ông Hòa vẫn hướng trái tim về vợ, vẫn chung thủy, sẵn sàng chờ đợi bà.
Sau đám cưới 1 tuần, ông Hòa lại đi dạy xa, để lại bà Hà một mình ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng. Có lần bà Hà đã vô cùng lo sợ khi người yêu cũ ghé qua nhà chồng thăm bà, bởi lễ giáo gia phong không cho phép người đàn bà đã có gia đình còn “có tư tưởng” với người yêu cũ.
Rơi nước mắt khi kể lại sự chờ đợi của chồng đối với mình, bà Hà luôn cảm thấy áy náy vì sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ và hy sinh của ông đối với mình. Cảm giác được nhận tình yêu sau hôn nhân chỉ từ một phía khiến cho bà cảm thấy mình trở thành người ích kỷ, không biết quan tâm đến chồng con. Chính sự yêu thương từ bố mẹ chồng đã làm trái tim bà Hà ấm áp và cũng từ đó dần dần bà có cảm tình hơn với chồng.
Cảm động trước những cử chỉ chăm sóc, lo lắng của chồng dành cho mình, bà Hà dần dần có chút… rung động nhè nhẹ
Bằng sự quan tâm, chăm sóc cho vợ từng li từng tí, ông Hòa đã dần chiếm được cảm tình của “cô hàng xóm” để rồi sau đó bà sinh con đầu lòng khiến ông nở nụ cười hạnh phúc. Chỉ bằng hành động, cử chỉ quan tâm, trách nhiệm, lo lắng đến cảm xúc và tôn trọng vợ, ông Hòa đã chứng minh được tình yêu của mình với vợ bởi vì ông biết rằng bà chưa sẵn sàng đón nhận tình yêu của mình. Những người con lần lượt ra đời đã giúp cho hai ông bà xích lại gần nhau, yêu thương nhau nhiều hơn mặc dù theo bà Hà giải thích: “đó chỉ là tình thương hay đúng hơn là tình nghĩa phu thê chứ chưa phải tình yêu”.
Rời xa quê nhà, họ vào thành phố lập nghiệp. Bằng vốn liếng nhỏ nhoi, bà Hà đã thuê nhà để mở tiệm bán cơm. Tần tảo sớm hôm, cực khổ là vậy, thế nhưng ông Hòa chưa lần nào nghe bà phàn nàn hay to tiếng với cha con ông. Sau khi tiệm cơm không cầm cự nổi, bà tiếp tục xoay xở kiếm tiền để trang trải cuộc sống mưu sinh. Mỗi ngày ông Hòa đều chạy xe ra đường chở khách, bà Hà ở nhà buôn bán trái cây để kiếm bữa rau bữa cháo trải qua những tháng ngày cực khổ.
Bà Hà luôn cảm thấy áy náy khi chưa thật sự đón nhận tình cảm của chồng
Ngày mỗi ngày qua đi, thế giới của người vợ ấy chính là người chồng. Cuộc sống của họ, thế giới của họ chỉ còn là những ngày tháng sống cho nhau và vì nhau. Bởi vì, ngoài chữ “tình”, vợ chồng sống với nhau còn vì chữ “nghĩa”. Người xưa từng nói: “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Hai con người xa lạ không quen biết như ông Hòa bà Hà lại có thể đi chung đường với nhau đó đều là nhân duyên.
Đối diện với những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, ông Hòa đều nhường nhịn vợ. Ông luôn cố gắng làm tất cả công việc nặng nhọc để vợ mình được thảnh thơi, thoải mái nhiều hơn. Chính những điều đó khiến bà Hà luôn áy náy, cảm thấy có lỗi với chồng khi bản thân chưa hề đặt trọn tình yêu vào ông. Sau 40 chục năm, bà Hà vẫn luôn xinh đẹp trong mắt chồng mình, và họ vẫn đồng hành cùng nhau từ việc lớn - việc nhỏ trong nhà như cái thuở ngày xưa ấy.
Mời quý vị đón xem chương trình "Tình trăm năm" phát sóng vào lúc 18g thứ Bảy hàng tuần trên HTV7.
Khánh Linh