Tôi vốn không phải người Thành phố chính gốc. Vẫn nhớ lúc mới chập chững vào chốn phồn hoa đô hội này, cái Tết đầu tiên ở vùng đất lạ với tôi thật ngỡ ngàng…
Một mình lái xe dạo quanh những cung đường tưởng như đã quen thuộc lắm, thế nhưng vào những ngày chộn rộn giáp Tết này, tôi vẫn thấy thành phố này cựa mình mới mẻ. Người ta nói TP.Hồ Chí Minh không bao giờ đứng yên. TP.Hồ Chí Minh hối hả. TP.Hồ Chí Minh không đêm. Mọi tính từ để diễn tả guồng quay tấp nập, hình như người ta đều gắn hết cho chốn phồn hoa đô hội này.
Thu hoạch hoa phục vụ cho các chợ hoa xuân ngày Tết
Con đường Song Hành trước khu nhà tôi cũng bắt đầu xuất hiện những tấm phông bạt quảng cáo, “Đặt chỗ cho chợ hoa Tết, vui lòng liên hệ…”, “Hội chợ cuối năm, diễn ra từ ngày…”... TP.Hồ Chí Minh dường như vẫn náo nhiệt như thường ngày, nhưng không phải vậy. Cô bán bánh mì gần nhà tôi niềm nở hơn. Chú xe ôm bận rộn đưa đón khách cũng cười nhiều hơn. Mọi người vẫn loay hoay với công việc mưu sinh thường nhật của mình, thế nhưng cái hồn họ đã hướng về những nhành mai vàng, những tràng pháo sáng, những bữa ăn quây quần bên mâm cỗ Tết.
Tôi vốn không phải người Thành phố chính gốc. Sinh ra ở vùng đất Bắc Trung Bộ, cái Tết quê tôi khác hẳn với Tết Sài thành. Vẫn nhớ lúc mới chập chững vào chốn phồn hoa đô hội này, cái Tết đầu tiên ở vùng đất lạ, tôi đứng ngợp người trước đại lộ Lê Duẩn thênh thang đèn hoa rực rỡ, thèm lắm những khung nhà nhỏ, rộng cửa đón khách nơi quê nhà. Năm đó, tôi viết thế này: “Pháo hoa ở thành phố rất đẹp. Nhưng mình vẫn thích ngắm pháo hoa ở quê hơn. Ở quê không có những tòa nhà cao chọc trời như ở thành phố. Trời quê vì thế mà hình như cũng gần hơn. Pháo hoa do vậy mà hình như cũng rõ hơn”.
Tết quê
Thật ra, Tết quê với tôi còn nhiều hơn thế. Ở quê, lúc nào cũng cảm nhận được rõ rệt ba luồng cảm xúc: chộn rộn cả tháng trước Tết, vui tràn những ngày chuyển giao và luyến tiếc khi xuân qua Tết hết. Từ đầu tháng Chạp, tôi đã thấy những bó kiệu, những rổ hành rửa sạch sẽ, phơi phóng khắp mọi khoảng sân tôi đi qua.
Bà tôi cũng tất bật mua sẵn nào là gạo nếp, nào là nấm tai mèo, rồi thì không quên dặn chú bán gà quen để dành cho cặp gà ngon cúng Tết. Ông nội cũng nhắc đi nhắc lại chú tôi, nhớ để ý tìm mấy cái lá chuối thật xanh, thật tươi, nhớ chuốt tre thật dai, thật mảnh để nấu nồi bánh chưng dâng lên bàn thờ tiên tổ. Cái hồn Tết ngấm ngầm lan tỏa, càng lúc càng hiện rõ, thấm đẫm lên cả những tiếng rao bán ngoài chợ, cả những tiếng người ríu rít chào nhau, cả những nhành đào run run hé nụ trong sương sớm.
Mâm cỗ ngày Tết
Trời Tết quê tôi năm nào cũng lạnh. Dường như nhờ vậy mà mỗi lần gia đình quây quần, lại có được cảm giác ấm cúng hơn. Đêm 30 Tết năm nào cũng là đêm đẹp nhất trong năm đối với tôi. Trước thời khắc chuyển giao, mỗi người trong gia đình tôi sẽ đảm nhận mỗi việc khác nhau. Bà nội và mẹ tôi cùng nhau lui cui nhào nặn các loại bánh ở dưới bếp. Bố tôi và chú tôi thì hì hụi “tạo dáng” chú gà trống sao cho thật oai phong như đang tung cánh trên mâm cỗ cúng Giao thừa. Còn lũ cháu chắt chúng tôi thì chạy vào chạy ra, mắt láo liên vừa xem Táo quân vừa tí tách cắn hạt dưa, nhìn ông nội soạn bài cúng Giao thừa…
Đúng là một khoảng trời miên man kỷ niệm!
Đã nhiều năm nay, tôi vẫn tự hỏi, cái luồng cảm xúc bừng lên trong tôi mỗi lần cô MC Gặp nhau cuối năm đếm ngược tới thời khắc năm cũ tạm biệt năm mới. Cái sự rạo rực và hân hoan khi nghe tiếng pháo giao thừa rốt cuộc có thể gọi tên là gì. Câu hỏi đó khắc khoải mãi trong tôi từ ngày còn nhỏ, và dường như mỗi năm, cái sự mờ mợ của câu trả lời ngày càng được định hình lại rõ nét hơn. Tôi nghĩ, cái khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong đời mỗi con người, chắc hẳn là khoảnh khắc Giao thừa, ta được đón năm mới bên những người mình yêu thương. Đó là khoảnh khắc ta tự gạt bỏ hết những tạp niệm cũ, ta có quyền hi vọng vào một ta khác hơn so với ta của mới một giây phút trước đó. Giây phút chuyển giao là giây phút đột khởi của hy vọng, của thay đổi. Nó thức tỉnh hồn người giữa tình thân yêu ấm áp và những niềm xúc động khôn nguôi.
Pháo hoa đêm Giao thừa ở Thành phố Hồ Chí Minh
Những năm mới chuyển vào TP.Hồ Chí Minh, chắc vì thiếu vắng đi những điều đó, nên tôi mới cảm thấy hụt hẫng. Nhưng thành phố này không làm ai thất vọng bao giờ. Sài thành ngày Tết an ủi hồn người xa quê bằng những tia nắng ấm áp, bằng những nụ mai vàng chúm chím sắc Xuân, bằng con đường hoa Nguyễn Huệ, và cả những công viên trên bến dưới thuyền, đong đầy hoa, tràn ngập nắng, đã in dấu vào lòng người dân nơi đây và nức lòng du khách gần xa từ bao năm tháng. Dạo quanh một vòng trung tâm thành phố, cảm tưởng như được sống lại với những ký ức xa xưa, khi ngút ngàn tầm mắt là những tà áo dài tinh khôi, những thầy đồ cho chữ ngày Tết, xen lẫn với muôn sắc hoa xuân rực rỡ dưới nắng vàng,...
Chỉ có vào ngày Tết, sự ồn ào náo nhiệt của một thành phố năng động mới có dịp lắng lại, để ta có thể nghe cái hơi thở đặc trưng của vùng miền, với những nồi thịt kho hột vịt, bát canh khổ qua cho cái khổ cũ qua đi, hay những mâm quả cúng “cầu dừa đủ xài”, đọc lên đã thấy thân thương, chân chất như con người nơi đây...
Du xuân tại đường hoa Nguyễn Huệ
Những ngày se lạnh cuối năm.
Tết đang đến gần kề, đất trời hòa chung niềm hân hoan chào đón một khởi đầu mới. Âm thanh xao xuyến của Mùa xuân đầu tiên do cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác dường như đã vang khắp mọi miền đất nước. Dẫu có ở đâu, làm gì, nếu có nghe được những lời hát này, xin hãy lắng lòng lại, gạt bỏ những muộn phiền để đón chào một năm mới thật an khang, thật tròn vẹn.
“Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”.
Mênh mông...
Trang Anh