Hệ thống sông rạch dày đặc, chằng chịt là đặc điểm nổi bật của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Chưa tìm được con số thống kê toàn vùng, nhưng chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau thì chiều dài của các con sông tự nhiên đã hơn tám ngàn cây số.
Chiếc tắc ráng (Vỏ lãi, vỏ vọt) trên dòng sông quê
Ở đây, sông rạch là yếu tố đầu tiên hình thành nên làng xóm. Mọi ngôi nhà đều hướng ra phía sông. Từ nửa đầu thế kỷ hai mươi về trước, sự di chuyển của con người trên vùng đất này, chủ yếu dựa vào thủy lộ. Bởi vậy, khi sinh sống ở đây, gia đình nào cũng phải có ít nhất một phương tiện đi lại trên sông nước. Xuồng ghe gắn bó với cuộc đời họ từ lúc lọt lòng, rồi đi học, đi chơi, đi cưới, có khi còn nhờ xuồng đưa về bến cuối cuộc đời.
Chiếc xuồng, chiếc ghe là cầu nối quan trọng nhất của từng nhà với xã hội bên ngoài. Thế giới xuồng ghe nơi này vì thế cũng hết sức đa dạng, có hàng chục loại khác nhau từ chiếc xuồng ba lá nhỏ bé chỉ chở được một, hai người, cho tới chiếc ghe có sức chở đến năm, bảy chục tấn hàng hóa.
Cảnh quay phim tác nghiệp trên bãi bồi Cà Mau
Tuy nhiên, gói gọn trong thời lượng 20 phút của bộ phim tài liệu Sóng phù sa này, đạo diễn Lê Vũ Hoàng sẽ mang đến cho người xem một cách nhìn mới về sự năng động, sáng tạo của những cư dân vùng đất này khi cho ra đời những phương tiện di chuyển mà chỉ có ở vùng sông nước nơi đây mới có như: Chiếc mong của người Khơ Me ra đời trên vùng bãi bồi Mõ Ó, cạnh cửa biển Mỹ Thanh, thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; Tấm ván sạt sò của bà con vùng bãi bồi mũi Cà Mau. Hai phương tiện giản đơn nhưng đi lại hết sức linh hoạt giúp những người làm nghề khai thác sò huyết hay cào nghêu, mò chem chép không còn phải trầm mình trong nước mặn hay dang lưng phơi nắng đội mưa, bì bỏm trên bãi lầy.
Cảnh nông dân trồng đước trên bãi bồi di chuyển bằng Chiếc mong
Chiếc vỏ lãi ra đời vào những năm 1960, ban đầu nó có tên là chiếc tắc ráng, vì được chế ra tại kinh Tắc Ráng, gần chợ Rạch Giá, Cà Mau. Vỏ lãi là một loại thuyền có hình dáng lạ mắt, tốc độ di chuyển nhanh. Không chỉ du khách nước ngoài mà rất nhiều bà con ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung của Việt Nam cũng rất thích thú khi lần đầu được ngồi trên những chiếc vỏ lãi lướt như bay trên sông nước và cả trên mặt bãi phù sa. Sự hiện diện của chiếc vỏ lãi trong đời sống sông nước miền Tây đã trở thành một nét văn hóa độc đáo mang tính chất đặc thù của vùng đất này.
Cảnh nông dân đi bắt cá bằng Chiếc mong trên bãi bồi
Có thể nói, chiếc vỏ lãi, chiếc mong và tấm ván sạt sò đã cho thấy sự sáng tạo thật kỳ diệu của người lao động ở miệt sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Là hình ảnh mang tính biểu tượng cho tính cách năng động và sáng tạo của người dân miền Tây trong cách sống thích nghi với thiên nhiên và các hoàn cảnh xã hội hiện đại của người Việt Nam.
Đón xem phim tài liệu “Sóng phù sa” do TFS sản xuất phát sóng lúc 8g thứ năm ngày 7/3 trên kênh HTV9.
Thùy Trang