Bộ phim "Kỳ tích Nam Sài Gòn" đã được thực hiện như thế nào?

"Kỳ tích Nam Sài Gòn" tập 1 đã lên sóng 7g35 sáng nay (14/4) trên kênh HTV9, trong khung giờ quen thuộc của loạt phim "Vượt sóng" - Chuyện về thành phố 50 mùa hoa nở, và để lại những cảm xúc đặc biệt trong lòng khán giả.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn trong "Kỳ tích Nam Sài Gòn" tập 2

7g35 sáng mai (15/4), tập 2 của bộ phim cũng sẽ lên sóng trên HTV9, hứa hẹn sẽ cho khán giả một góc nhìn mới mẻ và nhiều thú vị về kiến trúc, hạ tầng; về công tác quy hoạch, phát triển đô thị; về bối cảnh, tầm nhìn và quyết tâm của các bên để tạo nên thành công cho đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng. 


Chị Mỹ Trang, đạo diễn phim "Kỳ tích Nam Sài Gòn"

Vào 30 năm trước, khu vực bờ Nam rạch Kênh Tẻ (Quận 7 – Nhà Bè) vẫn là vùng đầm lầy hoang vu, là "tận cùng" của Thành phố.

Để kể câu chuyện về vùng đất này, bắt đầu từ thời điểm 30 năm trước, ê-kíp "Kỳ tích Nam Sài Gòn" đã chọn góc nhìn ra sao, xử lý tư liệu hình ảnh như thế nào và họ đã có những trải nghiệm đáng quý gì trong quá trình thực hiện bộ phim? Cuộc trò chuyện ngắn dưới đây cùng đạo diễn Mỹ Trang, sẽ phần nào giải đáp những câu hỏi này. 


Tập 1 mở đầu với câu chuyện của Khu chế xuất Tân Thuận

* Bộ phim "Kỳ tích Nam Sài Gòn" kể câu chuyện gì? 

Nam Sài Gòn, với khu trung tâm Phú Mỹ Hưng đã nên hình hài, là dự án quy hoạch và phát triển đô thị quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam từ sau 1975.

Cùng với Khu chế xuất Tân Thuận, dự án là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hòa nhập trong cộng đồng thế giới, bước chân vào dòng chảy tư bản và văn hóa toàn cầu trong lĩnh vực kiến tạo đô thị.

Nhưng cũng giống như bất cứ dự án nào khác ở cùng quy mô và tham vọng, câu chuyện Khu chế xuất Tân Thuận, Nam Sài Gòn và Phú Mỹ Hưng mang theo những thăng trầm của thời đại, những bài học có giá trị về kiến tạo đô thị và công tác quy hoạch vẫn còn tính thời sự trong bối cảnh hiện nay và tương lai.


Phía sau thành công của đô thị Nam Sài Gòn là những người tâm huyết, bản lĩnh

Tập 1 bộ phim nói về quá trình lịch sử hình thành nên đề án xây dựng khu đô thị Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng, được tiếp nối từ việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận những năm 1990.

Lần đầu tiên, thành phố tổ chức một đoàn đi không với tư cách chính phủ mà với danh nghĩa Hiệp hội để "vượt rào" trong việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể là Đài Loan để hình thành khu chế xuất. 


Tập 1 kể về một thế hệ tiền bối có tài, có tâm, có tầm 

Chọn khu vực đầm lầy phía Nam thành phố cũng là một ý tưởng rất táo bạo và quyết liệt. Bởi đây là đất "thả con trâu xuống cũng chìm".

Xây dựng thành công Khu chế xuất Tân Thuận là tiền đề để thành phố nghĩ đến việc: Làm thế nào để giải quyết bài toán nghèo của vùng đất Nhà Bè. Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18km ra đời từ nguồn vốn của đối tác nước ngoài, và ý tưởng xây dựng đô thị dọc hai bên đại lộ này đã hình thành nên đề án xây dựng đô thị Nam TP.HCM ngày nay. 


Tập 2 hứa hẹn sẽ thú vị với những bài học về công tác quy hoạch phát triển đô thị

Ở tập 2, bộ phim không đi vào lịch sử hình thành mà đi sâu hơn vào các lý giải cho thấy bối cảnh, tầm nhìn và quyết tâm của các bên liên quan trong việc xây dựng thành công đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng.

Đồng thời, tập 2 sẽ nói về sự đổi thay của vùng đất Nhà Bè ngày nay, qua đó chúng ta có thể rút ra những bài học về công tác quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai.

* Cảm xúc của chị khi gặp gỡ các nhân chứng lịch sử?

Thật là một vinh dự lớn và là một cơ hội rất đặc biệt và quý giá trong nghề nghiệp khi được gặp gỡ, trò chuyện và học hỏi từ các vị lãnh đạo tiền bối. Khi tiếp xúc với các bác các chú mới thấy hết sự ngưỡng mộ dành cho một thế hệ tiền bối rất có tài, có tâm, có tầm và đặc biệt là, các chú nói chuyện cũng rất duyên dáng, cởi mở.

Chú Phạm Chánh Trực từng là Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhưng phong cách nói chuyện rất gần gũi, giản dị. Đặc biệt, chú nhớ rất chi tiết về các giai đoạn, cột mốc và các sự kiện lịch sử, toát lên phong cách của một nhà lãnh đạo chính trị rất tận tâm, tận lực. 

Chú Phan Chánh Dưỡng thì có cách trò chuyện rất phóng khoáng, chân chất, mang đặc trưng Nam bộ nhưng lại có những kiến giải rất sâu sắc về các vấn đề, mang đến nhiều thông tin thú vị, vì gần như ông là người trực tiếp, liên quan nhất đến đề án thành lập Khu đô thị phía Nam thành phố.

Chúng tôi cũng gặp KTS Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng của Thành phố chỉ ít ngày sau khi ông điều trị hóa trị. Hai chú cháu đã liên lạc khá lâu để có thể gặp nhau, và chúng tôi đã thuyết phục, chỉ cần chú lên hình thôi thì sự hiện diện của chú cũng rất quý giá rồi. 

Vậy nhưng khi gặp đoàn phim thì chú như "khỏe trở lại", phát biểu với chất giọng to, rõ ràng và chuẩn bị kĩ nội dung phỏng vấn bằng bản ghi tay. Tôi thật lòng rất cảm kích sự nhiệt tình, chu đáo và hết mình hỗ trợ của các chú.

Tôi nghĩ họ là những người đã đi qua từng ấy năm lịch sử, với những biến thiên của đời sống chính trị - xã hội, đã trải qua không ít khó khăn trước những lựa chọn của bản thân, khi quyết định "vượt rào" làm điều mình cho là đúng, mà không quản ngại phần thiệt hơn cho mình, thì chắc chắn đó là những người rất bản lĩnh và xứng đáng để thế hệ chúng ta noi gương, học hỏi. 

Phim có tư liệu cũ xen lẫn đồ họa, kỹ xảo... tăng sự sinh động cho người xem

* Chị đã xử lý tư liệu hình ảnh cũ ra sao để hoàn thiện bộ phim?

Tư liệu cũ luôn là một vấn đề của phim tài liệu, ở tính đắt giá của nội dung tư liệu nhưng cũng ở cả chất lượng của tư liệu thường đã bị xuống cấp theo thời gian.

Ê-kíp đã cố gắng dùng nhiều thủ pháp trong lúc dựng hình, hoặc xử lý lại bằng màu sắc, đồ họa, thêm kỹ xảo trên hình để tăng hiệu ứng sinh động hơn cho hình ảnh. Một số khung cảnh Nam Sài Gòn xưa có thể chưa đúng với thời điểm những năm 2000 nhưng về đại thể thì cảnh quan của vùng đất Nhà Bè cũng chưa có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước năm 2000.

Ê-kíp cũng cố gắng sử dụng những hình ảnh mang tính ước lệ, gợi tả về một vùng đất mà như ông Phan Chánh Dưỡng phát biểu "thả con trâu xuống cũng chìm" để chúng ta dễ hình dung hơn về sự thay đổi của nơi mà chất liệu cho sự xây dựng, đô thị hóa gần như là không thể ở thời điểm đó. 

* Điều chị cảm xúc nhất, ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện "Kỳ tích Nam Sài Gòn"?

Tôi học được nhiều và hiểu nhiều hơn về khái niệm quy hoạch, phát triển đô thị. Tôi ngạc nhiên trước rất nhiều những bài học kinh nghiệm về quy hoạch, như: phải có con đường thì mới có sự thay đổi và phát triển đáng kể của một vùng đất, đơn cử như câu chuyện của đường Nguyễn Văn Linh, hay quy hoạch hạ tầng kinh tế phải gắn liền với các thiết chế xã hội để tạo nên một vùng đô thị lớn, đáng sống cho người dân… 


Có con đường thì mới có sự thay đổi và phát triển đáng kể

Từ những kinh nghiệm này, chúng ta có thể nhìn vào thực tiễn lĩnh vực phát triển đô thị của thành phố ngày nay, để thấy rằng nó vẫn có giá trị rất lớn. Ngoài ra, những kinh nghiệm về các lĩnh vực khác như: đầu tư nước ngoài, xã hội hóa trong xây dựng phát triển đô thị, kinh nghiệm giải phóng mặt bằng đền bù cho nhà đầu tư, kinh nghiệm mở đường như đại lộ Nguyễn Văn Linh phải tính đến quỹ đất dự phòng cho 10-20-30 năm sau như bây giờ chúng ta nhìn thấy... đều rất có giá trị.


Vẻ đẹp của vùng sông nước khu Nam Sài Gòn gợi cảm xúc thân thương, ruột thịt

Vùng đất Nam Sài Gòn, Nhà Bè vốn rất trữ tình, rất sông nước, gợi lên cảm xúc thân thương về một vùng đất ruột thịt của Sài Gòn - TP.HCM, dù cách không xa với đô thành mỹ lệ nhất nhưng trong lịch sử thăng trầm của thành phố, đã có lúc bị bỏ quên. Vì thế, tôi rất xúc động khi tìm hiểu về lịch sử để cảm thấy tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay của Nhà Bè ngày nay!

Thiên Bình - Trần Tính