Sách và hành trình của những cảm xúc

Jorge Luis Borges - một nhà văn, nhà thơ và dịch giả nổi tiếng từng nói rằng, khi các tác gia qua đời họ trở thành những cuốn sách, một sự tái sinh cũng không quá tệ.


“Hoàng tử ngôn tình” Quách Lê Anh Khang

Mỗi cuốn sách là một công trình kiến trúc bằng ngôn từ mà tác giả đã dày công xây dựng. Được đắp lên từ những tình cảm, kinh nghiệm những khát vọng của tâm hồn người nghệ sĩ. Và như thế, mỗi lần giở lại trang sách, ta lại gặp được tác giả và dù một chút, chính mình ở trong đó nữa.

Quách Lê Anh Khang: Viết sách là một phong cách sống 

Sách, có lẽ là người bạn thầm lặng nhất mà ta từng có. Theo một cách nào đó, sách đã luôn ở bên ta và lắng nghe, chia sẻ mỗi khi ta tìm đến. Nói cách khác, chính những dòng văn trong đó mang đến cho ta sự bình yên, nụ cười và cả những câu trả lời mà ta luôn chờ mong. 

Thật thần kì phải không? Sách giống như một cây cầu nối vậy, giữa những tâm hồn đồng điệu về cảm xúc, giữa người viết và độc giả, nơi nghỉ chân của con người giữa dòng đời vội vã. Chắc hẳn ai cũng có một người bạn như thế, và chắc hẳn cũng có rất nhiều bạn trẻ đang hay đã từng, làm bạn với tác phẩm “Buồn làm sao buông” của vị “hoàng tử ngôn tình” Quách Lê Anh Khang.

Quách Lê Anh Khang, một cái tên có lẽ không quá xa lạ với giới trẻ với nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Ngày trôi về phía cũ” hay “Buồn làm sao buông” và rất nhiều sáng tác khác nữa. 

Vì sao những cuốn sách của anh có thể tìm đến với nhiều bạn đọc như vậy? Có lẽ là từ một con người luôn mơ mộng, một con người luôn “sống ở trên mây” và nghĩ rằng những tình cảm, sự yêu thương có thể níu giữ được con người, từ đó những dòng văn của anh cho những tâm hồn ngoài kia một cảm nhận mới, buồn man mác mà nhẹ nhàng về tình yêu. Hay vì thể loại mà anh theo đuổi là tản văn, một thứ văn ngắn thôi nhưng là lát cắt của cuộc đời một con người từng trải, vừa là lời tâm tình, vừa là lời chia sẻ của những số phận giống nhau, kết nối những con tim dẫu chưa một lần gặp mặt.


Cuốn sách đánh dấu sự yêu thích của độc giả với thể loại tản văn

Anh đã từng nghĩ rằng, mình thật vô dụng, nhàm chán khi tám năm trời chỉ có viết sách rồi xuất bản. Thế nhưng, khi đọc lại những tin nhắn từ những bạn đọc, anh hiểu ra rằng, tự bao giờ, anh đã không còn viết cho bản thân mình nữa. 

Những cuốn sách mà anh viết ra ấy, biến thành người bạn đồng hành của cảm xúc cho rất nhiều người ngoài kia, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời mình. Những cảm xúc mà anh gửi vào trang văn ấy, biến thành món quà tinh thần làm vơi đi nỗi buồn dai dẳng bởi họ biết được, có người cũng giống mình.

Từ lâu, viết văn đối với anh đã trở thành một phong cách sống, sống cho mình và những người khác. Là sự lựa chon một phong thái ứng biến với cuộc đời an nhiên và nhẹ nhàng. 

Trong thời đại công nghệ ngày nay, khi cuộc sống bề bộn những công việc, những cám dỗ từ mạng xã hội, không còn thời gian cho việc đọc sách và những cuốn sách đang dần chìm vào quên lãng. Nhưng anh biết rằng, giới trẻ vẫn luôn mang trong mình sự say mê nồng nhiệt dành cho sách, để những khoảnh khắc đẹp, sự cảm thông, tình yêu thương sẽ tiếp tục theo những lời văn mà chữa lành tâm hồn cho nhiều người hơn nữa.

Nguyễn Thị Yến Phượng: Trang sách là trang đời 

Viết cho tôi và viết cho bạn, cùng nhau chiêm nghiệm cuộc sống đầy sắc màu. Để thấy rằng, trong tôi có bạn và trong bạn có bản thân tôi. Nguyễn Thị Yến Phượng trở thành “người viết” một cách tự nhiên như thế. 

Mọi thứ diễn ra trước mắt, những dòng chảy tình cảm, tư duy của con người cứ thế được chị thu vào kho vốn sống của mình, trở thành nguồn tư liệu vô tận để viết. Bước qua trải nghiệm, người ta để mặc cho nó trôi vào dĩ vãng, nhưng chị chọn cách lưu lại trên những trang sách như nhật ký cuộc đời.  


Chị Nguyễn Thị Yến Phượng

Chị Nguyễn Thị Yến Phượng tự nhận mình là “người viết” nhưng không phải điều gì cũng biết. Vẫn phải luôn vén bức màn nhận thức để tìm giải đáp cho câu hỏi vì sao? Bởi cuộc sống là hữu hạn trong thế giới kiến thức vô hạn, vì vậy, cứ để nó đi vào trang sách, kết tinh những suy tư, trăn trở của từng giai đoạn đời người. “Hãy nghe em nói”, là tiểu  thuyết tiêu biểu cho nhận định này, là dấu ấn của một thời tuổi trẻ đầy hoài bão, yêu thương và cũng có biết bao sai lầm, nuối tiếc. 

Từ khi 17 tuổi, chị đã viết. Thành quả đạt được đến ngày hôm nay là chín “đứa con” tinh thần đã ra đời. Có những tác phẩm được ưu ái, cũng có tác phẩm chưa được phổ biến, nhưng một trong số đó đã ghi dấu ấn cho tên tuổi của chị. “Cứ cười thôi, mặc kệ đời” đã được phát hành hơn 50.000 bản vào tháng 8 năm 2017.  

Trang sách là trang đời, vì vậy đó cũng là nơi đúc thành những kinh nghiệm sống, những đắc nhân tâm trong lòng người. “Đời ngắn, đừng khóc, hãy tô son và tiếp tục chiến đấu” hay “Cách tốt nhất để mình không thất vọng, không phải là không kỳ vọng, mà là sống thực tế” đã được Yến Phượng chia sẻ đến bạn đọc để họ hiểu mình đang có gì và đang theo đuổi điều gì, xác định rõ hạnh phúc là do chính họ lựa chọn chứ không phải do số đông quyết định.


Chị Yến Phượng trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” 

Như những tác gia khác, trong thời đại bùng nổ thông tin, để đưa một cuốn sách lên kệ, người viết không thể chỉ trông chờ vào “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần phải tự làm truyền thông cho bản thân mình. Người đọc cũng như vậy, giữa những thể loại sách in, sách mạng và sách đọc, cầm một cuốn sách trên tay vẫn mang lại cảm giác chân thật nhất, để hai tâm hồn có thể cùng hoà quyện giữa khối tình mênh mông của con người. 

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi