Ngoài ý nghĩa là một chứng tích của ngôi làng đầu tiên ở Chợ Lớn, là nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình Minh Hương còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ XIX.
Trong lịch sử khẩn hoang ở Nam bộ, sự đóng góp của người Minh Hương mà tổ phụ là những người Hoa đã sang định cư tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 17 từ xưa đến nay về kinh tế, văn hóa là đáng ghi nhận.
Đình Minh Hương Gia Thạnh là ngôi đình do người Minh Hương xây dựng từ năm 1789. Đây là một trong những ngôi đình cổ của vùng đất Sài Gòn – Gia Định, thờ nhiều danh nhân có công với đất nước, là một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Sài Gòn xưa, TP.Hồ Chí Minh hôm nay là nơi tập trung người Hoa đông nhất nước ta. Người Hoa có mặt ở Sài Gòn từ những năm cuối thế kỷ 17 với nhiều đợt di dân từ Trung Hoa xuống phía Nam. Họ vốn là những nông dân nghèo khổ, binh lính và một số quan lại phong kiến rời bỏ quê hương vượt biển tìm đất mưu sinh.
Từ năm 1679 chúa Nguyễn đã cho phép các đoàn người Minh sang định cư ở Nam bộ. Người Hoa đến Sài Gòn-Gia Định với nhiều đợt di dân, định cư, trong đó có một bộ phận của nhóm Dương Ngạn Địch vốn là người Quảng Đông đã đến định cư ở vùng Biên Hòa (Đồng Nai), thành lập làng Thanh Hà. Đến năm 1789, nhóm cư dân của làng Thanh Hà chuyển từ vùng Biên Hòa về hợp nhất với bộ phận cư dân người Hoa cũ ở Phiên Trấn (là tên gọi cũ của Sài Gòn – Gia Định) lập nên làng Minh Hương.
Tượng của Trịnh Hoài Đức, 1 trong 2 người Minh Hương làm quan đến chức Thượng thư được thờ trong Đình
Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của một địa danh, là nơi cư ngụ của một bộ phận lưu dân người Hoa có mặt ở Sài Gòn – Gia Định từ những ngày đầu khai hoang mở đất. Hương ước của làng Minh Hương còn ghi, năm 1789 là năm chính thức lập "Minh Hương xã", mặc dù từ năm 1698, một số con cháu người Minh Hương đã ngụ cư ở Phiên Trấn.
Sau sự kiện này, những người Hoa ở Minh Hương đã đóng góp xây dựng ngôi đình làng làm nơi thờ cúng tổ tiên và là nơi làm việc của chức sắc. Đến năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường", nên từ đó đình có tên là Minh Hương Gia Thạnh.
Đình Minh Hương Gia Thạnh hiện tọa lạc tại số 380 đường Trần Hưng Đạo, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Đình Minh Hương Gia Thạnh được xây dựng theo kiến trúc kiểu nhà năm gian, vì kèo gỗ, mái lợp ngói ống, tường gạch. Đình được thiết kế gồm võ ca, chính điện và hậu điện. Bên phải võ ca có miếu Ngũ Hành.
Mái ngói của đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích Trung Hoa...
Từ ngoài nhìn vào chúng ta có thể thấy rõ mái ngói của đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích Trung Hoa... được chạm khảm gốm hết sức công phu, tinh xảo.
Tính đến nay, Đình Minh Hương Gia Thạnh đã qua 3 lần trùng tu vào các năm 1839, 1901 và 1962. Qua các lần trùng tu, mặc dù kiến trúc ngôi đình có ít nhiều thay đổi nhưng nhìn chung vẫn thể hiện rõ nét sự giao thoa văn hóa Việt – Trung. Nổi bật của lối kiến trúc này là thủ pháp sử dụng những mô-típ trang trí có tính biểu tượng.
Với thủ pháp này, nhiều đề án trang trí có tính biểu tượng đã được sử dụng. Theo quan niệm của người xưa, đứng đầu Tứ linh là con rồng với nhiều lớp nghĩa. Lớp nghĩa đầu tiên của Rồng là biểu tượng cho mây, mưa, sấm, chớp với tâm thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp, sau khi tiếp thu văn hóa Trung Hoa thì con rồng mang biểu tượng cho uy quyền của bậc quân vương.
Việc sử dụng rất nhiều mô-típ rồng ở đây với nhiều kiểu chạm khắc tinh vi, là biểu tượng làm tăng “uy quyền” của các chư vị Thành Hoàng làng cũng như nhiều bậc khai quốc công thần được thờ phụng ở đây.
Chính điện của đình xây trên nền cao, phía trước trang trí ba bao lam chạm lộng các đề tài tùng - hạc, mai - điểu, liên - áp, giỏ cua, giỏ trái cây
Trên nền kiến trúc độc đáo của Đình Minh Hương Gia Thạnh, nghệ thuật trang trí đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tôn tạo thêm vẽ đẹp nguy nga và cổ kính của đình. Trước hết phải kể đến nghệ thuật chạm khắc tinh xảo trên các dụng cụ điêu khắc bằng gỗ. Nổi bật là bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền và các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá tạo cho đình thêm nét cổ kính.
Bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền và các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá tạo cho đình thêm nét cổ kính
Trên cột và các đà ngang treo nhiều hoành phi, câu đối, phần lớn được làm từ đầu và giữa thế kỷ 19. Đặc biệt có những mảng điêu khắc gỗ, những đôi hài, nón đội hành lễ của các vị tiên hiền lại có những bức tranh vẽ lại câu chuyện người Minh Hương vượt biển, diện kiến xin trú ngụ và được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong của Đại Việt chấp nhận (như Trần Thượng Xuyên ở Đồng Nai, Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, dâng đất như Mạc Cửu ở Hà Tiên). Đình còn lưu giữ những bộ lư gốm Cây Mai, làm tăng thêm vẻ độc đáo và trầm mặc của nghệ thuật gốm phương Nam.
(còn tiếp)
V.N