KỶ NIỆM 320 NĂM SÀI GÒN-GIA ĐỊNH-TP.HỒ CHÍ MINH(1698 – 2018)

Những ngôi Đình cổ ở TP. Hồ Chí Minh (Phần 2)

Chưa có tài liệu nào xác định Đình Chí Hòa được xây dựng từ năm nào, nhưng có nhiều chứng cứ lịch sử khẳng định, ngôi đình này được hình thành từ sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược và thiết lập làng xã cho lưu dân người Việt.

Đình Chí Hòa (tiếp theo)


Nhìn tổng quan, kiến trúc đình Chí Hòa vẫn giữ nguyên được kiến trúc Việt Nam là dàn trải theo phương ngang, không lấy chiều cao làm trọng, hoà nhập với thiên nhiên một cách hữu tình và nhờ vẻ đẹp tự nhiên mà tôn lên nét đẹp kiến trúc công trình. Các yếu tố nhân tạo trong tạo hình đã được khai thác triệt để tạo cho ngôi đình thêm uy nghiêm, độc đáo.

Vẻ đẹp bên ngoài của đình Chí Hòa không chỉ có nét đẹp cổ kính mà còn phải kể đến sự rực rỡ, qui mô của bộ mái đình. Đó là kiểu kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện đại và truyền thống. Đình Chí Hòa là biểu tượng đặc trưng của đình làng Nam bộ với kiến trúc Đình xây trên nền cao 5 tấc, lợp ngói âm dương, đầu đao đính đuôi rồng, trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm xanh quí hiếm. Có bình phong, các bàn thờ Thần Nông, Thần đất, Ngũ hành nương nương…

Nhìn từ ngoài thấy rõ 3 phần: võ ca, chánh điện và Đông - Tây lang. Bộ vì kèo với kỹ thuật xây dựng chêm, nêm hết sức tinh vi. Trên nền kiến trúc độc đáo của Đình Chí Hòa, nghệ thuật trang trí đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tôn tạo thêm vẽ đẹp nguy nga và cổ kính cho khu di tích. 


Trước hết phải kể đến nghệ thuật khảm gốm men xanh. Từ những mảnh gốm tự nhiên, các nghệ nhân đã tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo: Rồng, Lân, Phụng, Cá chép… Bên cạnh đó là những đường nét tự nhiên thanh thoát bay bổng của những bờ mái và cũng như thế bằng nghệ thuật chạm trổ tinh vi mà bốn cây cột ở tiền điện vừa đảm nhận chức năng kiến trúc vừa thể hiện vai trò trang trí độc đáo. Trên thân hai cây cột cuốn thư chạm hình Cúc - Phụng; Mai - Điểu làm cho cấu trúc của đình vừa thanh thoát bay bổng vừa uy nghiêm tráng lệ.

Nổi bật trong chính thất đền là các bộ liễn treo trên cột phía trong chứa các nội dung văn tự qua bộ chữ Hán cẩn xà cừ rất quí, cộng thêm các bức hoành treo trước võ qui, đông và tây lang đều có niên đại trên 100 năm. Thêm vào đó là các bao lam với nghệ thuật chạm trổ tinh vi hình tứ linh hoặc mai, lan, cúc, trúc bố trí hỗ trợ vừa cách điệu vừa chịu lực cho bộ vì kèo và cột, tạo nên bức tranh phù điêu hết sức kỳ vĩ…

Nhiều cổ vật quí hiếm hiện đang được lưu giữ và trưng bày trong chánh điện gồm: 2 bộ lỗ bộ đầu bịt đồng, cán gỗ mun, ngựa thần, cặp hạc, bộ bát bửu, chiêng trống, bộ tàn lọng, áo mão, cân đai, võng điều và long xa đều là vật vô giá được bố trí trong chánh điện theo đúng cung cách thờ cúng. Đặc biệt, đình Chí Hòa hiện còn lưu giữ hộp gỗ mun thân tròn đầu vuông, dài 4 tấc, trong đó có đựng bản sắc phong của vua Tự Đức phong cho đình Chí Hòa. 

Hầu hết các bàn thờ bài trí "đông bình, tây quả", giữa hương án, lư đồng. Tất cả hiện vật thờ cúng thuộc quí hiếm, với sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại tạo nên một không gian mờ ảo trên những đường trang trí tuyệt mỹ càng làm tăng thêm sự trang nghiêm, u nhã vốn có của một cơ sở tín ngưỡng cộng đồng.

Trải qua những thăng trầm và nhiều biến cố của lịch sử, Đình Chí Hòa còn ghi lại nhiều sự kiện văn hóa lịch sử của đất Gia Định xưa. Vào khoảng những năm 1785 đến 1789, trong khuôn viên của đình đã diễn ra lớp học do cụ Võ Trường Toản đứng lớp. Từ lớp học này đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh...

Trong đình có một bộ liễn xưa do các học trò của cụ Võ Trường Toản làm để tặng thầy, bên trên có khảm hai câu như sau:

Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhân vô tử như hữu tử

Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giã bất vong.

Có nghĩa là:

Lúc sống, dạy dỗ được người, dầu không con cũng như có con.

Khi qua đời, tuy đã mất nhưng tiếng tăm vẫn còn tại thế.

Trong thời kỳ chiến tranh, Đình Chí Hòa cũng là nơi che giấu cán bộ Cách mạng hoạt động bí mật. Như phong trào yêu nước tự phát xảy ra vào năm 1915 - 1917 tại đình gọi là Thiên - Địa Hội. Ngoài ra tại Đình, dưới bệ sân khấu có hầm bí mật được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng trong một thời gian.

Tại TP. Hồ Chí Minh, đình Chí Hòa được xếp hạng nhất trong tất cả các Đình hiện có và cũng đứng đầu danh sách 10 Đình Chùa cổ và lâu đời nhất của Thành phố. Giá  trị lịch sử - văn hoá của ngôi đình thể hiện sự ghi dấu những tâm tư tình cảm và cảm niệm cuộc sống, vũ trụ của người dân phương Nam, sự khao khát một nền hoà bình, quốc thái dân an và ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngôi Đình cổ kính này từng được vua Tự Đức đời thứ 5 ban sắc phong năm Nhâm tý – 1852 và được Bộ VHTT cấp bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996.


Từ mái đình này, tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết xóm ấp được củng cố và phát triển bền vững theo tháng năm. Hàng năm, vào dịp đại lễ kỳ yên, người dân nơi đây lại cùng nhau ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công lập làng, lập đình. Âu đó cũng là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của  dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay.
(Còn tiếp)
Văn Nguyễn