TP.Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất cả nước, cuộc sống hối hả, sôi động, nhưng luôn ẩn chứa những tấm lòng trắc ẩn, luôn biết sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng.
Hẻm 162 Phan Đăng Lưu sau khi mở rộng (Ảnh: Interrnet)
Thời gian gần đây, dư luận xã hội rất quan tâm và đánh giá cao nghĩa cử của những người dân Quận 3 và quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh) đã tự nguyện đi đầu hưởng ứng việc chỉnh trang đô thị thành phố, sẵn sàng hiến đất để cùng với chính quyền địa phương mở rộng các tuyến hẻm thành đường thông thoáng, thuận tiện.
Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ 2015 đến nay, riêng Quận 3 đã có 1.172 hộ dân tham gia hiến đất, có 34 con hẻm được mở rộng trên địa bàn quận với tổng diện tích được mở rộng là hơn 9.300 m2, tương ứng với số tiền hơn 444 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Quận 3 cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiến hành khảo sát, phân loại các hẻm dưới 3,5 m, xác định ranh giới và tiến hành vận động người dân hiến đất để mở rộng hẻm.
Phú Nhuận cũng là quận đi đầu trong phong trào hiến đất, mở hẻm. Quận có gần 600 con hẻm có từ trước năm 1975, phần lớn là hẻm nhỏ, hẹp, gồ ghề, chạy vòng vèo trong các khu dân cư chật chội, lầy lội, đi lại khó khăn, không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và an ninh, trật tự. Gần 20 năm trước, quận thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng hẻm theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", dân hiến đất, địa phương sẽ đầu tư đổ bê-tông, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước... Ðến nay, quận đã thực hiện 18 công trình mở rộng hẻm, với 636 hộ dân tự nguyện hiến 3.910,6 m2 đất, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Chỉ trong 10 năm trở lại đây, quận Phú Nhuận đã mở rộng 74 hẻm với diện tích gần 14.465 m2 đất do 3.103 hộ gia đình hiến.
Ông Trần Trung Chi, người hiến gần 20m2 đất để mở hẻm 20 Cô Bắc và 270 Phan Đình Phùng (Ảnh: Internet)
Có thể khẳng định, trong thời buổi "tấc đất tấc vàng", việc người dân chấp nhận hy sinh quyền lợi, đóng góp công sức cho cái chung là điều vô cùng đáng quý, là một nghĩa cử hết sức cao đẹp của những con người biết nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Đạt được kết quả này, đằng sau sự tự nguyện đáng quý của người dân, vai trò của người cán bộ cơ sở cũng rất đáng ghi nhận, cả trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện các công trình dân sinh đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch. Không dễ để thuyết phục người dân đồng lòng cùng hiến đất để mở đường, mở rộng hẻm… nhưng chính quyền đã làm được, chứng tỏ họ đã làm cho dân tin, được dân đồng tình.
Việc hàng trăm hộ dân đã đồng lòng, tự nguyện hiến đất làm đường ở Quận 3 và quận Phú Nhuận trong thời gian qua càng khẳng định, khi “ý Đảng hợp lòng dân”, sẽ tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, tạo nên sức mạnh chung “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Trong các cuộc mở rộng hẻm, người dân vừa là người hiến đất, vừa là người chỉnh trang nhà cửa của mình và vận động chính hàng xóm cùng nhau hiến đất để đem lại lợi ích chung.
Nhà cửa hai bên đường cũng rất đều nhau, không còn lồi lõm như trước (Ảnh: Internet)
Kết quả cuối cùng cũng là để phục vụ lợi ích của người dân, lợi ích chung của cộng đồng. Nhường vài mét đất đồng nghĩa với việc nhà này bớt đi khoảng sân phơi, nhà kia nhín chỗ để xe, nhà nọ phải thu hẹp phòng khách. Nhưng bù lại, con hẻm sẽ thông thoáng, khang trang, lỡ có hỏa hoạn, cháy nổ, bệnh tật cấp cứu cũng dễ bề xoay trở. Khi hẻm rộng hơn, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, làm ăn, sinh hoạt tốt hơn, mỹ quan đô thị đẹp hơn, an toàn hơn, mặt đường và hệ thống thoát nước cũng được nâng cấp nên giá trị nhà ở tăng lên.
Suy nghĩ về nghĩa cử cao đẹp này của người dân Thành phố mang tên Bác kính yêu, người viết bài này cho rằng, đây như là một tất yếu. Hãy ngược thời gian, từ thuở đi khai hoang lập ấp cách đây hơn ba thế kỷ cho đến hôm nay, người dân Sài Gòn – Gia Định – TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng nên những giá trị tinh thần mang tính đặc trưng như tinh thần nhân ái, nghĩa tình, năng động, sáng tạo… Trong thời đại mới, những phẩm chất tốt đẹp ấy không ngừng được phát huy, TP.Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và thực hiện hiệu quả nhiều phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương”, “Chương trình xóa đói giảm nghèo”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Nụ cười cho trẻ thơ, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”… Những phong trào này sau đó lan tỏa ra cả nước, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao, có sức lan tỏa mạnh, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội mới của chúng ta.
Những lo lắng về hẻm nhỏ đã không còn nữa (Ảnh: Internet)
Như vậy, việc người dân tự nguyện hiến “đất vàng” mở hẻm ở TP.Hồ Chí Minh, chính là sự kế thừa đáng quý truyền thống nhân ái, nghĩa tình, tinh thần vì cộng đồng đã trở thành “thương hiệu” của người dân nơi đây. Việc tiếp tục phát huy những phẩm chất cao quý ấy sẽ là nguồn lực quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu của Đảng, phấn đấu đưa thành phố Hồ Chí Minh “về đích trước” trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Thiết nghĩ, để phong trào được lan tỏa, thành phố nên mở cuộc vận động học tập các địa phương làm tốt công tác này để những địa phương mà chính quyền còn thụ động, thờ ơ… đến học hỏi cách làm hay, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, nhằm giúp đời sống của người dân ngày một nâng cao hơn, thành phố sẽ ngày càng đẹp hơn.
Hơn thế nữa, phong trào này cũng rất đáng được nhân rộng ra ở các địa phương trong cả nước.
Văn Nguyễn