“Tôi luôn biết rõ mình là ai, đang đứng ở vị trí nào nên không ganh tị hay so sánh với với bất cứ ai điều gì” - nghệ sĩ Tùng Linh bộc bạch.
Nghệ sĩ Tùng Linh
Nghệ sĩ Tùng Linh là gương mặt quen thuộc với khán giả HTV qua các vở kịch, cải lương, tiểu phẩm hài như: Siêu thị cười, Về phía cầu vồng, Cơm ấm nhà mình… Nam diễn viên chinh phục khán giả bằng lối diễn xuất nhẹ nhàng, hóm hỉnh như chính tính cách của anh ngoài đời.
Anh tâm sự để có được như ngày hôm nay là cả sự cố gắng trau dồi không ngừng nghỉ, vì anh xuất thân là dân tay ngang không qua trường lớp đào tạo, gia đình lại không có ai theo nghệ thuật.
Nghệ sĩ Tùng Linh cùng các đồng nghiệp trong chương trình “Về phía cầu vồng” phát sóng trên kênh HTV9
Nam nghệ sĩ cho biết, bản thân mê nghề từ nhỏ. “Hồi đó, mỗi lần ở quê có đoàn cải lương về trường học là tôi rủ mấy bạn đem theo khoai mì bỏ vô trong cặp, để khi học xong trốn lại trường đợi tới tối coi luôn. Vui nhất là lúc mấy chú bảo vệ đoàn cải lương đi kiểm tra coi còn ai ở trường không. Hôm nào hên gặp người dễ thì cho ở lại coi. Hôm nào xui thì bị đuổi về. Mà tôi đâu có chịu về, ráng đứng trước cổng canh gần hết tuồng, để xin vô coi màn cuối. Lúc vô được ta nói nó sướng gì đâu!” - anh bồi hồi nhớ lại.
Lớn lên, nghệ sĩ Tùng Linh theo nghề vẽ pa-nô, áp phích. Nhân một lần nhận vẽ pa-nô cho đoàn tạp kĩ, vì mê nghề quá mà anh đánh liều nói dối mình có qua trường lớp học diễn xuất để được trưởng đoàn nhận. May mắn sao ông đồng ý, nam diễn viên bén duyên và theo nghề từ đó. Cuộc đời của chàng thanh niên vẽ pa-nô áp phích chuyển sang bước ngoặt mới.
Nghệ sĩ Tùng Linh từng là thợ vẽ pa-nô, áp phích trước khi trở thành diễn viên
May mắn lại đến khi anh được nhận làm con nuôi của “quái kiệt hài” Tùng Lâm. Theo cha nuôi đi tấu hài rong ruổi khắp mọi miền đất nước, anh tiến bộ hơn từng ngày, biết thế nào là tiết tấu, là quăng mảng miếng, bắt chụp cùng bạn diễn.
Là diễn viên hài nhưng đôi khi khán giả xem truyền hình lại thấy nghệ sĩ Tùng Linh xuất hiện trong những vở cải lương trên sóng HTV. Anh bảo tham gia cải lương nhưng vẫn đảm nhận vai hài chọc cười là chính, cũng có khi anh hát đôi ba câu, đó là do mê cải lương nên tự học chứ không qua trường lớp nào. Bởi vậy, có đôi chỗ nam diễn viên tự nhận mình hành hạ thầy đờn dữ lắm. Cuối buổi tập, thầy đờn phải ở lại cùng anh để luyện tiếp sao cho “vô” được đúng dây, đúng nốt.
Nghệ sĩ Tùng Linh cùng nghệ sĩ Hồng Trang trong vở kịch “Đứa con mang họ mẹ”
Anh nói đời người nghệ sĩ niềm vui và nỗi buồn đơn giản lắm. Bữa nào đi diễn mà khán giả sung, mình diễn được bên dưới hưởng ứng nhiệt liệt là “đã” lắm, hôm đó vui cả ngày. Còn những hôm mưa không được diễn hay bị “bể show” là buồn như “mất sổ gạo”.
Vì cái tình yêu nghề đó mà nam nghệ sĩ có động lực vượt qua mọi khó khăn để bám trụ nghề. Bởi theo anh, nếu không được đứng trên sân khấu nữa thì cảm giác đó “kinh khủng” lắm. Nên nghệ sĩ Tùng Linh luôn ý thức trân trọng từng vai diễn, chỉn chu, trách nhiệm với từng công việc đến với mình. Anh nói đó cũng là cách anh giữ ngọn lửa nghề. Dù có mệt, có buồn như thế nào đi nữa, lên sân khấu là để lại hết ngoài cánh gà, bước ra diễn chỉ còn nhân vật mà thôi.
Nghệ sĩ Tùng Linh chia sẻ cuộc đời anh từ đó giờ ngoài cái may mắn được ăn chén cơm Tổ nghề, còn thì làm chuyện gì cũng không được suôn sẻ, phải trầy trật chút đỉnh mới chịu, như live show kỉ niệm 20 năm theo nghề của anh là một ví dụ. Bao nhiêu kế hoạch đã lên xong xuôi đâu đó thì đùng một cái dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến anh phải hoãn lại tất cả dù đã lên lịch tập, mướn sân khấu và hẹn nghệ sĩ.
Nam diễn viên luôn tâm niệm “cuộc đời có người số sướng, có người số vất vả, có người sinh ra ngồi ghế hạng A, có người ngồi ghế hạng B, tôi luôn biết rõ mình là ai, mình đứng ở đâu, nên không tranh giành, hay so sánh mình với bất kì ai. Cứ cố gắng làm việc tận tâm, rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp”.
Nghệ sĩ Tùng Linh cùng đồng nghiệp trong đêm diễn Trung thu phục vụ các em thiếu nhi vừa qua tại Đồng Nai
Vũ Thanh Lan