KỶ NIỆM 320 NĂM SÀI GÒN-GIA ĐỊNH-TP.HỒ CHÍ MINH

Miếu Nổi giữa lòng thành phố (phần 2)

Miếu Nổi ở TP. Hồ Chí Minh từ lâu không chỉ nổi tiếng về phong cách kiến trúc đẹp mà còn bởi vị trí xây dựng rất đặc biệt. Miếu nằm cách biệt với những tòa nhà cao tầng trong thành phố, là ngôi miếu duy nhất nằm giữa lòng sông.


Trên mái và cột cổng vào là 2 đôi rồng làm bằng đá cẩm thạch uốn lượn theo thế song long đối đầu

Trước năm 1975, Miếu Nổi là một điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. Từ năm 1992, ông Lục Câu, trưởng ban quản lý miếu đã phác thảo và thực hiện tu sửa, đắp lại các hình tượng tại miếu. Tháng 4 năm 2010, Miếu Nổi được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Tồn tại gần 300 năm, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa và sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh nay, giờ đây, Miếu Nổi đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh của thành phố.

Sau nhiều lần trùng tu, Phù Châu miếu đã trở nên khang trang, phong cách kiến trúc đặc sắc mang đậm nét văn hóa Việt – Hoa và là một trong những địa điểm tham quan nổi bật trong tour du lịch đường sông của TP. Hồ Chí Minh, một trong những địa điểm tham quan, cúng viếng của du khách gần xa. Nét văn hóa Việt – Hoa trộn lẫn với nhau từ tín ngưỡng thờ phụng các vị thần ở Miếu Nổi. Đó là tín ngưỡng thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu và Tề Thiên Đại Thánh - những vị thần theo người Trung Hoa là anh minh, yêu dân, giúp đỡ mọi người. Thêm vào đó, tại Miếu Nổi còn thờ các vị Phật theo tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam như: Phật Di Lặc, phật Quan Âm, Thập Bát La Hán và những vị thần dân gian Việt Nam như Bà chúa xứ Châu Đốc, Cửu Huyền Thất Tổ...

Về kiến trúc cũng vậy, Miếu Nổi được cất theo kiểu chữ tam, gồm ba toà nhà nối liền nhau bởi hai sân thiên tỉnh hẹp có lợp mái, mặt tiền miếu quay về hướng Nam. Mỗi dãy nhà đều có một lớp mái, riêng tiền điện có hai tầng mái. Tất cả mái đều lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh. Mái có hình thuyền, trên các đầu đao có gắn tượng cá hoá rồng, còn ở các đầu kìm là những tựợng rồng, thân dựng thẳng, đuôi xoè lên cao, chầu hai bên mặt trời. Dọc theo đường bờ nóc và tàu đao là phù điêu rồng, phượng, mai, lan, cúc, trúc... được ghép bằng mảnh gốm nhiều màu sắc. Đây là nét kiến trúc đặc sắc mang đậm chất văn hóa của người Hoa.


Rồng là biểu tượng nổi bật của Miếu Nổi

Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng và cẩn sứ, các mái vòm cũng được cẩn sứ và ghép hình tỉ mỉ. Hai bên tường được cẩn sành mô tả các hình tượng tín ngưỡng dân gian. Khu trung tâm thờ tự của miếu chia làm ba phần: tiền điện, trung điện và chính điện. 

Đặc biệt, điều dễ dàng nhận thấy khi đến Miếu Nổi là hình ảnh những con rồng. Rồng hiện diện ở khắp nơi trong không gian của Miếu Nổi. Ngay cổng vào là đôi rồng làm bằng đá cẩm thạch uốn lượn theo thế song long đối đầu. Trên nóc mỗi tòa nhà đều trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Trên bốn đầu đao cong lên có gắn hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng. Trong miếu, tám cây cột cũng đều đắp nổi hình rồng uốn lượn bao quanh.

Hình tượng những con rồng ở rất nhiều các tư thế, kiểu dáng khác nhau được cẩn sứ với những nét hoa văn cầu kỳ như minh chứng cho một quá khứ mà ở đó sự tưởng tượng của con người thăng hoa thể hiện qua cách trang trí tinh xảo, phản ánh rõ nét quan niệm nghệ thuật trong văn hoá tín ngưỡng của người Hoa.

Giải thích về hình tượng con rồng xuất hiện nhiều ở Miếu Nổi, các bậc cao niên trong vùng cho rằng, ngoài quan niệm Rồng là một trong bốn con vật tứ linh theo tín ngưỡng của người Hoa, có lẽ còn do những người trùng tu ngôi miếu này đã dựa vào những giai thoại được ông bà xưa kể lại. 


Khuôn viên thờ Phật Quan Âm trong Miếu Nổi

Theo truyền thuyết còn lưu truyền, vào một đêm mưa to gió lớn, có hai con rồng xuất hiện, đánh nhau trên dòng sông Vàm Thuật. Sáng ra, nơi này nổi lên một gò đất cùng với năm bức tượng của năm mẹ ngũ hành. Từ đó, người dân lập nên ngôi miếu để thờ.

Cho đến nay, vẫn chưa phát hiện có sử sách nào ghi chép lại ngôi miếu được tạo dựng từ năm nào. Những người cao tuổi sinh ra ở vùng này cũng không biết chính xác năm nó ra đời. Chính vì vậy, các truyền thuyết về sự hình thành ngôi miếu cổ cùng với những giai thoại ly kỳ về gò đất nổi lên giữa sông Vàm Thuật đã khiến cho nơi đây trở nên linh thiêng, tôn nghiêm và có phần huyền bí.

Dù đi lại khó khăn hơn những nơi khác, Miếu Nổi ngày ngày vẫn đón không ít lượt khách từ khắp nơi tìm đến. Từ một cù lao đất bỏ hoang, chỉ rộng khoảng 2500 mét vuông này, trở thành một vùng đất thiêng của xứ Sài Gòn - Gia Định suốt mấy trăm năm qua. 

Du khách gần xa đến đây để thưởng ngoạn cảnh quan của một vùng đất với nhiều giai thoại huyền bí cũng có, mà để thắp hương cầu mong bình an, làm ăn phát đạt cũng nhiều. 

Ngồi trên những con thuyền trôi êm trên sông Vàm Thuật, ngắm nhìn những đám lục bình trôi, những rặng dừa nước xanh rì hai bên bờ và tiếng lạch bạch của máy tàu xen lẫn tiếng rì rào sóng nước tạo cho ta một cảm giác yên bình, thư thái lạ thường.


Miếu Nổi - điểm đến cầu tài, cầu lộc của du khách

Trong khuôn viên Miếu Nổi, những thân cây cổ thụ toả bóng rêu phong tạo nên vẻ u tịch, trầm tư, linh thiêng, huyền ảo. Với người dân Thành phố Hồ Chí Minh và du khách thập phương, Phù Châu miếu đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều linh thiêng, huyền diệu.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2018
Văn Nguyễn. Ảnh: internet