Được dựng lên từ thế kỉ thứ 18, suốt mấy trăm năm qua, Miếu Nổi vừa là điểm du lịch, vừa là nơi hành hương của người Sài Gòn – Gia Định xưa và TP. Hồ Chí Minh nay trong những dịp lễ, tết.
Miếu Nổi được xây dựng trên gò đất giữa sông Vàm Thuật
Vàm Thuật là con sông nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Sông Vàm Thuật có chiều dài khoảng 10km bắt nguồn từ các nhánh, rạch nhỏ chảy qua địa bàn hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh rồi đổ về sông Sài Gòn ở khu vực gần cầu Bình Lợi.
Trên dòng chảy của sông Vàm Thuật, đoạn qua địa phận phường 5, quận Gò Vấp ngày nay có một gò đất nổi lên. Nhìn từ trên cao, gò đất này tựa như một bàn chân người khổng lồ chắn ngang dòng chảy, tạo nên một ốc đảo nhỏ giữa ngã ba sông sơn thủy hữu tình.
Ngày xưa, sông Vàm Thuật có tên gọi là sông Bến Cát. Lúc bấy giờ, vùng đất này còn rất hoang sơ, chi chít đầm lầy và sông rạch. Thuyền ghe là phương tiện di chuyển chủ yếu và sông, rạch là nơi để người dân làm nghề đánh bắt mưu sinh.
Về sự tích hình thành của Miếu Nổi, hiện trong dân gian còn lưu truyền nhiều truyền tích khác nhau. Một truyền thuyết cho rằng, vào khoảng thế kỷ 18, một hôm có người đàn ông đánh cá trên đoạn sông này đã vô tình vớt được thi thể của một người phụ nữ ở thượng nguồn trôi về bèn đắp mộ chu đáo trên ốc đảo này và lập một ngôi miếu nhỏ để thờ oan hồn người đã khuất. Nhờ đó mà cuộc sống sông nước của ông khấm khá hơn. Tiếng lành đồn xa, những ngư dân khác cũng theo nhau tới thắp hương, cầu phúc trước ngôi mộ mỗi đêm giăng lưới với hi vọng sẽ có nhiều tôm cá, thuyền ghe thuận lợi đi về.
Cổng vào Miếu Nổi
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, cách đây gần hai trăm năm, một ngư phủ quăng lưới đánh cá trên dòng sông Bến Cát đã vớt được một pho tượng mà lúc ấy người ta cho rằng đó là tượng Bà Thủy Tề. Từ đó, ngôi miếu thờ Bà được dân chúng trong vùng lập nên trên cù lao bỏ hoang để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè đi về bình an.
Tuy nhiên, theo các bậc cao niên trong Ban quản lý miếu Nổi thì ở cù lao miếu Nổi này không chôn xác ai cả. Họ chỉ nghe những người già kể lại rằng, ngôi miếu được dựng từ thời vua Gia Long. Nghĩa là trong khoảng thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19. Trong thời kỳ này, giao thông đường thủy là loại giao thông rất phổ biến. Những nhà buôn người Hoa khi đi qua khúc sông Vàm Thuật, thường ghé nghỉ đêm trên cù lao bỏ hoang này.
Sau những đêm ngủ lại, họ thường thấy những hiện tượng lạ xuất hiện. Vì vậy, các nhà buôn đã cùng với các bô lão quanh vùng lập nên một cái miếu, để cầu mong thuận buồm xuôi gió, thượng lộ bình an.
Do địa hình khá đặc biệt, người dân từ các làng ấp xung quanh khi hành hương về đây cúng lễ, cầu an thường phải đi bằng ghe thuyền. Có lẽ từ đặc điểm này nên dân làng mới gọi tên là Miếu Nổi. Nhưng thực ra, miếu còn có một tên gọi khác do người Hoa đặt là miếu Phù Châu.
Phù Châu, tiếng Hán có nghĩa là viên ngọc nổi trên mặt nước. Nơi đây với 4 bề sông nước êm đềm, không gian thoáng đãng, là nơi được nhiều người dân thành phố cũng như khách thập phương từ khắp nơi chọn làm nơi tham quan ngắm cảnh, cũng như mong muốn tìm cho mình cảm giác thanh tịnh, yên bình, tránh xa với những ồn ào, xô bồ nơi phố thị.
Những nét chạm khắc tinh xảo mang đậm nét văn hóa Việt – Hoa
Ban đầu, miếu Phù Châu chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng tre và lá dừa. Theo thời gian, những nhà buôn ghé lại sửa sang mãi nên ngôi miếu cứ rộng ra thêm. Ngoài khu vực thờ Ngũ Hành, Long Mẫu ở chính điện, Phù Châu miếu còn được xây cất thêm các khu điện thờ Thành Hoàng và Thánh Mẫu.
Phù Châu miếu là một quần thể kiến trúc văn hóa tín ngưỡng linh thiêng và lãng mạn nằm giữa bốn bề sông nước mênh mang. Đứng ở bờ đất của Miếu Nổi dõi mắt sang phía Tây bờ sông là những khu nhà cao tầng của quận Gò Vấp, phía bờ Đông là vùng chuyên canh cây trái phuộc phường An Phú Đông của quận 12.
Một bên là những công trình kiến trúc hiện đại, một bên là những vườn cây trái ngút ngàn của vùng đất An Phú Đông màu mỡ, một vùng hiếm hoi ở thành phố mà người dân vẫn sinh sống bằng nghề làm vườn, mới thấy vùng đất này có gì đó khác biệt.
Cảnh quan nơi đây đã được các tao nhân mặc khách miêu tả: “Cảnh trí của cuộc đất nhỏ nhô lên giữa dòng sông rất thơ mộng. Chung quanh có cây cao bóng mát. Khách thừa lương mến cảnh tịnh liêu, trong những ngày rảnh rỗi thường đến đây du ngoạn. Vì chốn này vắng vẻ, xa thành thị, riêng biệt thự một khu vực trời nước bao la. Phải là nơi lý tưởng cho những ai có tâm hồn thầm lặng”.
(còn tiếp)
TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2018
Văn Nguyễn. Ảnh: internet