(HTV) - Thời gian vàng đóng vai trò quyết định trong cấp cứu đột quỵ, giúp giảm di chứng và tăng khả năng phục hồi. Nhận biết sớm dấu hiệu và đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời có thể cứu sống họ.
Đột quỵ đang trở nên phổ biến và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hàng đầu hiện nay. Tại các bệnh viện, số lượng người nhập viện liên quan đến đột quỵ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong dịp Tết năm nay. Điều quan trọng nhất là tận dụng thời gian vàng cấp cứu để tránh các di chứng và tăng khả năng phục hồi cho người bệnh.
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ 2025/FEB/09/KLINH/dotquy.webp)
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ 2025/FEB/09/KLINH/dotquy3.webp)
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hàng đầu hiện nay
Tại Bệnh viện Quân y 175, một trường hợp điển hình là ông Khuất Ngọc Hùng (ngụ tại Quận 12, TP.HCM). Ông nhập viện khoa Nội thần kinh trong tình trạng tay chân tê cứng, mất cảm giác và khó khăn khi nói. Sau ba ngày điều trị, ông đã có thể nói chuyện và vận động bình thường. Bác sĩ điều trị cho biết nhờ ông Hùng được đưa đến bệnh viện trong thời gian vàng, tức là chưa quá 4,5 giờ sau khi phát hiện triệu chứng, nên khả năng phục hồi rất cao.
Ông Hùng chia sẻ: "Khi con cháu bảo đi thì mình đi thôi, như vậy thì đúng là tốt đấy. Chỉ có mấy ngày thôi mà đã yên tâm rồi. Khi vào viện, chân không bước được, không xuống xe được, lên giường nằm phải có người dìu. Nhưng bây giờ đã ổn định, chân tay không có vấn đề gì nữa."
Chị Khuất Hà Thu, con gái ông Hùng, cho biết: "Bố em hoàn toàn bị tê liệt, mặt méo hẳn. Khi thấy triệu chứng, rất may là nhờ sự giúp đỡ của khoa A7 và khoa Cấp cứu, bố em mới có thể hồi phục như hôm nay."
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ%202025/FEB/09/KLINH/dotquy1.webp)
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ%202025/FEB/09/KLINH/dotquy2.webp)
Nội thần kinh trong tình trạng tay chân tê cứng, mất cảm giác và khó khăn khi nói
Trong 9 ngày Tết Ất Tỵ, khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, trong đó 70% là đột quỵ nhồi máu não, còn lại là xuất huyết não và các bệnh lý liên quan. Năm nay, mức độ bệnh nhân nhập viện nặng hơn, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng lơ mơ, hôn mê hoặc liệt hoàn toàn. Vì vậy, việc cấp cứu kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu di chứng.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: "Nếu qua 4,5 tiếng, tế bào não sẽ chết nhiều hơn và cơ hội cứu các tế bào còn sống sẽ ít đi. Sau khoảng thời gian này, một số phương pháp điều trị tái thông cũng không còn hiệu quả."
Bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ thông qua từ viết tắt FAST:
Face (mặt): Người bệnh có biểu hiện cười méo miệng, lệch mặt.
Arm (tay): Tay bị xụi, không nhấc lên được.
Speak (nói): Khó nói hoặc nói không rõ lời.
Time (thời gian): Đây là yếu tố quan trọng nhất. Nếu phát hiện triệu chứng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất trong vòng 4,5 giờ đầu.
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ%202025/FEB/09/KLINH/dotquy5.webp)
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ%202025/FEB/09/KLINH/dotquy6.webp)
Sống lành mạnh và tăng cường vận động
Quan trọng hơn cả vẫn là phòng ngừa đột quỵ bằng cách duy trì lối sống lành mạnh. Theo bác sĩ Nghĩa, những nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, lười vận động, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, cũng như thói quen sử dụng rượu bia và hút thuốc lá. Những yếu tố này làm ảnh hưởng đến thành mạch máu, gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và đột quỵ.
Nếu không tử vong, di chứng do đột quỵ để lại cũng trở thành gánh nặng cho bản thân người bệnh và gia đình. Do đó, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, béo phì hoặc thiếu máu não thoáng qua, kết hợp với lối sống lành mạnh và tăng cường vận động, là chìa khóa quan trọng để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9