Hai Cù Nèo ứa nước miếng khi nhớ về "Hương gây mùi Tết"

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa đã có cuộc trò chuyện cùng chương trình "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM" trước thềm năm mới Tân Sửu 2021. Nhiều câu chuyện thú vị qua lăng kính hài hước và dí dỏm được nhà báo chia sẻ trong chương trình.

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa say sưa kể về TP.HCM - nơi mà ông dành hết tình yêu từ thuở còn ấu thơ đến khi đầu đã hai màu tóc

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), có lẽ, nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa là đại diện cho người dân ở vùng đất này với đầy đủ tính cách đặc trưng: hài hước, hào sảng, chất phác, thật thà, bao dung... Nổi tiếng với nhiều bút danh mang tính cách hài hước khi đảm nhận vị trí chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, nhà báo Lê Văn Nghĩa cho rằng nhân vật trong các bài viết một phần phản ánh con người và tính cách của ông.

Đến với chương trình "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM" trong những ngày cuối năm Canh Tý và đón chào Tân Sửu, nhà báo Lê Văn Nghĩa đã kể nhiều câu chuyện thú vị về Tết xưa và nay. Không phải tự nhiên mà đồng nghiệp gọi ông là “nhà văn viết sử bằng trái tim”. Bởi lẽ, trong từng tác phẩm của ông đều đầy ắp những câu chuyện, tình tiết và dữ liệu sống động thuở xa xưa về Sài Gòn - Gia Định nói riêng và miền Nam nói chung. Ông đã rong ruổi khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến quán xá chợ búa. Ông nhìn ngắm mọi thứ từ vật dụng hàng ngày đến từng công trình xưa cũ, và đâu đâu ông cũng thấy kỷ niệm, cũng có ký ức, cũng bật ra nỗi niềm...

Tạp bút "Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ" gợi nhớ tuổi thơ cho biết bao người con của vùng đất này (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ)

Trong tập tạp bút mới nhất "Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ" của nhà văn Lê Văn Nghĩa nhắc lại đến "chuyện mà bây giờ còn mấy ai biết, mấy ai nhớ". Trong đó có rất nhiều ký ức Tết xưa. Nào là chợ hoa những ngày rộn ràng giáp Tết có các nam thanh nữ tú chen chúc nói cười và chọn mua hoa thắm giữa “một xứ sở đầy hoa, tinh khiết từng hương thơm gột rửa cho tâm hồn và cơ thể”. Nào là già trẻ lớn bé chuẩn bị “ba ngày Tết” bằng cách dọn dẹp sạch sẽ và trang trí nhà cửa, mua sắm quần áo và sửa soạn đồ ăn thức uống, du xuân chúc Tết. 

Mâm cơm ngày Tết của người Nam bộ không thể thiếu món thịt kho tàu và canh khổ qua (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, ký ức về "Hương gây mùi Tết" vừa khiến trái tim của người đàn ông trung niên xao xuyến khi nhớ về mẹ, vừa khiến vị giác "lên tiếng" bởi mùi vị quê mùa mà chan chứa tình. Đối với nhà báo Lê Văn Nghĩa, hương gây mùi Tết nhất định phải là món thịt kho tàu. Ông kể lại theo cách giải thích của nhà văn Bình Nguyên Lộc là từ "tàu" trong văn hóa miền Tây có nghĩa là "mặn ngọt lờ lợ". Và chính cách chế biến này sẽ giúp các gia đình ăn liên tục nhiều ngày vào dịp Tết khi chợ truyền thống chưa mở cửa lại. Và nồi thịt kho tàu gây thương nhớ nhất cho nhà báo Lê Văn Nghĩa vẫn là nồi thịt do mẹ ông nấu. Tuy được kể theo cách dí dỏm nhưng nỗi niềm và tình cảm dành cho người mẹ của mình vẫn ánh lên trên gương mặt dạn dày sương gió của nhà báo Lê Văn Nghĩa. 

Bằng tình yêu tha thiết dành cho TP.HCM, nhà báo Lê Văn Nghĩa đã và đang dày công ghi chép, cho ra đời những tác phẩm để kể lại các câu chuyện về thành phố mang tên Bác thông qua những mảnh kỷ niệm đơn sơ mà chan chứa tình. Đó cũng là tâm huyết của nhà báo Lê Văn Nghĩa dành cho mảnh đất đã nuôi dưỡng ông bằng tất cả sự hy sinh và che chở.

Thanh Nhàn