“Đội đặc nhiệm” và hành trình bảo vệ hành tinh xanh

Bạn nghĩ gì nếu những hàng cây ven đường, những bờ sông, bãi biển, bị rác thải phủ lấp? Trong tình cảnh đó, mấy ai nhận ra mình cũng là một "tòng phạm" trong vụ án "cướp màu xanh" đang diễn ra ngày càng phổ biến.


Những buổi dọn rác của các trashpacker được giới thiệu trong chương trình “Khoảng khắc cuộc đời”. Đây là hoạt động của “Đội đặc nhiệm” với nhiệm vụ "bảo vệ màu xanh" 

Nguyễn Ngọc Ánh - đại sứ Trashpacker và những buổi dọn rác cộng đồng

Trong sinh hoạt hằng ngày, việc sản sinh ra rác thải là điều không thể tránh khỏi. Dù cho có những thùng rác để thu gom, nhưng rác lại nằm "lai láng" ở khắp các con đường, công viên, kênh rạch, bãi biển,... làm mất đi màu xanh và vẻ đẹp của tự nhiên. Mỗi người một ít, ai cũng nghĩ sẽ không có hại, nhưng việc xả rác bừa bãi lại "vô tình" tiếp tay cho sự xâm lược của "đội quân rác" đối với môi trường.

Trước thực trạng đó, chị Nguyễn Ngọc Ánh - một đại sứ  của Trashpacker (tổ chức xuất phát từ Hà Lan và đang hoạt động trên 43 quốc gia) đã thực hiện nhiều buổi dọn rác tại 35 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời phát đi thông điệp kêu gọi mọi người không xả rác bừa bãi.

Theo Ngọc Ánh chia sẻ, vì một lần không thể tham gia buổi nhặt rác tình nguyện ở Quảng Nam đã để lại trong lòng chị biết bao trăn trở. Do đó, chị quyết tâm xách ba lô đi Vũng Tàu vào ngày hôm sau và nhặt rác trên các bãi biển, dù chỉ có một thân một mình và vất vả cực nhọc. Lần hành động ấy trở thành một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Ngọc Ánh, nó đã hình thành sứ mệnh bảo vệ màu xanh mà chị dùng hết công sức để thực hiện.


Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ câu chuyện của mình

Với đồng phục là chiếc áo cờ đỏ sao vàng và tấm khăn rằn khoác trên vai, chị Ánh cùng hàng chục ngàn tình nguyện viên trashpacker khác đã và đang thực hiện rất nhiều buổi clean-up hằng tuần trên khắp cả nước. Màu áo đỏ ấy muốn nói cho mọi người biết rằng: "Chúng tôi không phải tổ chức riêng lẻ, mà là những con người Việt Nam đang giữ gìn màu xanh từng ngày. Vậy còn bạn thì sao? Trách nhiệm ‘bảo vệ màu xanh’ không của riêng ai". 

“Khi đã tham gia hoạt động cùng trashpacker, mỗi người sẽ không thể xả rác được nữa” đó là câu khẳng định chắc chắn của Ngọc Ánh, bởi mỗi chương trình là một sự kết hợp chặt chẽ giữa “hành động – giáo dục kiến thức môi trường - tạo thế hệ trashpacker kế thừa”. Chương trình đặc biệt hướng tới với các em học sinh, sinh viên - những người chủ và lực lượng chính bảo vệ môi trường tương lai.

Nguyễn Trọng Minh phân loại rác thải bằng phần mềm “GRAC”

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng hệ thống phân loại rác thải theo 3 nhóm: rác hữu cơ, rác có thể tái chế và những phần còn lại. Ở Nhật, chỉ một chai nước thôi nhưng vẫn cần phải bỏ vào 3 thùng khác nhau. Ở nước ta, đa phần nghĩ rằng việc ấy thật phiền phức, mất thời gian. Nhưng mọi thứ đều có lý do của nó, chính việc phân loại rác thải tại nguồn đã giúp giảm thiểu thời gian trong các công đoạn tái chế, tái sử dụng, đồng thời hạn chế lượng rác thải ra môi trường. 

Trong thời đại công nghệ phát triển, tại sao không áp dụng các kĩ thuật tiên tiến để quá trình phân loại rác hiệu quả và tiện lợi hơn? Trả lời câu hỏi ấy, anh Nguyễn Trọng Minh, một cựu sinh viên Khoa Môi trường - Trường Đại học Bách Khoa, đã sáng tạo nên ứng dụng "GRAC" cùng quy tắc 3T: Tiết giảm, tái sử dụng và tái chế. Ứng dụng đem đến cho người dùng nhiều tính năng khác nhau, trong đó có "trao đổi (tặng) những món đồ cũ cho người có nhu cầu" - nhằm tái sử dụng và tiết chế lượng rác thải. Thêm nữa, ứng dụng còn thu thập thông tin về các loại rác thải, các điểm tập kết rác để hỗ trợ lực lượng thu gom.


Anh Nguyễn Hoàng Minh nhà sáng lập ứng dụng GRAC

Nhưng, "GRAC" cũng chỉ là một công cụ, mấu chốt của sự thành công trong việc phân loại rác vẫn nằm ở con người: Ý thức của người dân, trách nhiệm của đơn vị thu gom và chính quyền. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp khác nhau: Màu sắc, nhãn tên,... trên các bao rác, cộng với sự phối hợp, đồng bộ suốt quá trình xả thải - vận chuyển - xử lý, việc phân loại rác thải tại nguồn tại Việt Nam sẽ được phổ biến và nhân rộng hơn nữa, trở thành “thói quen thường nhật” của các cộng đồng cư dân chứ không dừng ở “hành vi bắt buộc”.

Cô Phan Thị Thuý Phượng và cuộc chiến chống rác thải

Đau đáu trong lòng vấn đề môi trường bị ô nhiễm vì những chiếc túi nilon truyền thống. Năm 2011, trong một chuyến đi Phú Quốc, cô Phan Thị Thuý Phượng đã tìm thấy giải pháp mơ ước khi tình cờ gặp người đồng chí hướng, một nhà sản xuất túi tự hủy sinh học thân thiện môi trường. 

Cô còn nhớ, vào năm 1991, những chiếc máy tạo ra 1 túi nilon trong 5 giây đã từng được đón nhận nồng hậu. Để đến nay, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm với thời gian phân hủy của một chiếc túi nilon lên đến 500 năm.


Ba thế hệ cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường

“Túi tự hủy sinh học thân thiện môi trường” đã là động lực cho cô từ bỏ những việc đã từng làm để nghiên cứu và đưa sản phẩm ra thị trường. Thất bại nối tiếp qua hai dự án, vì giá thành túi tự hủy khá cao, không thuyết phục được tiểu thương. Đến lần thứ ba, sau cơn bạo bệnh, cô kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Giám đốc công ty Tổng hợp hai, hạ giá thành sản phẩm ở mức cao hơn túi nilon thường từ 2-7%, tiếp tục hành trình của mình trên khắp các khu chợ truyền thống. Lần này có sự tiếp sức của con gái cô, người hiểu và động viên mẹ mình bằng cả tấm lòng và hành động.


Cô Phan Thị Thuý Phượng và chiến dịch hành động của mình

Đến nay, không chỉ có lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ “Nói không với rác thải nhựa”, mà những người tiểu thương cũng đã nói không với túi nilon truyền thống. Trong tương lai, những băng rôn tuyên tuyền về túi tự hủy sinh học thân thiện môi trường sẽ còn đồng hành cùng cô và các tổ chức môi trường đến với các chợ, thuyết phục ý thức, đồng thời với giải pháp thay thế khả thi. Cơn “mưa dầm thấm lâu” đã có thể tạo ra một tương lai xanh cho các thế hệ con cháu.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi