Ngày xưa, việc đứng trên sân khấu là kim chỉ nam cho tương lai sự nghiệp của Di Dương. Nhưng thực tế, từ hậu trường ra sân khấu là bước chân dài gần chục năm, và khó hơn rất nhiều so với những gì mà chàng diễn viên này tưởng tượng.
Trước khi đến với nghệ thuật, Di Dương từng cảm thấy chông chênh vì công việc mình đang theo đuổi
Không cảm nhận được hạnh phúc với nghề mình chọn
Khi chuẩn bị thi đại học, Di Dương lúng túng vì không biết nên nộp hồ sơ thi vào trường nào bởi lúc đó, bản thân anh không một định hướng nào rõ ràng. Nhớ lại mình thích chơi điện tử, cũng thích mày mò trên máy vi tính, chàng trai này quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin của đại học Sài Gòn.
Sau khi tốt nghiệp, Di Dương lại tiếp tục lúng túng, chông chênh vì cảm thấy mình không hào hứng với công việc liên quan đến ngành học. Và rồi, anh quyết định không chọn theo "vốn" mình có nữa, mà chọn theo sở thích. Bởi Di Dương muốn mỗi ngày thức dậy, bản thân đều cảm thấy phấn khởi khi được làm công việc mình yêu thích. Vậy là anh chọn bước chân vào con đường sân khấu điện ảnh.
Di Dương (thứ hai, từ phải qua) và các thành viên nhóm HeyMen
Từ hậu trường ra sân khấu là bước chân dài gần chục năm
Khởi đầu của Di Dương là một anh chàng "hai lúa" từ ngoại hình đến lối diễn, gầy gò, đen đúa, nói “đớt”, đài từ không rõ ràng... NSƯT Hữu Châu - người thầy, người đưa Di Dương đến với nghề - đã nói một câu: "Thầy cho em ba tháng, sau ba tháng mà không thay đổi được thì thôi bỏ nghề đi!". Sau câu nói đó, Di Dương quyết tâm thay đổi bản thân mình. Sau này, mỗi lần thất bại hay gặp những chuyện không như ý, những lời dạy của thầy Châu luôn là chìa khóa để anh đóng lại cánh cửa tiêu cực, và tự mở ra cánh cửa khác lạc quan hơn.
Trong khoảng thời gian theo học, Di Dương đã từng định bỏ ngang vì rất nhiều nỗi sợ. Anh sợ không theo nổi nghề, sợ không tìm được vai diễn như bạn bè, sợ không kham nổi học phí... Nhưng cũng chính nhờ thầy Châu động viên, hướng dẫn, thậm chí thầy còn cho tiền đóng học phí, Di Dương đã vượt qua tất cả. Đối với anh, nếu không có thầy Hữu Châu và các thầy cô ở sân khấu kịch Hồng Vân, có lẽ sẽ không có Di Dương của ngày hôm nay.
Vở kịch “Game over” do chính Di Dương làm tác giả và đạo diễn
Rèn đam mê thành thói quen và tập buông bỏ
Tuy Di Dương vào nghề đã lâu, nhưng thường anh chỉ được giao những vai nhỏ trên sân khấu hoặc trong những bộ phim truyền hình nhiều tập. Nhiều lúc anh cũng cảm thấy buồn, thấy tủi, rồi tự vấn rằng, liệu mình thật sự có tài năng để theo đuổi đam mê này không? Nhưng rồi mỗi ngày Di Dương thức dậy chuẩn bị mọi thứ để đi diễn, nỗi buồn đã nhường chỗ cho niềm hạnh phúc.
Bất kể là vai diễn gì, chỉ cần biết mình sắp được đứng trên sân khấu, Di Dương hạnh phúc lắm. Nam diễn viên này nói, một phần là do bản thân ảnh hưởng từ suy nghĩ “buông bỏ để hạnh phúc” của thầy Hữu Châu, phần khác có lẽ do tính cách của anh không thích sự tiêu cực, dễ vui, dễ quên và cũng dễ chấp nhận.
Tuy Di Dương thường đảm nhận những vai nhỏ nhưng anh cảm thấy hạnh phúc vì được đứng trên sân khấu
Đối với Di Dương, lúc nào việc đặt ra câu hỏi cũng rất cần thiết. Những câu hỏi: Tại sao bạn đó lại diễn được như vậy? Tại sao mình cảm thấy chưa hài lòng? Tại sao mình không phải là người được chọn?... tất cả chỉ để anh chàng này tìm ra giải pháp hoàn thiện cho bản thân và vai diễn. Đó cũng là cách Di Dương mài giũa mình để "sống với nghề".
Di Dương cho rằng, diễn xuất là “cái nghề” đòi hỏi diễn viên phải học hỏi không ngừng lẫn nhau. Và công việc này, Di Dương luôn dành thời gian để thực hiện như: xem mọi người diễn xuất, chọn trang phục, học thoại… hoặc để ý cả phong cách sống đời thường của họ để "bỏ túi" nhiều nét tính cách, bởi anh biết chắc sẽ có ngày mình cần dùng đến.
Bảo Châu