Kịch tính cuộc chiến với tội phạm tâm lý trí thức; Mối duyên bất ngờ với “Ván bài lật ngửa”; Cả ê-kip như bị thôi miên khi quay một số cảnh phim... là một vài trong nhiều tiết lộ thú vị quanh “Kẻ sát nhân cô độc”.
Thời điểm hiện tại, TFS – với gần 30 năm hình thành, phát triển - đang trong giai đoạn chuyển giao hai thế hệ, những đạo diễn cây đa cây đề với nhiều tác phẩm tên tuổi đã lui về phía sau ánh đèn, nhường chỗ cho thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống và thương hiệu phim đậm chất TFS. Họ là đạo diễn Phạm Lộc, Trần Đức Long, Nguyễn Hồng Chi… Sắp tới đây, trên sóng HTV, khán giả có thể thưởng thức một trong hai tác phẩm mới nhất của TFS trong năm 2020 này, đó là “Kẻ sát nhân cô độc”. Để tìm hiểu kĩ hơn về bộ phim, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhỏ với đạo diễn Trần Đức Long!
Thưa anh, bộ phim “Kẻ sát nhân cô độc” được khởi quay khi nào?
“Kẻ sát nhân cô độc” chính thức khởi quay vào đầu tháng 8/2019 và kéo dài trong 3 tháng. Phim với bối cảnh chính ở TP. HCM, Bình Dương, Long Khánh và Gia Lai, được thực hiện trong sự hứng thú của cả ê-kip bởi nhiều yếu tố, nhất là đề tài tâm lý tội phạm mà phim khai thác. Cũng nhờ sự mới lạ này so với mặt bằng phim truyền hình Việt trong thời điểm hiện tại, “Kẻ sát nhân cô độc” hứa hẹn sẽ tạo được nhiều cảm xúc và sự lôi cuốn cho người xem.
Để thể hiện chuyện phim, chúng tôi sử dụng cách kể phi tuyến tính. Những hành vi hoang tưởng, ảo giác được đan xen giữa thực tại và quá khứ… Qua đó diễn tả đầy đủ những cung bậc cảm xúc, giúp phim bất ngờ hơn, hấp dẫn hơn.
Được biết phim có sử dụng nhiều kỹ xảo, đạo diễn có thể chia sẻ việc thực hiện các phân đoạn này?
“Kẻ sát nhân cô độc” sử dụng khá nhiều kỹ xảo, chủ yếu trong các cảnh hành động như: tông xe, bắn súng...; các cảnh tâm lý như: hiện tượng ảo giác của một số nhân vật và các cảnh hồi tưởng. Tất nhiên, điều kiện hiện tại của kỹ thuật 3D khá tốt, cộng với viêc ê-kip chúng tôi đã bàn bạc chi tiết rất kĩ càng trước khi bấm máy, nên mọi việc tại trường quay diễn ra khá thuận lợi. Tuy thành phẩm chưa đạt được 100% như ý muốn vì một vài yếu tố khách quan, nhưng tôi cũng khá hài lòng!
Dù xếp “Kẻ sát nhân cô độc” vào thể loại phim hình sự, nhưng nghe tựa phim lại có chút hơi hướng kinh dị. Thực chất, phim có phải là sự đan xen của nhiều yếu tố thuộc nhiều thể loại khác nhau?
Thể loại phim hình sự, nhưng đi sâu vào tâm lý tội phạm là đề tài chính của “Kẻ sát nhân cô độc”. Trong phim, người xem sẽ chứng kiến cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và tội phạm tâm lý, vốn là những kẻ có học thức và địa vị cao trong xã hội. Tuy không thuộc thể loại kinh dị, nhưng từ hai tuyến nhân vật này, phim sẽ khai thác khía cạnh tâm lý, chứng ảo giác do bị thôi miên, bị khống chế bằng thuốc kích thích… Chính sự kịch tính và có vẻ… đáng sợ này là một trong những điểm hấp dẫn của phim, cũng là điểm đặc thù của thể loại phim hình sự - tâm lý tội phạm. Và để cân bằng với mạch phim có vẻ “hắc ám” này, đồng thời gia tăng cảm xúc khi xem phim, “Kẻ sát nhân cô độc” tất nhiên sẽ đan xen lồng ghép những câu chuyện tình bạn, tình yêu…
Đạo diễn Trần Đức Long – trong tất cả các khâu làm phim – anh xem trọng giai đoạn nào nhất? Riêng với thời gian “xây nền móng”, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm làm việc cùng biên kịch để cho ra “Kẻ sát nhân cô độc” trên giấy trọn vẹn nhất?
Theo tôi, một bộ phim là sự tổng hòa của tất cả các khâu, giai đoạn nào cũng hết sức quan trọng. Nếu kịch bản tốt, tôi sẽ có nhiều cảm hứng hơn trong việc xây dựng và kết nối các khâu đó lại với nhau. Trước khi có kịch bản “Kẻ sát nhân cô độc”, tôi may mắn đọc được ý tưởng này từ nhà báo Nguyễn Chương và sau đó, tôi đã cùng Any Nguyễn - tác giả kịch bản – bàn bạc kĩ càng trong suốt 6 tháng. Tôi tôn trọng và tin tưởng Any Nguyễn vì anh ấy là một người giỏi, có kiến thức và đặc biệt cũng rất hứng thú với đề tài này. Riêng với dự án “Kẻ sát nhân cô độc”, khi được làm việc với một người viết kịch bản giỏi, biết lắng nghe trao đổi, ham học hỏi, tôi cảm thấy khá thoải mái và tìm được sự đồng cảm!
Từ trang giấy ra hiện thực, phim có những thay đổi gì? Nó có ảnh hưởng đến chất lượng phim?
“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, điều này rất đúng khi chúng tôi thực hiện “Kẻ sát nhân cô độc”. Như đã nói ở trên, do có thời gian song hành với biên kịch ngay từ đầu, lại có cùng quan điểm, nên bộ phim trên giấy rất gần với sản phẩm cuối cùng. Nhờ việc tính toán chặt chẽ từng câu hình, từng lời thoại, cộng với hai tháng làm tiền kì để hợp lý hoá các tình huống, bối cảnh... chúng tôi hầu như không bị động khi bắt tay vào quay. Đương nhiên cũng có nhiều thay đổi khách quan về bối cảnh, đạo cụ, phục trang… nhưng những thay đổi này không làm ảnh hưởng đến nội dung và sự hấp dẫn của phim.
Điều gây khó khăn nhất trong quá trình thực hiện phim?
Đó có lẽ là những đại cảnh, sử dụng xe chuyên dụng và các chiến sĩ công an bố ráp, vây bắt tội phạm. Bên cạnh đó, phải kể đến những phân đoạn chuyên về khai thác tâm lý nhân vật theo từng tình huống, lúc hoang tưởng, ảo giác, khi lại hiện thực; lúc quá khứ khi lại ở hiện tại... Tất cả những điều này phải được đan xen thật logic để đảm bảo tính hợp lý trong phát triển tâm lý nhân vật, đem lại cảm xúc chân thật cho người xem. Thú thật, khi làm việc cùng nhau ở những phân đoạn này, chúng tôi cũng như bị thôi miên vậy!
Anh có thể kể về một số cảnh quay đáng nhớ nhất?
Đối với tôi, cảnh quay nào cũng đầy kỉ niệm, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là trường đoạn dài gần cuối phim mà chúng tôi thực hiện trên căn nhà hoang giữa rừng ở Long Khánh. Nó đáng nhớ bởi trường đoạn đó hội tụ đầy đủ những tâm lý phức tạp như: hoang tưởng, thù hận, oán trách, hối hận của Hoàng (diễn viên Mã Hiểu Đông thủ vai); yêu thương, lo lắng của Nghi (Huyền Thạch); bẽ bàng, đắng cay của Luân (Huỳnh Trường Thịnh); giận dữ, hoang mang, lo sợ của Trọng (Ngô Công Lý). Trường đoạn này, chúng tôi làm việc đúng như bị thôi miên thật sự, cho đến khi kết thúc cảnh quay mới thoát ra được.
Một điều vô cùng đáng nhớ khác mà tôi muốn chia sẻ nữa liên quan đến việc chọn bối cảnh cho phim. Khi chọn căn nhà hoang nói trên, chúng tôi không hề hay biết rằng, hơn 30 năm trước, bộ phim “Ván bài lật ngửa” cũng đã chọn nơi này làm bối cảnh “đại bản doanh của toán cướp Phạm Văn Bời”. Đặc biệt hơn nữa, người thủ vai Tướng cướp Phạm Văn Bời năm đó là Cố họa sĩ Lê Chánh. Ông chính là cụ thân sinh của hai họa sĩ thiết kế Lê Cương - Lê Tý của “Kẻ sát nhân cô độc”. Điều này mãi đến giai đoạn hậu kỳ của phim, chúng tôi mới biết. Quả thật là một chữ Duyên, đầy bất ngờ!
Đạo diễn Trần Đức Long ở “Rừng thiêng” khác gì so với chính anh ở dự án mới, “Kẻ sát nhân cô độc”?
Mỗi phim là một đề tài, một câu chuyện khác nhau. Do đó, tôi tập trung cho mỗi tác phẩm theo từng cách riêng. “Kẻ sát nhân cô độc” là phim tâm lý hình sự nên tôi chọn cách thể hiện phim với gam màu lạnh, tính tương phản đậm nét. Nhịp phim cũng tùy vào từng phân đoạn để thể hiện, những cảnh nặng về tâm lý, tôi vẫn sẵn sàng dùng những cú máy dài - chậm để lột tả hết những ý mình muốn.
Về phần nhạc phim, tôi có duyên cộng tác với một nghệ sĩ Việt kiều đang sinh sống ở Đức. Anh đã phủ lên bộ phim một lớp nhạc huyền bí, mới mẻ, phù hợp đến từng tình huống tâm lý trong phim. Và điều này đã giúp từng thước phim đạt được hiệu quả cao, nhất là về mặt cảm xúc. Có thể nói, “Kẻ sát nhân cô độc” là một phim khó với đề tài khá mới về tâm lý tội phạm học. Để chinh phục được phim, tôi cùng ê-kip đặt rất nhiều tâm huyết để xây dựng một câu chuyện trọn vẹn với cách kể lạ, hình ảnh chỉn chu, có chiều sâu, diễn xuất tốt, nhạc phim lôi cuốn… Hy vọng những nỗ lực này sẽ đem lại một sản phẩm đáng xem, đáng nhớ cho khán giả HTV!
Cảm ơn đạo diễn Trần Đức Long.Thiên Bình