Ngô Quang Thịnh kể chuyện làm phim "Khải hoàn ca giữa lòng Paris"

Ngô Quang Thịnh là biên kịch, đạo diễn của cả phần 1 và phần 2 phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước". Anh là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ trẻ Hãng phim TFS, với dấu ấn của nhiệt huyết và sáng tạo trong nhiều tác phẩm của mình.

Khải hoàn ca giữa lòng Paris

Mới đây, Hãng phim TFS đã cho ra mắt phần 2 của phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước", với tên "Khải hoàn ca giữa lòng Paris".

Phim dài 2 tập, gồm "Từ Marseille đến Paris" và "Lá cờ trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris", sẽ phát sóng lúc 22g30 ngày 26/1 và 22g ngày 27/1 trên HTV9, đúng dịp kỷ niệm 52 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973). Cùng trò chuyện với biên kịch, đạo diễn Ngô Quang Thịnh để hiểu thêm về quá trình thực hiện bộ phim này!

* Tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca, phim ảnh và đã được rất nhiều khán giả biết đến. Vậy "Khải hoàn ca giữa lòng Paris" có những điểm gì đặc biệt để thu hút khán giả? 

"Khải hoàng ca giữa lòng Paris" được ê-kíp chọn cách tiếp cận theo góc độ ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khán giả có một cái nhìn chân thật nhất về nghệ thuật "Đắc nhân tâm" của Bác. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh không chỉ là trên mặt trận quân sự mà còn cả trên mặt trận ngoại giao, nơi Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để từ đó có những lợi thế trong việc đấu tranh chống lại thực dân - đế quốc.

Bên cạnh đó, những tác động của Bác trên mặt trận ngoại giao đã trở thành tiền đề tạo ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh phản chiến trên thế giới mà trong tác phẩm có đề cập đến một trong nhiều cách đấu tranh ở thời điểm đó - câu chuyện treo cờ trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris. Và ở tác phẩm lần này, ê-kíp cũng có sự kết hợp giữa kỹ xảo, tái hiện và vẽ đồ họa để khán giả có cái nhìn chân thật nhất về câu chuyện mà ê-kíp mong muốn truyền tải.

Một góc thành phố Marseille nhìn từ trên cao

* Phim được quay trong bao lâu, ở những bối cảnh nào, có những nhân vật nào sẽ xuất hiện? Chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện bộ phim!

Phần 2 "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Khải hoàng ca giữa lòng Paris" được ghi hình ở Pháp và Thụy Sĩ trong tám ngày. Đặc biệt ở Pháp, đoàn phim được ghi hình ở những địa điểm mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những nơi mà phái đoàn Việt Nam đã lưu trú trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris. Sau đó, ê-kíp thực hiện những cảnh tái hiện ở Việt Nam và vào giai đoạn hậu kỳ để kịp thời gian phát sóng phim đã được ấn định trước đó. 

Ê-kíp rất dày công trong việc tìm kiếm và tổng hợp tư liệu

Quá trình chuẩn bị, ê-kíp đã tìm kiếm và tổng hợp rất nhiều tư liệu trong và ngoài nước để có những thông tin chính xác và khách quan nhất cho bộ phim, đặc biệt là ở hai nội dung: Ngoại giao của Bác ở các nước Châu Âu và câu chuyện về những người Thụy Sĩ treo cờ trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris. Đây là hai nội dung chủ đạo mà tác phẩm luôn bám sát để khai thác.

Phim đặc biệt có sự cố vấn của các Thầy, các chuyên gia sử học như: PGS TS Hà Minh Hồng, GS TS Trình Quang Phú, bà Helen Luc - Nguyên Thượng nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp, nhà báo Hà Đăng - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa TW… cùng sự chỉ đạo của nhà báo Cao Anh Mình - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, sự đồng hành của nhà tài trợ SaiGonBank đã góp phần giúp ê-kíp tập trung toàn tâm toàn ý cho việc thực hiện tác phẩm. 

Ông Olivier Parriaux nói: "Nhiệm vụ vì Việt Nam đã hoàn thành!"

Trong thời gian thực hiện bộ phim, ê-kíp có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Như lúc hoàn tất ghi hình câu chuyện của ba người bạn Thụy Sỹ, ông Olivier Parriaux đã nói với anh Đạt Nguyễn (phiên dịch) và ê-kíp rằng: "Nhiệm vụ vì Việt Nam đã hoàn thành!".

Họ là những người bạn đến từ một đất nước xa xôi, họ chưa từng đặt chân đến Việt Nam, họ chỉ nghe về cuộc chiến ở nước ta trên báo đài, nhưng họ sẵn sàng đánh cược cả tính mạng để đấu tranh cho hòa bình của Việt Nam, điều đó thực sự mang rất nhiều ý nghĩa và làm cho chúng tôi - những người Việt đứng giữa đất trời Paris - thực sự rất xúc động! 

Tìm kiếm tư liệu mới, góc nhìn mới luôn là trăn trở của đội ngũ làm phim

* Việc vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn gây áp lực ra sao và đồng thời tạo thuận lợi như thế nào trong quá trình sáng tác phim?

Vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn là một áp lực đối với bản thân mình, và áp lực này càng lớn hơn khi đây là một bộ phim về Bác Hồ. Bởi lẽ công chúng khán giả đều đã biết về Bác và rất kính yêu Người, nên khi kể một câu chuyện về Bác, chúng tôi đứng trước áp lực phải kể sao cho thật chính xác, súc tích và thật cảm xúc.

Hơn nữa, những tư liệu về Bác Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều áng thơ văn, các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, sách báo, phim ảnh... Vậy nên câu hỏi đặt ra cho ê-kíp là, làm sao có thể tìm được những nguồn tư liệu chính xác về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phải là những tư liệu mà trước đây, chưa có một tác phẩm nào đề cập đến; và từ những tư liệu đó, chúng tôi phải làm sao để xây dựng nên hình hài của một bộ phim tài liệu như ý muốn. 

Ê-kíp thực hiện phim và ba quý ông U90 người Thụy Sỹ

Dù có áp lực là vậy, song việc vừa là biên kịch vừa là đạo diễn cũng giúp tôi xác định rõ, bản thân mình cần gì và muốn gì để gửi gắm vào trong tác phẩm.

Trong quá trình lên ý tưởng kịch bản, tôi cũng hình dung được những chất liệu, những hình ảnh cần ghi lại khi tác nghiệp ở hiện trường, sẽ quay ở đâu, nhằm mục đích gì... Điều này tạo nên một sợi dây liên kết, tạo sự thống nhất và liền mạch cho cả tác phẩm. Cũng nhờ đó, tôi có thể trực tiếp trao đổi và phối hợp ăn ý với anh quay phim Ngọc Dũng, chị biên tập Ngọc Lan, anh kỹ thuật dựng phim Thành Khôi... từ đó chúng tôi chung tay nhau tạo nên tác phẩm cuối cùng. 

Ông Olivier Parriaux trò chuyện với phiên dịch Đạt Nguyễn

* Nhờ có những thước phim đồ họa mà câu chuyện treo cờ của ba quý ông người Thụy Sỹ trở nên rất sinh động và lôi cuốn. Bạn chia sẻ với khán giả đôi chút về trải nghiệm khi thực hiện những thước phim này! 

Đây là lần đầu tiên ê-kíp TFS làm phim kết hợp với việc vẽ đồ họa, vì còn nhiều bỡ ngỡ nên đây là một thách thức mới với chúng tôi. Để công việc hiệu quả, chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ với anh phiên dịch Đạt Nguyễn và anh Bảo vẽ đồ họa để đảm bảo trước hết, chúng tôi cùng hình dung thật chính xác câu chuyện về ba người đàn ông treo cờ.

Từ diện mạo nhân vật đến quy trình và sự phát triển trong đường đi nước bước của họ, từ cách họ thâm nhập vào nhà thờ, ẩn thân, cách họ leo lên tòa tháp, những khoảnh khắc hiểm nguy... tất cả đều được anh Đạt Nguyễn dịch lại rất chi tiết, anh Bảo vẽ phác thảo trên giấy, làm sơ đồ cho các nhân vật... rồi sau đó mới chuyển sang vẽ đồ họa... 

Hình ảnh đồ họa về cảnh vượt qua vương miện hoa hồng ở đỉnh tháp

Quá trình này được làm đi làm lại... không dưới 10 lần, liên tục phải chỉnh sửa, nghiệm thu, chỉnh sửa... Công đoạn này rất mất thời gian, có thời điểm ê-kíp muốn gạt đi vì vẽ đồ họa vất vả quá, phải tìm một cách khác khả dĩ hơn nhưng rồi cuối cùng thống nhất vẫn giữ cách này.

Bởi chỉ có cách này, khán giả mới cảm nhận được chân thực nhất, sinh động nhất những thử thách hiểm nguy, những pha thót tim, sự gan dạ đến liều lĩnh của ba người bạn Thụy Sĩ này. Để từ đó thấy được trái tim của họ, họ chọn đối mặt vì một mục đích duy nhất, đó là đấu tranh vì hòa bình tại Việt Nam.


Biên kịch - đạo diễn trẻ Ngô Quang Thịnh cùng quay phim Ngọc Dũng

* Là gương mặt trẻ nhất trong ê-kíp thực hiện phim, chuyến đi này giúp bạn trưởng thành ra sao trong quá trình làm nghề của mình? 

Có lẽ không chỉ riêng tác phẩm lần này mà trong những tác phẩm trước đây, bản thân tôi rất may mắn khi được đồng hành với các anh chị đồng nghiệp đi trước. Vì là gương mặt trẻ nhất trong đoàn, tôi thường nói vui rằng mình là em Út trong nhà, mọi người sẽ thương mình hơn một chút. Đây cũng là điều thôi thúc tôi nỗ lực hơn để trưởng thành, để đáp lại sự tin tưởng, tình cảm và sự kỳ vọng của các anh chị dành cho mình.

Qua các tác phẩm phim tài liệu về lịch sử Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều tôi cảm thấy mình được nhiều nhất là tôi có nhiều thêm tình yêu với đất nước, với lịch sử. Và vì bản thân vốn thích lịch sử, tôi càng trân quý hơn những khoảnh khắc được tự mình đặt chân đến, được tận mắt nhìn những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đi qua, đã từng lưu lại, và đặc biệt là được lưu giữ lại những hình ảnh đó trong tác phẩm của mình, truyền tải đến mọi người. Quá trình này giúp tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trong cách làm phim, đồng thời tạo thêm động lực để tôi tiếp tục tạo nên những tác phẩm mới có giá trị và giàu ý nghĩa gửi đến quý khán giả.

Thiên Bình