Tình trăm năm

“Chạm tay thôi, là nhớ nhau suốt đời!”

Đến với nhau từ thời trai trẻ hay khi đã ở tuổi trung niên, vợ chồng chú Trầm Hữu Lễ (63 tuổi) và cô Nguyễn Thị Thơm (62 tuổi) vẫn hạnh phúc để minh chứng một điều, tình yêu chẳng bao giờ có tuổi.

Chú Trầm Hữu Lễ (63 tuổi) và cô Nguyễn Thị Thơm (62 tuổi)

Ngược thời gian trở về quá khứ cách đây 41 năm, duyên số đưa đẩy chàng thanh niên Hữu Lễ gặp cô gái xinh xắn tên Thơm trong một lần tình cờ làm rẫy gần nhà cô ở Cái Nước - Cà Mau. Để ý thấy cô gái xinh xắn, ngoại hình cao ráo lại hay cười bẽn lẽn, trái tim chú Lễ dường như rung động mãnh liệt. Thế nhưng trái ngược với chú Lễ, cô Thơm lại chẳng hề có ấn tượng với anh chàng ốm ốm, có nụ cười hơi… “méo méo” kia.

Quyết tâm chinh phục cô nàng có nụ cười dễ thương bằng được, chú Lễ không quản ngại đường xa. “Nhà nàng cách một dòng sông, muốn qua thăm bậu lại không có đò” là những lời chia sẻ chân tình mà chú Lễ bồi hồi kể lại.

Tình yêu của cái thời xa xưa ấy, nhưng đôi vợ chồng này vẫn bồi hồi mỗi lần nhắc lại, mọi chuyện tưởng chừng như mới diễn ra ngày hôm qua. Chuyện tình yêu của họ như một bộ phim không hề trau chuốt bằng màu sắc nhưng vẫn ngập tràn sự chân thành, sâu sắc. Họ tán tỉnh nhau bằng lời nói và hành động, tuy có chút ngô nghê nhưng lại xuất phát từ tận đáy lòng. 

Muốn gặp người yêu, chú Lễ đã quyết định “bắc cầu 7 nhịp” để đến với cô 

Chú Lễ bộc bạch: “Một mình chú đã đốn 100 cây đước để bắc một câu cầu chỉ để qua chinh phục nàng mà thôi”. Với chiến thuật “đẹp trai không bằng nói dai”, chàng thanh niên tên Hữu Lễ đã làm siêu lòng cô nàng xinh xắn tên Thơm. Chú Lễ cho biết, thời đó khó khăn, làm cật lực cũng chẳng đủ ăn nhưng nhắc đến tình yêu thì ai cũng nghiêm túc lắm. Dù đó “dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi”, nhưng chứa đựng trong đó cả một tình yêu hết sức chân thành.

Cô Thơm kể, ngày ấy, bản thân đang ở độ tuổi xuân thì, không thiếu trai làng theo đuổi, nên cô đã lấy cớ cha mẹ đã lớn tuổi, lại là con gái lớn phải gánh vác việc gia đình để hoãn đám cưới. Không nản lòng, chú Lễ đành phải giả vờ “câm” trong vòng 13 ngày để được cha mẹ đồng ý cho mình về quê gặp người yêu. Mặc dù cô Thơm đã đồng ý đám cưới với chú Lễ nhưng bản thân vẫn e ngại trước những lời xì xầm của hàng xóm vì lấy chồng “già”.

Với họ, khi có tình cảm đặc biệt với nhau thì phải tìm hiểu cho bằng được, và sau một thời gian mới dám tỏ tình. Bởi vậy, chuyện tình yêu đó cũng từ tốn, nhẹ nhàng, chẳng hề vồ vập, vội vã. Một cái nắm tay với chú Lễ, cô Thơm cũng phải đắn đo, chờ đợi đến lúc thích hợp để “chạm tay một giây thôi cũng hạnh phúc lắm rồi, cũng nhớ nhau cả đời”. 

Vậy là họ nên chồng nên vợ, không cầu hôn kiểu cách cũng chẳng hỏi cưới cầu kỳ. Chỉ với cái gật đầu năm ấy đến nay, đôi vợ chồng này vẫn nắm tay nhau đi suốt cuộc đời. Ngày xưa, cuộc sống của họ thiếu thốn về vật chất nhưng tình cảm vợ chồng lại đong đầy qua những gian khó mà cả hai đã trải qua cùng nhau. 

Những giọt nước mắt tuôn trào khi chia sẻ những mất mát của vợ chồng cô Thơm  

Nhận được tin vợ mang thai, chú Lễ vừa mừng vừa lo. Mừng vì có con trai nhưng chú lại lo vì con bị bệnh. Khi vợ chồng đưa con đi khám thì nhận được tin dữ: “con bị não úng thủy”. Lời tâm sự nghẹn ngào của chú Lễ khiến cả khán phòng lặng đi vì xúc động. 

Sau 2 năm họ cùng nhau vất vả nuôi con, thế nhưng cả ba người con đều lần lượt qua đời. Nuốt nước mắt vào lòng, cô chú quyết định xin một bé gái về nuôi. Một thời gian sau, cô Thơm sinh thêm 4 người con nữa. Thêm mấy miệng ăn trong nhà, cả hai tự nhủ phải chăm chỉ lao động thật nhiều. Nhưng dường như ông trời vẫn muốn thử thách cuộc sống của họ, người con thứ 4 lại qua đời sau khi vừa học xong đại học.

Trải qua mọi khổ đau, vất vả, hai vợ chồng họ cứ thế sát cánh bên nhau, ngăn mọi bão bùng ngoài cánh cửa để tổ ấm nhỏ được an yên. Giây phút ấy đâu chỉ còn là nghĩa vợ chồng đơn thuần mà đó là tình tri kỷ, đồng cam cộng khổ, sống chết không rời. 

Chú Lễ thể hiện tình yêu của mình với vợ bằng những dòng chữ yêu thương nhất

Sau này, chú Lễ chăm chỉ với vuông tôm của mình, cô Thơm ở nhà chăm sóc, dạy bảo con cái. Với gia đình họ, chỉ cần những bữa cơm no đủ, con cái lớn khôn nên người và được dắt tay nhau mỗi ngày là đủ để mỉm cười bước tiếp. 

Ở vào thời không có internet, không có điện thoại thông minh, thế nhưng tình yêu của chú Lễ, cô Thơm thật bình dị đến lạ kỳ. Đơn giản như thế nhưng họ đã ở với nhau được 41 năm, tình cảm ngày càng nồng nàn hơn. Tình yêu của chú Lễ cũng được thể hiện qua những dòng chữ viết cho vợ bằng những lời lẽ mộc mạc, chân thành. 

Những lời tâm sự của các con thông qua chương trình Tình trăm năm 

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc sống, cho đến bây giờ, chú Lễ vẫn luôn dành tình yêu nguyên vẹn cho vợ. 41 năm bên nhau, họ đi cùng nhau một chặng đường dài từ thời thanh xuân cho tới tận khi “đầu bạc răng long”. Cả hai đã chứng minh cho mọi người thấy rằng “tình yêu” là có thật. Thông qua chương trình Tình trăm năm, các con của chú Lễ, cô Thơm cũng gửi lời cảm ơn đến cha mẹ và mong hai người giữ gìn sức khỏe để sống lâu hơn với con cháu. 

Mời quý vị đón xem chương trình "Tình trăm năm" phát sóng vào lúc 18g thứ Bảy hàng tuần trên HTV7.

Khánh Linh