Nhìn trên bản đồ Sài Gòn xưa, những dòng kênh đan xen nhau, nối liền nhau, giao cắt nhau, hợp lưu, chia tách… chúng ta liên tưởng về sự đa dạng trong dòng chảy văn hoá, sự hoà nhập, ôn hoà bao dung ở mảnh đất phương Nam này.
Rạch Bến Nghé xưa
Chỉ là một sự liên tưởng về tính tương đồng, nhưng không hẳn là vô lý, bởi khó có nền văn hoá nào thoát khỏi sự ảnh hưởng của đặc thù địa lý. Sài Gòn sông nước, Sài Gòn có văn hoá sông nước, thì nét văn hoá chung của Sài Gòn cũng ít nhiều mang màu sắc, âm hưởng ấy. Mặc cho sự vận động, biến chuyển không ngừng của dòng chảy lịch sử, những dòng sông, những cây cầu cổ xưa của Sài Gòn luôn là chứng tích lịch sử vô giá gìn giữ những giá trị văn hoá của một đô thị sầm uất “trên bến dưới thuyền” đã hình thành và phát triển hơn ba thế kỷ.
Sau hơn ba thập niên thực hiện đường lối đổi mới đất nước, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành đô thị đặc biệt của cả nước. Những công trình kiến trúc hiện đại chạy dọc theo những dòng sông, bờ rạch đã và đang tạo cho thành phố trẻ một diện mạo ngày càng lung linh, huyền ảo. Xen lẫn đó là những công trình kiến trúc cổ xưa có giá trị về văn hóa lịch sử đã và đang được thành phố quan tâm tôn tạo, giữ gìn, tạo nên những điểm nhấn văn hóa hài hòa giữa cổ và kim.
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé hôm nay
Thương bến trọng yếu nhất của thành Gia Định năm xưa nằm ở khu vực bến Bạch Đằng ngày nay. Và tuyến đường thủy quan trọng nhất đưa thương thuyền từ các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng như khu vực Chợ Lớn về thương bến này là dòng Tàu Hủ - Bến Nghé. Nói vậy để biết Tàu Hủ - Bến Nghé là dòng kênh có lịch sử vận tải hơn 300 năm qua, hình thành cùng lúc với sự hình thành của vùng đất Gia Định năm xưa, TP. Hồ Chí Minh hôm nay. Nó đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của vùng đất trù phú này.
Còn nhớ một thời, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tuyến đường thủy Tàu Hủ - Bến Nghé gần như bị lãng quên, bùn đất bồi lắng làm dòng kênh cạn dần, nhà cửa nhếch nhác, tạm bợ mọc lên san sát dọc hai bên đã “bức tử” dòng kênh, làm cho tuyến đường thủy huyết mạch một thời mất hết vai trò giao thương và không còn mang dáng dấp yêu kiều, mỹ lệ như xưa.
Cầu Mống - địa chỉ du lịch hấp dẫn của TP.Hồ Chí Minh
Và một kế hoạch dài hơi nhằm khôi phục lại những gì vốn có của kênh Tàu Hũ – rạch Bến Nghé đã được TP.Hồ Chí Minh kiên trì thực hiện suốt hàng thập kỷ. Những xóm nhà lá lụp xụp dần dần biến mất, nhường chỗ cho những thảm cỏ xanh ngun ngút mọc lên. Những con đường rộng rãi, những ngôi nhà khang trang từng ngày hiện hữu. Tàu Hủ - Bến Nghé đã hồi sinh.
Cùng với sự đổi thịt thay da của kênh Tàu Hũ – rạch Bến Nghé, cầu Mống – cây cầu hơn trăm năm tuổi sau nhiều thập niên bị lãng quên thêm một lần được tái sinh. Thành phố đã khá dày công tôn tạo chiếc cầu sắt mang dấu ấn lịch sử - văn hóa hàng trăm năm tuổi này thành một điểm tham quan du lịch, làm nơi thưởng ngoạn cảnh quan cho người dân thành phố và du khách gần xa mỗi dịp ghé TP.Hồ Chí Minh. Cầu Mống hôm nay không còn là nơi trú chân của tệ nạn xã hội hay nồng nặc mùi xú uế như một thời từng có. Cầu Mống cũng không còn là nơi lưu thông xe cộ, mà đã trở thành một trong bốn cây cầu hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân và giới trẻ Sài thành.
Còn gì thú vị hơn sau mỗi buổi tan ca, tay trong tay tình nhân cùng dạo bước trên những nhịp cầu uốn lượn ngắm nhìn nhịp sống hối hả đang hồi sinh dọc đôi bờ Tàu Hũ - Bến Nghé trong ráng hoàng hôn khi thành phố sắp lên đèn. Từ trên cầu Mống, phóng tầm mắt không xa là hầm vượt sông Sài Gòn, đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Phú Mỹ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, là những tuyến phố êm đềm bên những hàng cây xanh rợp mát, là những tòa nhà chọc trời, những con đường tập nập dòng người hối hả ngược xuôi. Những công trình mới mọc lên trong những năm đổi mới là niềm tự hào của người dân thành phố sau hơn bốn thập niên giành lại giang sơn gấm vóc. Đây cũng là những dấu ấn đầy ấn tượng trong quá trình xây dựng và kiến thiết Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh thành một “Hòn ngọc Viễn Đông” tỏa sáng trong tương lai không xa.
Cầu Mống - điểm hẹn của những đôi tình nhân
Thả nhịp bước chân trên cầu Mống ngắm thành phố buổi hoàng hôn, du khách hẳn không quên con kênh Tàu Hũ - rạch Bến Nghé phía dưới cầu vốn là tuyến đường thủy trọng yếu của Sài Gòn xưa, nối liền mạch nguồn giao thương giữa Sài Gòn – Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam bộ trên con đường hình thành và phát triển vùng đất đô hội này. Suốt dặm dài lịch sử, cầu Mống - một công trình kiến trúc độc đáo nối liền đôi bờ con sông huyết mạch này đã từng in dấu biết bao lớp bước chân người từ tứ xứ mọi miền quê về vùng đất trù phú này làm ăn và sinh cơ lập nghiệp. Vắt qua ba thế kỷ, cây cầu này như là một chứng tích lịch sử văn hóa kết nối giữa quá khứ nhiều thăng trầm của vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn với hiện tại đầy năng động và sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh trên con đường đổi mới và hội nhập hôm nay.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 12-2018
Ảnh: Interrnet
Văn Nguyễn