KỶ NIỆM 320 NĂM SÀI GÒN-GIA ĐỊNH-TP.HỒ CHÍ MINH

Cầu Mống – cây cầu vắt qua ba thế kỷ

Trải qua 320 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh có những công trình tồn tại hàng trăm năm chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa sông nước. Cầu Mống bắc qua kênh Bến Nghé là một trong số đó.

Cầu Mống xưa

Có thể nói, yếu tố sông nước luôn gắn liền với sự xuất hiện của các đô thị Việt Nam. Hà Nội hay Huế, rồi Đà Nẵng, đều là những trung tâm đô thị được hình thành dọc những con sông. Tuy nhiên, không ở đâu đặc biệt như Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài con sông Sài Gòn tuy không rộng nhưng có độ sâu lý tưởng, vùng đất này còn là nơi hợp lưu của một hệ thống sông ngòi chằng chịt, tạo nên một nét đặc trưng độc đáo của một đô thị “trên bến dưới thuyền” tiêu biểu nhất của vùng đất phương Nam.

Nằm ở trung tâm Nam bộ, trên lằn ranh của Đông và Tây Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi, TP.Hồ Chí Minh là nơi dễ bề làm ăn, đất đai phì nhiêu, khí hậu quanh năm ôn hòa nhờ có hệ thống kênh rạch chằng chịt bao quanh. Sông Sài Gòn, các kênh rạch trên vùng đất này từng được coi là “mặt tiền” của Sài Gòn xưa, là “kinh mạch” tạo nên một gương mặt, hình hài, vóc dáng đô thị Sài Gòn hết sức riêng biệt với sự hiện diện của hơn 200 cây cầu lớn nhỏ. 

 Cầu Mống hôm nay

Cầu Mống là một trong những cây cầu cổ xưa nhất của Sài Gòn – Gia Định, tính đến nay cũng đã hơn trăm tuổi. Cầu bắc qua rạch Bến Nghé, nối liền Quận Nhất và quận Tư ngày nay. Cầu Mống cùng hàng trăm cây cầu hiện diện ở vùng đất này được hình thành, tồn tại và phát triển không chỉ là vấn đề quy hoạch, giao thông, mà nó chứa đựng một tinh thần lớn hơn, là cả một nền văn hoá sông nước Sài Gòn.

Nơi đây, ngay từ thưở khai hoang lấn thủy, những bước chân đầu tiên của những lưu dân Việt từ miền Trung và miền Bắc đổ về khai phá miền đất hoang vu bên bờ Tây rạch Bến Nghé, dần dần điểm tụ cư được hình thành và phát triển, dân cư tập trung ngày càng đông đúc. Họ bám theo các cung đường ven sông, xây dựng các bến bãi, cửa hàng, chợ búa để buôn bán, sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ, tạo nên cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Cứ thế những con đường ven sông lớn dần và thay đổi theo thời gian. 

 

 Cầu Mống nhìn từ trên cao

Sài Gòn – Gia Định cũng là nơi được thực dân Pháp chọn đặt cơ quan thống trị của mình trên toàn cõi Đông Dương trong suốt gần một thế kỷ. Cũng như nhiều nước Đông Nam Á, kiến trúc thời thuộc Pháp đã để lại cho Sài Gòn nhiều di sản kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Những công trình kiến trúc ở Sài Gòn thời thuộc Pháp có một phong cách khá đặc biệt, mang đậm nét văn hoá của kiến trúc đô thị phương Tây. Được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19, cầu Mống là một công trình thể hiện rõ nét độc đáo của lối kiến trúc này.

Vào năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Các công trình kiến trúc xưa dọc các tuyến đường ven sông đã bị đốt cháy, tất cả nhà cửa, cây cối chỉ còn lại một đống tro tàn. Các cơ sở vật chất của khu vực Sài Gòn phồn vinh nay không còn nữa. Và đây cũng là cơ hội tốt cho thực dân Pháp bắt tay vào quy hoạch một đô thị theo kiểu phương Tây. Họ đã lấy tuyến ven sông làm chuẩn để kẻ các đường ô bàn cờ cùng với việc san lấp một số kênh rạch chằng chịt hình thành nên khu trung tâm ngày nay.

Theo tư liệu lưu trữ, cầu Mống được người Pháp thi công xây dựng vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XIX. Đây được xem là cây cầu đầu tiên do Công ty Messageries Maritimes xây cất ngang qua con rạch Bến Nghé. Cầu được thiết kế có chiều dài 128 mét, bề rộng 5,2 mét và lề bộ hành rộng nửa mét. Hai khung đường xe chạy, một để đi lên lên cầu sang Vĩnh Hội và một để từ cầu phía Bến Vân Đồn/ Vĩnh Hội đi qua để xuống bến Chương Dương.

Người Pháp gọi cầu này là Arenciel (Ask-căn-xi-en), nghĩa là cầu Vồng. Còn người Việt, có người gọi là cầu Mống, có người gọi là cầu Móng. Những người gọi là cầu Móng có cách lý giải vì đây là chiếc cầu đầu tiên ở vùng này có trụ móng. Còn những người gọi là Mống lại giải thích vì hình dáng vòng cung của chiếc cầu trông giống như chiếc cầu vòng mống trời cho.

 Cầu Mống - Điểm hẹn chụp hình kỷ niệm lý tưởng

Cầu Vồng, cầu Móng hay hay cầu Mống cũng chỉ là tên gọi, chỉ là sự phản ánh chủ quan về nhận thức của con người trước một công trình kiến trúc lạ và đẹp mà thôi. Điều đáng nói, là cây cầu này ra đời, tồn tại thực sự có ý nghĩa bởi nó được đặt đúng nơi, đúng chỗ, hàng trăm năm nay tự nó đã góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, không gian nơi đây. Nói theo thuật ngữ chuyên môn, đây là công trình kiến trúc phù hợp quy hoạch nên nó có giá trị bền vững lâu dài. Chính vì lẽ đó, mặc dù đã ra đời hàng trăm năm nhưng cầu Mống luôn vẫn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, bởi tự thân nó đẹp ở cả nghệ thuật kiến trúc lẫn vị trí được đặt hài hoà với cảnh quan đô thị và có những góc nhìn đẹp.   

Cầu Mống, cùng với rất nhiều công trình kiến trúc thời thuộc Pháp cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 đã để lại cho Sài Gòn những di sản kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Không những thế, những công trình này còn thể hiện vị trí quan trọng của Sài Gòn trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Bởi nó là một trong những đại diện phản ánh rõ nét hiện thực khách quan của lịch sử, chứa đựng và ghi nhận các yếu tố chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật… ở thời điểm nó ra đời.

Khác với những tác phẩm của các bộ môn nghệ thuật khác có thể mai một hoặc biến mất, “kiến trúc bền vững” tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm vẫn hiện hữu trong không gian, song hành cùng đời sống xã hội hiện đại. Một công trình kiến trúc được ghi nhận là bền vững, nghĩa là giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cũng bền vững, cho dù xu hướng nghệ thuật, trào lưu kiến trúc, phong cách kiến trúc đã thay đổi rất nhiều. Và cầu Mống là một trong những công trình kiến trúc hiếm hoi ấy. 

(Còn tiếp)

Ảnh: Interrnet

Văn Nguyễn