Để gắn bó được hơn 20 năm với nghề cascadeur (đóng thế), Bùi Văn Hải may mắn có được chỗ dựa vững vàng và ổn định từ kinh doanh.
Chân dung cascadeur Bùi Văn Hải
Ngoài đời Bùi Văn Hải hiền lành, tính tình vui vẻ và thẳng thắn. Nhưng người mà trong giới làm phim vẫn gọi là “Hải Long An” hay “Hải cascadeur Bảo An” này lại nổi tiếng xông pha, hết mình với những pha võ thuật ngoạn mục, thậm chí rất nguy hiểm trên màn ảnh.
Quê ở Long An, Hải học võ từ lúc 5 tuổi do cha là một võ sư Thiếu Lâm Tự Hàn Bái Đường. Đến năm 12 tuổi, Hải đã biết biểu diễn các bài phi từ nóc nhà lộn trên không đáp xuống đất bằng, đu cây so đũa rồi chuyền cây như khỉ… Lớn lên chút nữa, Hải từng đoạt HCV môn quyền anh tự do liên tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1994, Hải rời quê lên TP. Hồ Chí Minh tự lập. Hồi đó dù có nền tảng võ thuật cơ bản “cha truyền con nối”, nhưng Hải không nghĩ học võ để tạo dựng sự nghiệp, nên vẫn đeo đuổi con đường học vấn. Anh đã trải qua những năm tháng vất vả làm đủ mọi nghề lao động chân tay như trông giữ xe, phụ chạy bàn, bán hàng, phát tờ rơi quảng cáo, phụ hồ… để vừa tự nuôi mình, vừa trang trải học phí khi theo học ngành Xây dựng ở Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
Một lần tình cờ Hải gặp NSƯT - Võ sư Thu Vân, biết chàng sinh viên giỏi võ thuật nên bà đã khuyên anh theo nghề cascadeur. Sau đó, Hải được chọn vào Câu lạc bộ Cascadeur của Hội điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Bùi Văn Hải (áo đỏ) trong phim truyền hình “Trận đấu định mệnh” (đã phát sóng trên HTV7)
Có thể nói, Bùi Văn Hải là thế hệ cascadeur đầu tiên ở đây từng tham gia đóng phim võ thuật hành động tại Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Thái Lan. Không ít lần bị nứt xương vai, gãy tay, bể sụn mu bàn chân, hay “liều” nhảy lầu từ độ cao 20 mét xuống đất mà không có bảo hiểm, thậm chí tưởng mất mạng vì sự cố trên trường quay ở Ấn Độ,... nhưng Hải vẫn quyết tâm theo nghề.
Và không chỉ là một cascadeur giàu kinh nghiệm, sau thời gian học hỏi thêm, Hải đã có cơ hội đảm nhận vai trò diễn viên hay đạo diễn võ thuật – hành động cho nhiều phim điện ảnh và truyền hình như Duyên trần thoát tục, Huyền thoại bất tử, Để mai tính, Long ruồi, Ngôi nhà trong hẻm, Lửa Phật, Hiệp sĩ mù, Nữ đại gia, Vú em tập sự, Hồi xuân, Trinh thám Sài Gòn, Truy tìm dấu vết, Đồng hồ cát, Sóng đời, Tham vọng, Bước chân hoàn vũ, Tiếng tơ đồng, Sáu mặt rubik, Trận đấu định…
Có một thực tế không thể phủ nhận, ở Việt Nam, cascadeur là một nghề có thu nhập không cao, chỉ đứng ở vị trí “quần chúng cao cấp” trong các đoàn làm phim. Nhưng lại là một nghề vất vả, khổ luyện theo đúng kiểu “nuôi quân ba năm, dụng binh một giờ”.
Để có được vài ba phút hành động đẹp mắt trên màn ảnh, cascadeur phải trải qua rất nhiều ngày tháng tập luyện, giữ gìn dáng vóc, sức khỏe, sức bền và các thế võ... Đã vậy, một năm có khi casacadeur chỉ tham gia được vài ba bộ phim, vì ở Việt Nam còn quá hiếm phim hành động - võ thuật. Hơn nữa, vì đặc thù phải dùng sức khỏe và sự nhanh nhẹn, nên “tuổi thọ” của nghề cascadeur không cao và nếu chỉ làm mỗi nghề này thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Bùi Văn Hải và các học sinh của Kungfu kids
Trong giới cascadeur, Bùi Văn Hải được xem là người may mắn khi có được một chỗ dựa vững vàng, ổn định từ kinh doanh để lo cho cuộc sống của mình và gia đình. Từ năm 1998, cùng với vai trò thành viên sáng lập và chủ nhiệm của CLB cascadeur Bảo An, Bùi Văn Hải còn thành lập Công ty vệ sĩ B.A - Bảo An, sau này mở rộng sang cả lĩnh vực truyền thông và dạy yoga.
Không chỉ đảm nhận tốt các hợp đồng làm bảo vệ mà Hải và nhiều nhân viên vẫn thu xếp thời gian theo các đoàn làm phim. Anh và nhân viên cũng không ít lần trở thành “hiệp sĩ” đuổi bắt cướp trên đường phố, hay tham gia giải quyết những chuyện “bất bình” ngoài nơi công cộng.
Năm ngoái, Bùi Văn Hải còn đảm nhận vai trò giám đốc chuyên môn, trực tiếp soạn giáo trình và giảng dạy tại dự án Kungfu kids chuyên về võ thuật dành cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi, nằm trong chuỗi các hoạt động vì thể thao, cộng đồng với mục tiêu “Vì sức khỏe và ý chí của trẻ em Việt”.
“Ngẫm lại thì bấy lâu tôi làm cascadeur, đạo diễn hành động, diễn viên hay mở công ty, câu lạc bộ cascadeur, dạy yoga khí công... đều liên quan đến võ thuật” - Bùi Văn Hải vui vẻ chia sẻ. Những công việc này tuy không có được lợi nhuận “khủng”, nhưng đã giúp Hải và các nhân viên của mình sống được để theo đuổi đam mê võ thuật và điện ảnh.
Trên thực tế, Bùi Văn Hải còn có nghề tay trái khác là kinh doanh bất động sản, đầu tư mua nhà cũ, nhà nát rồi sửa sang hay xây dựng mới, để không “bỏ quên” hay “bỏ phí” vốn kiến thức có được từ tấm bằng kỹ sư xây dựng mà anh đã có được trong những năm tháng tuổi đôi mươi nghèo khó.
Bùi Văn Hải (trên cao) trong một thế võ
Hương Thủy