Hành trình phía sau những góc nghiêng độc đáo của "cò đề" Ròm

Đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019, "Ròm" - tác phẩm đầu tiên đào sâu vào đề tài số đề, sẽ mang lại những góc nhìn chân thật nhất về cuộc sống đường phố quen thuộc ở Việt Nam.

 Poster chính thức của "Ròm"

Câu chuyện đằng sau những con số đề

Poster Ròm đậm chất điện ảnh nhưng mang đến một cảm giác rất gần gũi với hình ảnh cậu bé Ròm đang ngồi trên tấm cửa sổ bấp bênh bắc qua hai hành lang chung cư. Cuộc sống chênh vênh không điểm tựa của nhân vật chính phần nào được khắc họa qua khung hình nghiêng của bối cảnh. 

Xung quanh Ròm là những món đồ sinh hoạt quen thuộc gắn liền với tầng lớp lao động nghèo ở Việt Nam. Nổi bật trên khung cảnh có phần tồi tàn, nhếch nhác, hình ảnh Ròm ngồi ung dung với một bên chân không mang dép cho thấy nét trong trẻo, vô tư trong tính cách của cậu. Đây cũng là tâm lý chung của những người lao động nghèo, khi hạnh phúc của họ chỉ gói gọn trong một bữa no cuối ngày. 

 Công việc mưu sinh hàng ngày của Ròm là làm "cò đề"

Tiếp nối tinh thần từ poster, trailer phim mở đầu bằng những hình ảnh giới thiệu về cuộc sống và công việc thường ngày của nhân vật chính Ròm (Trần Anh Khoa) - cậu nhóc bụi đời sống lay lắt ở khu chung cư cũ nát. Cuộc sống của Ròm tuy vất vả, thiếu thốn nhưng cũng đầy ắp những niềm vui bởi cậu luôn mang cái nhìn sự ngây thơ và lạc quan. 

Tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy chiếm được cảm tình của hội đồng chuyên môn và báo chí quốc tế khai thác đề tài vô cùng gần gũi với đời sống Việt nhưng còn xa lạ với màn ảnh - Số đề. Ròm là câu chuyện xoay quanh người lao động nghèo và trẻ em đường phố - các thân phận bấu víu vào ước mơ đổi đời nhờ trò số đề may rủi. 

Từ ý tưởng lên màn ảnh rộng

Tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 - một trong những liên hoan phim quốc tế lớn nhất châu Á, Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy chiếm được cảm tình của hội đồng chuyên môn và báo chí quốc tế khai thác đề tài vô cùng gần gũi với đời sống Việt nhưng còn xa lạ với màn ảnh - Số đề. Đây là một trong những trò đỏ đen vốn thân thuộc với tầng lớp lao động nghèo ở Việt Nam, nhưng chưa từng trở thành đề tài chính cho một tác phẩm điện ảnh.

 Ròm được lên ý tưởng từ tuổi thơ của đạo diễn Trần Thanh Huy

Chia sẻ về cơ duyên tìm ra ý tưởng để đặt nền móng cho Ròm, Trần Thanh Huy cho biết: “Khi đang tìm đề tài để làm phim tốt nghiệp, tôi vô tình bắt gặp những đứa trẻ chạy đi bán vé dò. Điều này làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, cũng rong ruổi theo những người bạn của mình để đi bán vé dò. Tuy nhiên, mục đích của tôi và họ lại khác nhau hoàn toàn, tôi thì cần tiền để chơi điện tử trong khi họ lại cần tiền để mưu sinh”. 

Ý tưởng về đề tài này được Trần Thanh Huy nuôi dưỡng từ phim ngắn tốt nghiệp mang tên 16:30, từng được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 2013 và tiếp tục đeo đuổi đạo diễn trẻ tới phim dài đầu tay. Tuy nhiên, việc phát triển 16:30 thành phim điện ảnh Ròm là cả một hành trình dài ròng rã mà Trần Thanh Huy và ê-kíp của mình phải mất 8 năm để thực hiện.

Để tạo được tiếng vang trên đấu trường phim quốc tế cũng như trong nước, ê-kíp của Ròm đã phải trải qua một hành trình đầy gian nan và khốc liệt. 

Xuyên suốt clip hậu trường về hành trình 8 năm của Ròm, khán giả có thể thấy rất nhiều hình ảnh vất vả, có cả mồ hôi, máu và nước mắt trên phim trường. Có thời điểm đoàn phim rơi vào bế tắc, sự mệt mỏi hiện lên rõ trên khuôn mặt của từng thành viên. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ dừng lại bởi những khó khăn vất vả mà vẫn bước tiếp cùng nhau. 

 Bộ phim mất 8 năm thực hiện và tốn nhiều mồ hôi và nước mắt của cả ê-kíp

Hành trình này là một cuộc đua không ngừng nghỉ với rất nhiều đánh đổi, hi sinh. Tuy nhiên, đó cũng là một cuộc đua tràn đầy lòng nhiệt huyết và đam mê chân thật. Con đường của Ròm đến với khán giả là thông qua sự chân thật, chân thật đến tàn khốc. Khi xem Ròm, khán giả sẽ khó có thể bắt gặp những hình ảnh về những khung cảnh hào nhoáng và lộng lẫy. Thay vào đó là những hình ảnh quen thuộc mà dường như lại hiếm gặp trong điện ảnh bấy lâu nay. Sự chân thật này đã làm cho Ròm trở thành một tác phẩm nổi bật và được yêu thích.

Hậu trường phía sau những khung hình nghiêng ấn tượng

Sự thành công của Ròm không thể không kể đến bối cảnh phù hợp đậm chất Sài Gòn mà đoàn phim đã dày công tìm kiếm và tạo dựng. Bên cạnh đó, việc sử dụng khung hình nghiêng xuyên suốt bộ phim vừa tạo nên một hiệu ứng mới lạ vừa thích hợp để kể về câu chuyện của những mảnh đời bấp bênh trong Ròm.

 Sự chân thật của Ròm khiến nó thành một tác phẩm nổi bật

Nói về chất đời thường của bộ phim, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Khắc Nhật chia sẻ: “Phải tả thực, càng thực càng tốt, không chỉ riêng về diễn viên mà còn cả về bối cảnh”.

Ban đầu, đoàn phim chọn khu chung cư ở đường Cô Giang cho bối cảnh chính. Tuy nhiên khi chuẩn bị bắt tay vào thực hiện cảnh quay thì vấn đề tài chính cộng thêm việc chung cư Cô Giang sắp phải giải toả đã khiến công sức của đoàn phim đổ sông đổ biển. Dù vậy, ê-kíp vẫn không bỏ cuộc và tìm được một bối cảnh mới phù hợp ở chung cư ở Thanh Đa.

Sau khi đổi được địa điểm, đoàn phim đã dồn hết tâm huyết để dựng lên bối cảnh chính – một khu chung cư cũ nát xập xệ chờ giải tỏa. Vì đây là khu chung cư bỏ hoang, đoàn làm phim phải bắt tay vào dọn dẹp và tái tạo lại những căn hộ. Ê-kíp cũng tận dụng những đồ vật còn sót lại của dân cư nơi đây, để xây dựng bối cảnh ấn tượng nhất cho bộ phim chỉ với một khoản chi phí hạn hẹp.

 Bộ phim với những góc nghiêng độc đáo

Ngoài bối cảnh đặc biệt, Ròm còn ghi điểm với cách quay phim độc đáo. Ròm được xem là tác phẩm đầu tiên quay và sử dụng khung hình nghiêng cho cả bộ phim. Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Phúc Vinh chia sẻ thêm về dụng ý của cách quay đặc biệt này: “Việc quay máy nghiêng như vậy phù hợp với việc miêu tả những cuộc sống bấp bênh của người dân lao động -  những tầng lớp thấp bé trong xã hội”. 

Trong một phút ngẫu hứng chia sẻ về chặng đường dài của Ròm, Trần Thanh Huy từng nói: “Phải chi nếu thất bại với 16:30 thì sẽ làm phim nhanh hơn”. Điều đó cho thấy anh và ê-kíp luôn nỗ lực vượt qua chính mình để theo đuổi những điều mà họ tin là sẽ thành công.

Đón xem bộ phim "Ròm" từ ngày 31/7/2020.

Linh Trần