Vũ Thị Hồng Phúc: Tầm nhìn từ những chiếc cầu giao duyên

Câu chuyện cuộc đời chị là hành trình tạo nên những cây cầu giao duyên và góp phần hình thành những cộng đồng dân cư biết sống, bảo vệ tài sản và hạnh phúc chung, từ đó tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Chị Vũ Thị Hồng Phúc - Giám đốc dự án “Chuỗi cầu giao duyên” 

Hạnh phúc vì làm được việc nhỏ bé mà cảm xúc lớn lao

Chị và nhóm của mình xây cây cầu đầu tiên ở Đồng Tháp năm 2017 có chiều dài trên 40 mét với số vốn đầu tư lên đến 750 triệu đồng. Trong vòng bốn năm tiếp theo, có thêm 17 cây cầu được hoàn thành. Cảm xúc lớn lao mà chị nhận được là niềm vui và hạnh phúc dâng trào của người dân sở tại khi họ đặt chân dạo bước qua cây cầu nối liền hai bờ đi và đến. Chị là Giám đốc dự án “Chuỗi cầu giao duyên” Vũ Thị Hồng Phúc.

Vì sao là chuỗi cầu giao duyên?

Chị quan niệm rằng “đủ duyên thì sẽ tới”, nơi nào cần thì chị sẽ đến vun đắp những nhịp cầu. Dù sức người có hạn, nhưng chị sẽ làm cho đến khi nào không còn sức làm nữa thì thôi.

Giao duyên còn là mối liên kết giữa những con người, của cơ quan đoàn thể và tổ chức thiện nguyện có cùng mục đích chăm lo cho đời sống người dân. Theo mô hình này, tại mỗi nơi mà dự án xây cầu, luôn có sự hỗ trợ chặt chẽ từ chính quyền và sự đóng góp của người dân, bằng hiện vật hay ngày công lao động. Sự tham gia của cộng đồng địa phương là bước đi bắt buộc và ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức về giữ gìn tài sản chung. “Người dân địa phương phải ý thức được rằng, đó là tài sản của mình. Chỉ khi nhận thức được điều đó, họ mới giữ gìn, bảo vệ, sử dụng cây cầu tiết kiệm và an toàn nhất ”.

Cũng vì quan niệm mình chỉ là người kết “duyên”, người dân mới là chủ thực sự nên mỗi cây cầu đều được mang tên địa phương nơi nó tọa lạc. Cầu Tân Hiệp ở ấp Tân Hiệp, Cà Mau; cầu Bàu Sộp nằm bên cạnh hàng cây bàu sộp... đã ra đời như thế và đi vào trí nhớ của người dân một cách mộc mạc, gần gũi nhất.


Lễ khánh thành cầu Tân Hiệp tại ấp Tân Hiệp, Tân Hưng, Cà Mau

Vì lợi ích mười năm xây cầu

Chị tham gia chương trình thiện nguyện từ năm 2013 với hoạt động chủ yếu là trao tặng quà cho người dân khó khăn vùng sâu và vùng cao. Qua một thời gian hoạt động, chị nhận thấy đầu tư tiền vào mua quà chỉ có tác dụng ngắn hạn. Bên cạnh đó, ở những vùng tâm điểm trên bản đồ thiện nguyện, người dân có thể không đi làm vì đã nhận được quà quá nhiều. Vấn đề đặt ra là cùng một khoản tiền quyên góp được đầu tư, làm sao để nâng cao mức lợi ích lâu dài và bền vững, giải quyết không chỉ khó khăn trước mắt mà còn những vấn đề của tương lai.

Một cây cầu xây xong, với  tuổi đời từ 10-20 năm, người hưởng thụ cũng sẽ được lợi ích ít nhất trong 10 năm. Đó là lợi ích về an toàn - trẻ em đi học không bị té sông trên những chiếc bè tự chế, lợi ích về kinh tế - không phải tốn tiền đi phà, con đường giao thương thông suốt, thời gian lưu thông ngắn... Tiết kiệm được tiền và chi phí đồng nghĩa với việc tăng thu nhập trước mắt và về lâu về dài là chất lượng cuộc sống được cải thiện. 

Từ nhịp cầu đầu tiên nối những đôi bờ, những con đường giao thông, đường điện, đường internet cũng được kết nối theo sau. Đối với người dân mà cả cuộc đời lên lên đò xuống bến thì đây quả là một bước ngoặt lớn lao. 

Nhận thức của người dân là điều quan trọng nhất

Có những cây cầu bê tông sau thời gian sử dụng bị sụp đổ ngổn ngang, phơi nắng mưa, không ai ngó ngàng tới. Có những cây cầu trên vùng cao, vừa xây xong đã bị lũ cuốn trôi không để lại dấu tích. Làm sao để giải quyết vấn đề này? Chìa khóa giải mã nằm trong nhận thức của người dân.

Khi người dân tham gia xây cầu, với vốn hiểu biết và công sức đóng góp vào quá trình xây dựng, thành phẩm tạo ra đã trở thành một phần tài sản của họ. Họ sẽ có động lực để sử dụng, giữ gìn và bảo quản tốt nhất. Mặt khác, khi đã xây dựng được một chiếc cầu, họ sẽ đủ tự tin để xây tiếp những cây cầu khác. Chỉ bằng chính nội lực của cộng đồng cư dân mới có thể thay đổi và đem lại cho quê hương họ diện mạo mới.


Người dân cùng cắt băng khánh thành chiếc cầu họ đã tham gia xây dựng

Một điển hình đã được lập ở ấp Tân Hiệp, Tân Hưng, Cà Mau. Dưới sự tài trợ của hội Chuỗi cầu giao duyên và một số đơn vị khác, người dân nơi đây đã có 7 cây cầu trong thời gian 24 tháng, nối liền niềm vui đôi bờ và niềm hy vọng vào tương lai phát triển, phồn thịnh.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 mỗi ngày trên kênh HTV9.
Thu Thủy