Truyền thông xã hội và ứng xử của người làm báo

Việc sử dụng internet cũng như các mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ mang đến hiệu quả rất lớn cả trong đời sống xã hội cho mỗi người, đồng thời là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục.

Phát triển phải đi đôi với quản lý tốt mạng xã hội (Minh họa: Hữu Phương)

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet, các trang mạng xã hội bùng nổ với số lượng người tham gia rất lớn, trở thành một nhu cầu trong đời sống con người, có ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi người dân Việt Nam. Việc sử dụng internet cũng như các mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ mang đến hiệu quả rất lớn cả trong đời sống xã hội cho mỗi người, đồng thời là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục. 

Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet, các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu độc, bịa đặt, sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch; bôi nhọ, vu khống lãnh tụ, những người nổi tiếng; kích động đồi trụy, bạo lực, lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin… 

Cách phân biệt các tin tức giả trên mạng xã hội (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Các thế lực thù địch đã lợi dụng việc sử dụng internet, mạng xã hội ngày càng gia tăng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, tập trung vào 5 lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội - đạo đức; an ninh - quốc phòng; đối ngoại. Trong đó, về chính trị, các thế lực thù địch muốn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đòi xét lại lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo. Về kinh tế, đã xuyên tạc quan điểm của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu toàn dân, kinh tế Nhà nước. Về văn hóa - xã hội - đạo đức, đã thổi phồng khuyết điểm, khơi lại sai lầm trong lịch sử, đội lốt “xã hội dân sự” để chống phá đất nước. Về an ninh quốc phòng, bôi xấu hình ảnh lực lượng vũ trang, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, kích động xung đột và vũ lực.

Các âm mưu chống phá trên mạng internet được thể hiện dưới các hình thức: thư kiến nghị, sách, hồi ký, thư ngỏ, vận động ký tên, viết bài, thể hiện tâm trạng, bình luận, hình ảnh, phim, clip, thơ, nhạc, các phong trào,… để chống phá Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch thường dùng thủ đoạn “đánh lận con đen” hiện tượng và bản chất; thổi phồng sự thật; ngụy tạo; kích động; gây nhiễu, dồn dập, liên tục thông tin.

Hot facebooker - Nhà báo Hoàng Minh Trí trong talkshow Góc nhìn thẳng: "Sống tử tế trên mạng có khó không?" (Ảnh: Vietnamnet)

Trong một bài viết nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2019, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: “Sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến sai lầm trong hành vi, tạo nên những mối nguy về an ninh, bất ổn chính trị, xã hội. Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả”.

Trước trào lưu này, đòi hỏi mỗi người làm báo chúng ta cần phải có những ứng xử như thế nào? Trước hết, mỗi nhà báo chúng ta phải thực sự "trở thành những người sử dụng mạng xã hội một cách thông minh", nói không với những thông tin xấu, xuyên tạc, tăng cường viết tin, bài bình luận trên facebook, instargram, zalo, các tài khoản blog… comment đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện tư tưởng chống phá của các thế lực thù địch trên internet. Chủ động chia sẻ, lan tỏa những tin, bài, ảnh có nội dung tích cực, gương người tốt việc tốt trong học tập, công tác, lao động sản xuất, trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”. Không chia sẻ những tin, bài, ảnh phản cảm, xuyên tạc, có nội dung phản động, sai trái mà chỉ tham gia bình luận, góp phần đấu tranh làm rõ sự xuyên tạc, sai trái, phản động đó.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: Vietnamnet)

Thực tiễn cho thấy, khi nhu cầu thông tin của mỗi cá nhân được nguồn thông tin chính thống đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái, thù địch sẽ được hạn chế rất nhiều. Hiện nay, nhiều báo lớn đều có trang điện tử, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử để đăng tải, cập nhật những thông tin chính thống. Vấn đề đặt ra cho những người làm báo là cần phải thường xuyên tiếp cận trực tiếp, kịp thời các thông tin chính thống, có sự so sánh, phân tích đối chiếu để chỉ ra, vạch trần luận điệu xuyên tạc, chống phá. Bên cạnh đó cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin chính thống, đảm bảo phong phú, đa dạng, nhiều cấp độ, tùy theo đối tượng để cung cấp, phổ biến, truyền tải, để lôi cuốn người đọc, hình thành cho họ thói quen khai thác thông tin trên những kênh chính thống và chia sẻ, đăng tải trên các trang mạng xã hội để tăng hiệu quả tuyên truyền, định hướng dư luận. 

Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm. 

Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí trong thực hiện tôn chỉ, mục đích và nội dung thông tin, trong hợp tác hoạt động báo chí, trong đầu tư nền tảng công nghệ số cho sự phát triển vươn tầm của báo chí. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo về bản lĩnh chính trị, về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ, trau dồi đạo đức, ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.

Văn Nguyễn