Bây giờ, tôi bình thản trước mọi chuyện, ai nói gì, phê phán hay “ném đá” vai diễn của mình, tôi cũng thấy bình thường. Diễn viên phải đóng ra vai diễn đó, phải để khán giả ghét nhân vật thì mới thành công.
Trung Dũng cảm thấy thấy bình thường khi bị khán giả “ném đá”
Diễn viên phải có ý thức giữ gìn hình ảnh
Tôi sinh ra đã được mặc định là một diễn viên. 27 năm đi làm, tôi đều sống tốt bằng nghề này. Có nhiều người nói tôi hết thời, tôi chỉ trả lời rằng: Diễn viên không phải là ca sĩ mà hết thời. Bất kỳ bộ phim nào cũng cần vai già - trẻ. Chẳng hạn như NSND Kim Xuân trước 40-50 tuổi không đắt show, nhưng bước sang tuổi 55, chị ấy đắt show hẳn, không phải mời chị đóng phim là dễ.
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là diễn viên giữ được hình ảnh sạch sẽ, đừng bị những vết nhơ không hay. Diễn viên phải tập trung làm nghề để càng ngày càng giỏi lên. Năm nay tôi đã 47 tuổi, mỗi ngày bản thân phải tập gym 4-5 tiếng vì mình cần phải giữ dáng vóc để làm nghề. Còn nếu làm nghề khác, tôi đã không như vậy.
Hình ảnh như NSND Kim Xuân và NSND Hồng Vân khiến tôi phải học hỏi vì phong độ của họ. Họ không đánh mất giá trị của một diễn viên nổi tiếng. Tôi cũng vậy, mọi người có thể ghét tôi nhiều thứ nhưng không thể ghét tôi vì diễn dở.
Nam nghệ sĩ cho rằng nghệ sĩ cần biết giữ hình ảnh
Có nhiều người nói rằng: Giới trẻ giờ đi làm ca sĩ, diễn viên để kiếm tiền nhanh, không cần phải học bác sĩ hay kỹ sư, tôi khá bất ngờ vì điều này. Muốn trở thành ca sĩ, diễn viên, tôi nghĩ không phải chuyện dễ và các ngành nghề khác cũng vậy. Ai cũng phải trải qua khó khăn, có thực lực và tài năng.
Bị “ném đá” vì vai diễn
Khi tham gia Gạo nếp gạo tẻ 2, khán giả “ném đá” tôi khá nhiều vì vai diễn Hải của mình trong phim. Tuy nhiên, tôi đã vào nghề 27 năm, nếu những điều đó xảy ra cách đây 10 năm, tôi có thể bận tâm nhưng bây giờ nó không còn nữa.
Tôi nhớ Thúy Ngân từng đi ra ngoài đường đã bị mọi người lấy đá chọi, và đánh giá rằng bản chất cô ấy như vậy nên mới đóng được những vai diễn trên phim như thế. Hay như Thùy Trang còn phải đính chính về vai diễn của mình cho khán giả biết, bởi cô ấy bị “ném đá” khi đóng nhân vật phản diện.
Bây giờ, tôi bình thản trước mọi chuyện, ai nói gì, phê phán hay “ném đá” vai diễn của mình tôi cũng thấy bình thường. Diễn viên phải đóng ra vai diễn đó, phải để họ ghét thì mới thành công.
Vai diễn ông Hải trong phim “Gạo nếp gạo tẻ 2” của Trung Dũng nhận được sự chú ý của khán giả
Thật ra, vai diễn Hải ở phần 2, ngay từ đầu, tôi còn muốn đạo diễn phải viết nặng tay hơn. Chẳng hạn lúc đạp nhân vật của Thúy Ngân, tôi còn muốn đạp mạnh hơn. Đây là nhân vật đại diện cho một tầng lớp người ngoài xã hội tàn nhẫn và vũ phu. Nhân vật Hải này, tôi thấy vẫn còn nhẹ.
Có người nói rằng Gạo nếp gạo tẻ 2 không hay bằng phần 1, tôi không ý kiến vấn đề này bởi mỗi người mỗi suy nghĩ. Tôi thấy phần 2 sẽ có hai trường hợp xảy ra: Một là khán giả mê mệt, hai là họ không coi vì những tình tiết được đẩy lên quá khiến họ không chấp nhận được. Nhưng may mắn, đạo diễn lại lựa chọn được dàn diễn viên tuyệt vời.
Còn những ý kiến khán giả, tôi lường trước và cảm ơn khán giả vì điều đó. Khi biên kịch giao vai Hải, tôi thích lắm vì vai diễn đó rất đời. Ở phần 1, tôi đóng vai Kiệt hiền lành thì bị khán giả nói nhân vật này quá nhu nhược. Ngày đó, người xem khóc vì nhân vật Kiệt nhiều, tôi còn được họ gọi là “ông chồng quốc dân”. Tuy nhiên về những tập sau của Gạo nếp gạo tẻ 2, tôi nghĩ khán giả sẽ thương ông Hải nhiều hơn.
Nghề diễn phải “văn ôn võ luyện”
Với các thể loại vai: độc ác, hiền lành, nhu nhược… tôi nghĩ không phải bản thân diễn được hay không mà nhà sản xuất có tin mình hay không, có cho mình chất xúc tác để đóng phim hay không mà thôi. Cho dù vai diễn có “ghê gớm” hơn nữa, tôi vẫn diễn được nếu họ tin tưởng.
Diễn viên muốn đóng tốt phải phải "văn ôn võ luyện". Nếu họ không diễn thường xuyên thì không thể nào khá hơn được. Một số diễn viên trẻ cho rằng đóng phim điện ảnh mới có cơ hội ngoi lên, truyền hình sẽ thiệt thòi hơn, tôi cho đó là tâm lý bình thường. Các em may mắn sinh ra ở thời đại hiện nay có những vai hợp thì sẽ làm tốt.
Trên thế giới có nhiều diễn viên, ca sĩ đóng một phim là nổi tiếng. Nhưng nếu đi đường dài mà họ không cố gắng, nỗ lực thì cũng thất bại. Xã hội đào thải rất nhanh, đam mê phải đi nhiều năm chứ không phải chuyện một sớm một chiều. Tôi không quan tâm ai cát-sê trăm tỷ, tôi chỉ quan tâm là mình như thế nào trong mắt mọi người.
Trung Dũng cho rằng, nghề diễn cần phải "văn ôn võ luyện"
Tôi nhớ, cách đây mười mấy năm mình bị xem thường. Hồi đó tôi là trai tỉnh, không có nhan sắc, trong khi đó ở lớp tôi có nhiều bạn nam vương, hoa hậu, từng đóng phim được chú ý. Nhưng sau mười mấy năm gặp lại, tôi là trở thành diễn viên còn họ thì bỏ nghề. Đối với họ, diễn xuất chỉ là giây phút đam mê nhất thời.
Tôi là người kén vai diễn. Ngày trước, tôi đóng phim vì cơm áo gạo tiền, còn bây giờ thì khác rồi. Lúc trước phim ít, mọi người không có sự lựa chọn. Nhưng hiện tại, có quá nhiều phim được sản xuất, diễn viên có quyền chọn những gì phù hợp với mình. Tôi là người rất khắt khe với nghề diễn. Tôi muốn bộ phim mà mình tham gia phải thật chất lượng và nhận được sự đón nhận của khán giả.
Diễn viên Trung Dũng (Tiểu Di ghi)