Xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật với đầy những trăn trở về ranh giới giàu - nghèo, không có gì nhạc nhiên khi “Thuyền trưởng Phillips” được đề cử tại 121 hạng mục và chiến thắng 17 giải thưởng điện ảnh khác nhau.
“Thuyền trưởng Phillips” dựa trên một câu chuyện có thật
Thuyền trưởng Phillips (Captain Phillips) được xây dựng dựa trên cuốn hồi ký Thiên chức của một thuyền trưởng (A Captain's Duty) của thuyền trưởng Richard Phillips, nói về thời gian ông đối mặt với sức ép từ những tên cướp biển Somali. Đây là một câu chuyện có thật và từng gây chấn động xứ cờ hoa hồi tháng 4/2009, khi Maersk Alabama là con tàu đầu tiên thuộc sở hữu của Mỹ bị cướp biển chiếm hữu thành công kể từ thế kỷ 19.
Đáng chú ý hơn, thuyền trưởng của Maersk Alabama - ông Phillips còn bị bốn tên hải tặc bắt làm con tin để đòi tiền chuộc và dẫn tới một chiến dịch giải cứu ly kỳ. Trước một đề tài kịch tính như vậy, Hollywood đương nhiên không thể bỏ qua và Tom Hanks là người được chọn mặt gửi vàng với vai diễn thuyền trưởng Phillips.
Mở đầu phim, đạo diễn Paul Greengrass đưa người xem tới cuộc sống thường ngày của hai nhân vật sẽ đối đầu nhau trong hơn hai giờ đồng hồ sau đó. Một bên là Phillips với những câu chuyện vu vơ trước khi chào tạm biệt vợ để lên đường thực hiện nghĩa vụ của một thuyền trưởng. Trong khi đó, đối trọng với Phillips ở phía bên kia là Muse (Barkhad Abdi), một thanh niên sống trong ngôi làng ven biển nghèo khó của Somali, bị buộc phải lên đường đánh cướp tàu chở hàng nhằm bảo toàn mạng sống và kiếm ăn.
Tài tử Tom Hanks trở lại màn ảnh rộng với vai diễn thuyền trưởng Phillips
Chỉ với khoảng 10 phút ngắn ngủi, khán giả đã phần nào mường tượng được hai con người tới từ hai thế giới đối lập: Phillips có một sự nghiệp ổn định, giàu kinh nghiệm và có vợ con đang chờ sẵn ở nhà. Muse thì khác hẳn khi ngay từ ngoại hình hắn đã toát lên vẻ lam lũ, khắc khổ của một kẻ sống trong nghèo đói từ nhỏ. Chính hoàn cảnh ấy khiến hắn sẵn sàng làm những điều điên rồ nhất, như chỉ cần ba tên cướp biển khác để tấn công con tàu chở hàng nặng tới 17 nghìn tấn.
Đây không phải lần đầu tiên đạo diễn Greengrass làm phim dựa trên một câu chuyện có thật. Ông từng rất thành công với Chuyến bay số hiệu 93 (United 93) nói về chuyến bay định mệnh của ngày 11/9 đen tối. Greengrass còn được biết tới với hai tập phim về điệp viên Jason Bourne được đánh giá cao về nội dung và hành động.
Với Thuyền trưởng Phillips, ông kết hợp cả sự gay cấn của một siêu phẩm hành động lẫn tính chân thực cần có của một bộ phim dạng tiểu sử, và còn khéo léo chèn vào một chút yếu tố chính trị. Bản thân vụ việc cướp biển khống chế con tàu thành công cũng như công cuộc giải cứu thuyền trưởng Phillips sau đó - với sự tham gia của biệt đội SEAL - cũng thực sự kịch tính ở ngoài đời. Greengrass biết điều tiết nhịp độ phim một cách hợp lý khiến người xem vỡ òa cảm xúc cùng nhân vật khi về cuối phim.
Đạo diễn Greengrass khéo léo lồng ghép cả ba yếu tố hành động, tài liệu và chính trị vào trong một bộ phim
Phim chủ đích xây dựng nên mối xung đột không thể hoà giải giữa hai nhân vật “thuyền trưởng” ở hai phe đối lập - Phillips và Muse. Một người điều khiển con tàu chở hàng to lớn, đủ đầy và an toàn trong khi người kia cầm đầu một toán cướp biển hung hăng đói khát, lái chiếc ca nô cũ kĩ hoen rỉ giữa biển khơi. Họ giống như hai phần tách rời của cùng một thế giới, có thể có những lúc ngồi lại gần nhau, nhưng không bao giờ có được tiếng nói chung.
Thuyền trưởng Phillips đến từ một thế giới văn minh, nơi ông được chăm sóc đầy đủ về mọi mặt của đời sống, ông nghĩ nhiều về lòng nhân đạo, về tình yêu thương con người và một giải pháp ôn hoà để bàn tay mình không dính máu; trong khi Muse lớn lên giữa đói khát và tuyệt vọng, lại quan tâm nhiều hơn đến tiền bạc và những giá trị quy đổi được bằng tiền. Gã sẵn sàng chết, vì vốn dĩ cuộc đời hắn từ rất lâu rồi đã đơn thuần chỉ là một sự tồn tại. Đối với gã, cuộc đời chỉ xoay quanh tiền, hoặc nhiều tiền hơn nữa.
Với sự trở lại trong Thuyền trưởng Phillips, các nhà phê bình đánh giá Tom Hanks là ứng viên nặng ký cho giải Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn cùng tên. Đồng thời, Barkhad Abdi - nam diễn viên thủ vai Muse, thủ lĩnh băng cướp, kẻ đứng ở thế đối trọng với thuyền trưởng Phillips - cũng nhận được nhiều lời khen.
Nhân vật “thuyền trưởng” Muse do Barkhad Abdi thể hiện cũng nhận được rất nhiều lời khen về diễn xuất
Barkhad Abdi thổi vào cho nhân vật của mình một vẻ ác độc không khoan nhượng, cái tàn bạo lạnh lùng và cái khinh miệt hoàn toàn dành cho những thủy thủ đoàn ở trên con tàu to lớn. Muse không phải là hiện thân của cái ác thông minh mà là biểu tượng của cái ác liều lĩnh, một kẻ bất chấp tất cả và dường như quá bạo liệt vì không còn gì để mất.
Một điểm khác khiến Thuyền trưởng Phillips được đánh giá cao đó là góc nhìn rất nhân văn đối với thân phận từng con người. Họ có thể là kẻ ác, họ đã phạm sai lầm, nhưng họ xứng đáng được lắng nghe. Nhóm cướp biển hung hãn thực ra chỉ là những ngư dân không thể ra biển đánh cá, vì cá của họ đã bị các tàu nước ngoài khai thác hết.
“Đói ăn vụng, túng làm càn”, họ gia nhập toán cướp biển, hung hãn tấn công, hung hãn phá phách, để rồi cuối cùng trở thành những con tốt thí cho những kẻ tàn bạo, và có lẽ còn thông minh hơn họ. Họ trở thành những kẻ bị bỏ rơi bởi chính bầy đàn của mình, đơn độc, không biết làm gì khác ngoài nhắm mắt bước về phía trước với niềm tin vô vọng.
Bộ phim cứ thế diễn ra, vừa công bằng lại vừa tàn nhẫn. Dù thuyền trưởng Phillips có cố gắng đến mức nào đi nữa để cứu mình, và cứu cả những người đang đe doạ cướp đi mạng sống của ông, thì cố gắng của ông đến phút sau cùng vẫn là vô vọng. Chúng ta không thể cứu một ai đó khi họ không muốn tự cứu mình. Có lẽ đó là điều còn đọng lại sau cùng vào khoảnh khắc khi thuyền trưởng Phillips đã an toàn trên tàu cứu hộ, run rẩy và khóc. Những giọt nước mắt mừng vui, những giọt nước mắt của sự sợ hãi và kiệt sức khi đồng thời cả thể xác và tinh thần phải trải qua một sự thử thách quá sức chịu đựng.
Bộ phim kết thúc với những trăn trở và day dứt không lời giải đáp về ranh giới cay đăng giữa giàu - nghèo
Nhưng có lẽ, ẩn sâu bên trong đó còn cả những giọt nước mắt bất lực, khóc cho những tên cướp biển giờ chỉ còn là những cái xác không hồn. Cái chết là cái giá mà họ phải trả cho những tội ác mình đã gây nên. Nhưng lý do gì đã thúc ép họ đến bước đường cùng, là nghèo đói, là lòng tham, hay cuộc sống đủ đầy những người ở thế giới của thuyền trưởng Phillips đã dồn ép họ tới lựa chọn đó? Cả thuyền trưởng Phillips, và những người đã chết trong chiếc thuyền cứu sinh kia đều không thể trả lời, cũng như chính những khán giả sau khi bộ phim kết thúc bị bỏ lại với “điều sau cùng” đầy day dứt.
Bộ phim “Thuyền trưởng Phillips” (Captain Phillips) phát sóng lúc 18g40 ngày 18/9, 10g40 ngày 19/9 và 23g45 ngày 27/9 trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.
Song Anh