(HTV) - Hiện nay, ở Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư ở nữ giới ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Hầu hết các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn 3, 4, khiến việc điều trị trở nên khó khăn, thậm chí là không qua khỏi.
Tầm soát sớm có thể giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả. Chương trình an sinh xã hội "Chạm sẻ chia - Trao hy vọng" đã mang đến hơn 2.000 suất tầm soát ung thư cho phụ nữ yếu thế tại TP.HCM và Hà Nội.
Chị Phạm Thị Ngà, công nhân khu chế xuất Linh Trung 2, TP. Thủ Đức, TP.HCM đã đến tầm soát ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu, chị chia sẻ: "Đây là cơ hội để người lao động đến bệnh viện lớn để tầm soát các bệnh hiểm nghèo. Đến đây được bác sĩ và y tá rất tận tình, khám chuyên sâu. Chương trình miễn phí nên cũng giúp người lao động giảm bớt một phần gánh nặng".
Tầm soát ung thư miễn phí cho 2.000 phụ nữ yếu thế
Trong tổng số 2.010 suất tầm soát ung thư của chương trình, có 610 suất phân bổ cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, 400 suất cho Đoàn TNCS Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM, 1.000 suất cho Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội.
Chương trình an sinh xã hội "Chạm sẻ chia - Trao hy vọng" đã mang đến hơn 2.000 suất tầm soát ung thư cho phụ nữ yếu thế tại TP.HCM và Hà Nội
Hoạt động tầm soát ung thư diễn ra từ ngày 19-26/10 tại 04 bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM: Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau khi có kết quả tầm soát bước đầu, 200 suất tầm soát chuyên sâu sẽ được dành cho những phụ nữ yếu thế có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) bày tỏ: "Sau khi có kết quả từ 2.010 suất tầm soát cơ bản thì chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tiếp hoạt động tầm soát chuyên sâu hơn nữa. Qua đó chúng tôi hy vọng mang đến cơ hội hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế và người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn".
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất
04 bệnh ung thư được tầm soát là ung thư tuyến giáp, ung thư vú, cổ tử cung và buồng trứng. Ở Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất với hơn 24.500 ca mắc và 10.000 ca tử vong mỗi năm, tiếp đến là ung thư cổ tử cung với hơn 4.600 ca mắc mới và 2.500 ca tử vong mỗi năm.
TS. BS Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng khoa Xạ trị phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM chia sẻ, tỉ lệ khỏi bệnh của ung thư vú và cổ tử cung giai đoạn sớm có thể lên đến 80-90%. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm đáng kể khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn. Phát hiện sớm không chỉ mang lại cơ hội sống sót cao mà còn giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm và cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi đã từng được khám tầm soát, phụ nữ thường có ý thức hơn về sức khỏe của mình và chủ động đi khám định kỳ.
Ung thư không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn để lại hậu quả nặng nề về tinh thần và tài chính cho cả người bệnh lẫn gia đình. Quan tâm đến những người phụ nữ yếu thế - vốn không có nhiều điều kiện để tầm soát thường xuyên, một lần nữa khẳng định phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", hơn cả là gửi gắm đến "nửa kia của thế giới" - "Vượt trên nỗi sợ, chúng ta cùng nhau chiến đấu vì ngày mai tươi sáng".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9