Tôi từng được đạo diễn nhắm cho những vai diễn tâm lý, nhưng vì bị hiểu lầm là cascadeur nên tôi bị hụt vai. Bởi tôi biết, bản thân mình có thể hóa thân vào nhiều tuyến nhân vật khác.
Sỹ Toàn là diễn viên có thể vào bất cứ vai diễn nào
Cha là người đưa tôi đến với nghệ thuật
Ngày nhỏ, tôi là một cậu bé rất mê bóng đá. Cứ mỗi lần tan học về, một tay cầm áo giơ lên, một tay bám vào bẹ dừa, tôi lội qua sông để chơi bóng đá với đám bạn. Niềm đam mê đó ngày một lớn dần đến khi tốt nghiệm Phổ thông Trung học, tôi cứ thế mà tiến thẳng vào vào trường Thể dục Thể thao để đăng ký dự thi. Nhưng may mắn lại không mỉm cười với tôi.
Năm sau, tôi nói với cha rằng: “Nếu năm nay con trượt tiếp, con sẽ đi nghĩa vụ quân sự”. Nghe xong, cha khuyên tôi nên lựa chọn thêm một trường khác để thi. Thật sự, trong đầu tôi, ngoài niềm đam mê bóng đá và trường Thể dục Thể thao, tôi chẳng biết nên chọn trường nào để đăng ký.
Tôi còn nhớ lúc đó, cha nói: “con đưa quyển tuyển sinh đại học đây”. Cầm xem một hồi lâu, cha chỉ vào trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh và bảo tôi thi đi. Nhìn thấy tên trường, tôi bất ngờ lắm và cũng không hiểu vì sao cha tôi lại có quyết định này.
Vốn là người nhút nhát, Sỹ Toàn (áo xanh) chưa từng nghĩ mình sẽ bước chân vào con đường nghệ thuật
Ngày nhỏ, tôi vốn nhút nhát, đứng trước đám đông nói chuyện còn không được, huống gì trở thành một diễn viên. Nhưng tôi vẫn nghe theo lời cha, đăng ký và đi thi. Đúng là nghề chọn mình, tôi trúng tuyển trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh và trượt tiếp trường Thể dục Thể thao.
Biến sở đoản thành sở trường
Nhà tôi không ai theo nghệ thuật, tôi càng không biết về khái niệm diễn xuất. Tôi bước vào trường với nhiều bỡ ngỡ. Năm đầu, tôi cố gắng học để biết thế nào là diễn xuất. Đến năm thứ hai, tôi bắt đầu yêu thích những gì mình theo học. Và sau đó, diễn xuất trở thành niềm đam mê.
Sau này theo nghề, tôi bắt đầu hiểu vì sao cha tôi lại muốn con trai theo đuổi nghệ thuật. Ông vốn là người thích ca hát, lại có duyên ăn nói. Mỗi khi có đám tiệc, mọi người thường nhờ ông làm người dẫn chương trình. Có lẽ vì trong người cha có sẵn “máu” nghệ thuật nên ông muốn truyền lại cho tôi.
Sau hơn 10 năm theo nghệ thuật, Sỹ Toàn có hơn 15 vai diễn hành động
Lúc mới bước vô trường Sân khấu Điện ảnh, tôi chưa định hình mình sẽ làm gì. Ở trường tôi được học môn võ thuật điện ảnh của thầy Quốc Thịnh. Thấy tôi có nền tảng võ thuật, bản thân lại yêu thích những bộ phim hành động, thầy Thịnh đã hướng cho tôi sinh hoạt bên câu lạc bộ cascadeur của thầy. Tôi đã biến sở đoản thành sở trường của mình, và sau 10 năm theo nghề, tôi đã có hơn 15 vai diễn hành động.
Ngoài đánh đấm, tôi có thể diễn bất cứ dạng vai nào
Nhiều người nói, cứ thấy Sỹ Toàn xuất hiện trên màn ảnh là sẽ có cảnh hành động, đánh đấm, nên họ thường tưởng lầm tôi là một cascadeur chuyên nghiệp chứ không phải là diễn viên. Mà tôi nghĩ đánh đấm cũng phải thôi, bởi hầu hết nhân vật của tôi đều “dấn thân” vào giang hồ, nhưng đằng sau mỗi người đều ẩn chứa một số phận bi đát. Vì vậy, nhiều nhân vật ác của tôi cũng từng nhận được sự đồng cảm của khán giả.
Trước đây, có vài lần đạo diễn nhắm cho tôi vào vai diễn tâm lý, hoàn toàn khác với những gì mà tôi từng đảm nhận. Tôi cũng rất thích vai của mình và tự tin bản thân có đủ khả năng truyền tải vai diễn. Nhưng cuối cùng, tôi bị hụt rất nhiều lần vì có người nói: “Sỹ Toàn là cascadeur, làm sao vào vai này nổi”. Thật sự, có một chút tiếc nuối.
Hầu hết các nhân vật của Sỹ Toàn đều “dấn thân” vào giang hồ, nhưng đằng sau đều ẩn chứa số phận
Trước đây, diễn xuất đối với tôi là một khái niệm xa lạ. Nhưng giờ đây, diễn xuất đã trở thành cái nghiệp. Là một diễn viên, bạn cần phải biết quan sát, không chỉ khi diễn xuất, mà ngay trong cuộc sống hằng ngày. Tôi là người có thói quen lưu lại mọi hoạt động, cảm xúc của những người xung quanh, bởi biết đâu sau này, mình sẽ cần phải sử dụng “chất liệu” này cho vai diễn.
Vì vậy, ngoài những vai diễn hành động, tôi hy vọng sẽ được các đạo diễn trao cơ hội đảm nhận những dạng vai tâm lý nặng, kịch tính hơn, số phận hơn… và đặc biệt là được thử sức ở lĩnh vực điện ảnh.
Tôi rất mong “Sóng ngầm” lên sóng
Tôi may mắn được làm việc với thầy Phương (đạo diễn Tường Phương) từ phim Đất mặn. Sau bộ phim này, tôi tiếp tục được thầy Phương tin tưởng giao đảm nhận vai Lưu Tứ trong bộ phim Sóng ngầm đang phát sóng vào lúc 22g thứ Hai đến thứ Bảy trên kênh HTV9.
Lưu Tứ là một cậu bé sống ở làng chài. Trong một cơn bão, tàu của cha Lưu Tứ bị đánh chìm và mất tích. Khi chứng kiến cảnh mẹ bị chủ nợ đánh, Lưu Tứ đã ra tay với hắn. Lúc này, để cứu cậu bé Lưu Tứ, Cả Bĩnh (do diễn viên Mai Sơn Lâm đóng) đã ra tay nghĩa hiệp, dẫn đến rơi vào con đường tội lỗi.
Vai diễn Lưu Tứ của Sỹ Toàn (trái, ngoài cùng) trong bộ phim “Sóng ngầm”
Đối với Lê Tứ, sau khi cha mất, sự xuất hiện của Cả Bĩnh như một điểm tựa tinh thần. Anh mang ơn Cả Bĩnh và quyết định đi theo. Giờ ngồi kể lại, những câu thoại Lưu Tứ nói với Cả Bĩnh, tôi đều nhớ rất rõ.
Thoạt nhìn, nhân vật Lưu Tứ chẳng có gì khác so với tuyến nhân vật mà tôi đảm nhận. Anh cũng là một đại ca giang hồ, máu lạnh, giết người không gớm tay… nhưng điểm khác biệt là tâm lý của nhân vật biến chuyển, mỗi giai đoạn đều chất chứa một niềm riêng.
Vì vậy, tôi rất mong đợi bộ phim này lên sóng, để khán giả có thể thấy một Sỹ Toàn rất khác trong một Lưu Tứ đầy biến chuyển tâm lý. Đó là điều mà tôi có thể truyền tải chứ không đơn thuần diễn những cảnh đánh đấm.
Sở trường của tôi là thiên về chính kịch, bản thân đã được tôi luyện rất nhiều nên tôi hầu như không ngại những vai diễn như Lưu Tứ. Tôi còn cảm thấy thoải mái khi thể hiện những phân đoạn biến chuyển tâm lý.
Sỹ Toàn cảm thấy thoải mái khi thể hiện những phân đoạn chuyển biến tâm lý của Lưu Tứ
Để hóa thân trọn vẹn từng khoảnh khắc mà Lưu Tứ phải trải qua, tôi thường xin thầy Phương 5 phút lắng đọng. Lúc đầu, thầy Phương cũng hơi bất ngờ với lời đề nghị này của tôi. Nhưng sau đó, thầy hiểu tôi xin khoảng thời gian ít ỏi này chỉ để chọn lựa những nét diễn phù hợp cho Lưu Tứ.
Tôi còn nhớ phân đoạn Lưu Tứ trốn trong nhà trọ sau khi thực hiện phi vụ giết người cướp tiệm vàng. Tôi nhớ kịch bản chỉ khoảng nửa trang giấy và không có lời thoại. Thầy Phương muốn tôi lột tả tâm lý của Lưu Tứ lúc đó nhưng không được xin thêm câu thoại nào. Trong lúc đang suy nghĩ, tôi nhìn vào gương và cười nhếch mép thì nghe tiếng nói của thầy Phương: “Con cứ giữ đúng ánh mắt ấy”. Và tôi đã hoàn thành cảnh đó một cách trọn vẹn.
Có thể hiện tại, tôi vẫn còn là một diễn viên chưa tạo được ấn tượng trong lòng khán giả. Nhưng từ khi vào nghề, tôi vẫn muốn đi trên con đường thẳng. Tôi xác định, mọi người chưa nhớ đến tên Sỹ Toàn thì mình càng cần phải cố gắng, nỗ lực để vai diễn đi vào lòng họ nhiều hơn nữa, chứ không phải dùng chiêu trò để “tỏa sáng”.
Diễn viên Sỹ Toàn (Hoàng Minh ghi)