“Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người” – luôn có một sợi chỉ vô hình kết nối những người con về nơi chôn rau cắt rốn của họ, nơi con tim cất tiếng gọi hai chữ “quê hương”.
Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh chia sẻ câu chuyện của mình
GS-TS Nguyễn Hợp Minh đã có hơn mười lăm năm công tác tại nhiều quốc gia lớn nhỏ khác nhau khắp châu Á và châu Âu như: Anh, Nhật Bản, Kazakhstan,… Nhưng, trong khi sự nghiệp đang phát triển, khi trước mắt vẫn còn rất nhiều những cơ hội để anh tiếp tục công tác tại nước ngoài, anh vẫn quyết định trở về Việt Nam để giảng dạy. Vì sao anh lại có sự lựa chọn như thế?
Theo lời chia sẻ của anh, sống và làm việc tại nước ngoài dẫu có điều kiện thuận lợi, cơ sở vật chất đầy đủ nhưng ở sâu bên trong luôn có một thứ gì đó thiếu thốn. Từng ngày trôi qua, anh vẫn không thể tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự cho cuộc sống của mình. Giữa một nơi hoàn toàn xa lạ, với những con người có văn hoá, lời ăn tiếng nói khác nhau, không có sự gắn kết hay điểm chung nào, anh thấy thật lạc lõng, thiếu đi những kết nối với xã hội xung quanh, thiếu sự tương tác mang đậm chất quê hương. Mỗi lần nhớ quá, muốn tìm cái chất ấy, anh phải bắt những chuyến tàu xa, vừa mệt mỏi vừa tốn rất nhiều thời gian để gặp người bạn đồng hương, quả thật không phải là biện pháp tốt.
Và đó là khi anh quyết định quay về với quê hương mình, dải đất Việt Nam hình chữ S. Việt Nam là nơi có gia đình, những người bạn, là nơi lưu giữ những kỉ niệm, cảm xúc thân thương, những góc phố, con đường quen thuộc trong trí nhớ của người con xa xứ. Để anh không khỏi bồi hồi, mừng vui khi trở lại nơi mình thực sự thuộc về. Anh mong muốn những người con của mình có thể lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, tại mảnh đất mà chính anh và những thế hệ đi trước nữa đã sinh sống, nuôi dưỡng qua hàng ngàn năm. Đồng thời cho con anh theo học trường công vì trường công chính là bộ mặt của xã hội, dẫu có tốt có xấu, nhưng đó là một cơ hội để con anh học hỏi những tinh hoa văn hoá của dân tộc, biết thêm về quê hương Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh tiếp tục giảng dạy tại Việt Nam
Hiện tại, anh đang tiếp tục công việc giảng dạy tại trường đại học Fulbright – quận 7 thành phố Hồ Chí Minh. Và có một câu chuyện thực tế rằng, dù có rất nhiều gia đình của các bạn sinh viên đủ khả năng để đi nước ngoài, hay thậm chí có những bạn đã đi du học tại Mỹ nhưng lại quay về để hoàn thành sự học tại Việt Nam, do đây là một môi trường ngày càng phát triển cũng như vô cùng thân thuộc để các bạn tự do vùng vẫy, thoả sức sáng tạo những dự án, công trình mang cá tính riêng mà không phải dè dặt, tự ti giống như khi ở nước bạn.
Trường đại học Fulbright
Trong xã hội ngày nay, nhiều phụ huynh cho con mình theo học trường quốc tế, tiếng Anh từ rất sớm, xem như là một bước chuẩn bị trước cho tương lai của con. Hầu như ai cũng mong muốn con mình có cơ hội được bước ra thế giới, tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại để sau này có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Nhưng là một người từng trải, anh biết rằng, phương án ấy không phải dành cho tất cả mọi người. Một người thành công không chỉ là người phát minh ra những điều mới mẻ. Sự thành công thực sự là khi họ biết dung hoà giữa cái mới và cái cũ, giữ lại những giá trị văn hoá đồng thời tiếp tục bước đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Ấy là một điều hiển nhiên, nhà thơ Raxun Gamzatov từng nói rằng, “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người.” Dù có đi đâu về đâu, trong những lúc khó khăn, hoạn nạn hay thậm chí muốn từ bỏ, “quê hương” luôn chờ đợi, dang rộng vòng tay ôm lấy những con tim còn thao thức. Nhớ đến tác phẩm Bến Quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhân vật Nhĩ đã đi khắp các xó xỉnh của trái đất. Nhưng cuối đời khi bị cột chặt vào giường bệnh, anh mới nhìn thấy bãi bồi bên kia sông sao lại bình dị, quen thuộc mà đẹp đẽ đến thế, anh mới nhận thấy nỗi vất vả, sự tần tảo của người vợ ngày đêm chờ anh trở về.
Sự kết nối giữa gia đình, quê hương đối với mỗi con người là không thể thiếu. Đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, dạy cho ta biết thương yêu và trân trọng những giá trị thực sự của cuộc sống. Biết chia sẻ, sống vì người khác chứ không ích kỷ riêng mình.
Đón xem chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng lúc 22g45 mỗi ngày trên HTV9.
Phạm Nhi