Cốm là món ăn khá quen thuộc của người Nam Trung Bộ, nhưng tại Bình Thuận, những hộc cốm Tết lại mang hình dáng khác hẳn so với cốm những nơi khác và có vị trí rất đặc biệt trong sinh hoạt ẩm thực, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền.
Cốm Tết
Với thời lượng 20 phút, bộ phim tài liệu Hương cốm Tết do đạo diễn Kiều Hải Chuyên, quay phim Trương Ngọc Dũng cùng ê-kíp làm phim thực hiện, sẽ đưa người xem về vùng đất Phú Long – một thị trấn nằm cách Thành phố Phan Thiết khoảng 10km về hướng Bắc, để thưởng thức hương vị của món ăn dân dã này và cùng nghe những câu chuyện thú vị về nghề làm cốm Tết nơi đây.
Cho dù ngày nay có rất nhiều món ngon vật lạ, nhưng dường như cốm vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình ở đây mỗi dịp Xuân về.
Quy trình làm cốm thường diễn ra theo tuần tự như sau: Cứ khoảng đầu tháng Chạp, những người đàn ông sẽ đi lấy đất sét từ ruộng hoặc đất gò mối về, kết hợp cùng rơm vừa gặt xong vụ nếp đông để làm lò rang nổ nếp. Trộn đất và rơm ủ cùng nhau, sau đó trát lên một sườn lò bằng cây hoặc gạch. Dùng một cái chảo gang to đặt lên trên cùng và trát kín, sao cho chảo và lò dính chặt vào nhau. Để yên một ngày cho lò khô cứng thì có nổi lửa rang nổ nếp.
Cốm được phơi trước khi gói
Theo lời kể của bà Mười – gia đình làm nghề cốm lâu năm, thì: “Nếp dùng để làm cốm thường là loại nếp bầu. Loại nếp được trồng từ 3 tháng rưỡi đến 4 tháng rưỡi mới thu hoạch. Không có loại nếp nào bằng loại nếp này, nó được xem là loại nếp ngon nhất trong các loại nếp để làm cốm. Là loại nếp giống điạ phương, chỉ được dùng để làm cốm ăn Tết”.
Trước khi rang nếp nổ, người ta bỏ một ít cát vào chảo, thứ cát lồi sạch sẽ lấy từ bờ sông quê, lớp cát này sẽ đảm bảo độ nóng cần thiết để nếp rang nở đều. Sau khi nếp nở trọn vẹn người ta sẽ trút hết ra, sàng sạch cát và sẩy cho sạch vỏ trấu, phần còn lại sẽ là những hạt nổ trắng, bung cánh đều như những bông hoa. Đó là nguyên liệu chính của cốm.
Để làm cốm, người ta phải nấu nước đường với gừng, sên thơm và phải để thật nguội trước khi mang trộn chung với nổ.
Nồi mức thơm rim gừng làm cốm
Bỏ tất cả vào khuôn gỗ và ấn thật chặt để có được những miếng cốm vuông vắn. Món ăn gần gũi, dân dã này rất thơm ngon bao gồm cả vị bùi của hạt nổ nếp, vị ngọt của đường mía, vị cay nồng của gừng, vị thanh mát của trái cây, như: thơm, nho là một tổng hoà thú vị về mặt hương vị, và lẫn trong đó là cái ấm áp của tình làng nghĩa xóm, của tình thân gia đình.
Theo truyền thống Tết Bình Thuận xưa, trên bàn thờ gia tiên, người ta sẽ bày hai bên hai món truyền thống là bánh in và những phong cốm gói giấy màu rực rỡ. Theo thời gian, bánh in giờ gần như không còn thấy bóng dáng, chỉ có những phong cốm vẫn còn là món ăn dâng tổ tiên như dâng cả tấm lòng hiếu thảo của con cháu.
Cốm được gói giấy hoa
Cốm của hôm nay gói giấy hoa, gắn hoa kim tuyến đẹp hơn ngày xưa, tuy nhiên ý nghĩa của cốm vẫn còn mãi đó bởi ý thức giữ Tết truyền thống của bao thế hệ người Bình Thuận.
Đón xem bộ phim tài liệu “Hương cốm Tết” phát sóng lúc 8g ngày 24/1 (30 Tết Canh Tý) trên kênh HTV9.
Phương Minh