Các công trình nghiên cứu khoa học đã hình thành nên kho tài sản trí tuệ vô cùng lớn, nhưng để có thể phục vụ đời sống cộng đồng thì các công trình này cần được kết nối với doanh nghiệp - chủ thể có khả năng đầu tư và thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Đưa nghiên cứu khoa học tiếp cận thực tiễn
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, quy định Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM) là đơn vị thực hiện chiến lược quốc gia và chiến lược phát triển vùng, thông qua các nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học ứng dụng được triển khai trong thực tiễn - theo tiến sĩ Vũ Hải Quân.
PGS.TS Vũ Hải Quân – Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM
Trong thời đại ngày nay, khi khoa học công nghệ là yếu tố chủ lực quyết định sự phát triển kinh tế xã hội, thì tài sản trí tuệ hay còn gọi là sở hữu trí tuệ đã trở thành một hàng hóa có thể mua, bán, chuyển nhượng trên thị trường bởi tiềm năng hoặc khả năng kinh tế vô tận mà nó có thể đem lại cho người sử dụng. Trong trường đại học, tài sản trí tuệ chính là các sáng chế hình thành từ nguồn nghiên cứu khoa học. Chúng cần được bảo hộ để bảo toàn giá trị trước, trong và sau khi thương mại hóa.
Một quy trình nghiên cứu khoa học ứng dụng có thể tóm tắt như sau: Trường đại học nghiên cứu và phát minh sáng chế gọi chung là công nghệ. Công nghệ mới sẽ được tiến hành bảo hộ sở hữu trí tuệ, làm hành lang pháp lý cho việc hợp tác và chuyển giao cho doanh nghiệp. Nguồn lợi từ việc chuyển giao sẽ quay lại đầu tư cho chu kỳ nghiên cứu mới. Trong những năm gần đây doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại ĐHQG TP.HCM đạt đến 250 tỷ đồng.
Vấn đề đặt ra là làm sao tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu. Trong khoa học cơ bản, đề tài nghiên cứu thường xuất phát từ ý tưởng của nhà khoa học. Nhưng trong khoa học ứng dụng, khi đã kết nối với thị trường thì đề tài phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội, nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, những đối tác có khả năng triển khai sáng chế trong thực tiễn và đem lại lợi ích phục vụ cộng đồng.
“Khó khăn lớn nhất là chính các nhà khoa học chưa thấy được sản phẩm nghiên cứu của mình đang ở mức nào. Là ý tưởng sơ khai, những minh chứng nhỏ lẻ, hay đã có thể sản xuất ra sản phẩm mẫu, đã đánh giá độ ổn định và có thể đưa ra thị trường? Trong khi doanh nghiệp chỉ cần những kết quả nghiên cứu ở mức độ sẵn sàng cao nhất để đưa vào sản xuất” – PGS TS Phạm Văn Phúc.
PGS-TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM
Chính vì thế, quy trình nghiên cứu khoa học ứng dụng gần đây đã xuất hiện nhân tố mới. Đó là doanh nghiệp. Các đơn vị nghiên cứu có thể mời họ tham gia vào quy trình, đồng hành ngay từ khi hình thành ý tưởng, hoặc họ có thể hoàn toàn đưa ra yêu cầu và đặt hàng nghiên cứu thông qua các hợp đồng. Ví dụ: Đại học Bách khoa, thành viên của ĐHQG TP.HCM, khi nghiên cứu về đèn thông minh, tiết kiệm năng lượng đã mời công ty Điện Quang tham gia. Đây cũng là cách nhà khoa học tiếp cận với các bài toán thực tế đặt ra và xây dựng tư duy “làm cái xã hội cần”.
Hỗ trợ các nhà khoa học
Một vấn đề khác được đặt ra cho các trường đại học, với vai trò là thành viên của “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo”, dự án được xây dựng theo thỏa thuận giữa Cục Sở hữu trí tuệ với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), là họ phải làm gì để hỗ trợ các nhà khoa học trong quá trình bảo hộ sở hữu trí tuệ, để quyền sở hữu trí tuệ trở thành không chỉ là động lực đẩy mạnh tốc độ phát triển nghiên cứu khoa học mà còn giúp họ làm việc chuyên nghiệp phù hợp với yêu cầu của thời đại?
Về mặt pháp lý, từ năm 2015, ĐHQG TP.HCM đã chính thức ban hành “Quy chế quản trị tài sản trí tuệ” nhằm đẩy mạnh hoạt động tạo lập, xác lập quyền, bảo vệ quyền và khai thác thương mại hiệu quả các tài sản trí tuệ được tạo ra trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các tổ chức thành viên và cá nhân trong ĐHQG TP.HCM. Quản trị tài sản trí tuệ là hành lang pháp lý giúp cho ĐHQG TP.HCM thực hiện 3 sứ mệnh chính là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Theo tiến sĩ Vũ Thị Huyền, các trường đại học đóng vai trò là đơn vị nghiên cứu tiên phong, dẫn dắt xu hướng phát triển của khoa học công nghệ và xã hội. Mà một trong những hoạt động cụ thể là nhìn ra các sản phẩm trí tuệ của tương lai và quản trị thật tốt. Các lĩnh vực có sản phẩm dễ dàng chuyển giao và hợp tác với doanh nghiệp có thể kể đến như khoa học vi sinh, sức khỏe, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính. Ngoài ra, gần đây, để nâng cao chất lượng công trình khoa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên đã đẩy mạnh các nghiên cứu liên ngành, mang tầm quốc tế, tạo ra sản phẩm có khả năng bảo hộ và thương mại hóa cao.
Tiến sĩ Vũ Thị Huyền – Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế sở hữu trí tuệ, ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM
Cũng từ nhu cầu thực tế trên, Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ĐHQG TP.HCM được hình thành, giúp kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ nhà khoa học trong các khâu thủ tục xin đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Điều tồn tại trong quy trình đăng ký mà các nhà nghiên cứu thường cảm thấy khó khăn là thủ tục rườm rà và thời gian chờ đợi lâu khiến họ không có thời gian theo đuổi đến cùng. Hoặc viết bảng mô tả khoa học (bảng mô tả nghiên cứu chi tiết để người khác có thể thực hiện sáng chế) cho một sáng chế mới cũng là một thử thách bởi họ không được đào tạo chuyên môn.
Bằng việc thành lập Trung tâm chuyên trách hoạt động trên cơ sở “quy chế quản trị tài sản trí tuệ” cùng nguồn kinh phí chuyên biệt hỗ trợ hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, ĐHQG TP.HCM đã thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” của các hoạt động nghiên cứu, với 458 đối tượng tài sản trí tuệ đã thực hiện đăng ký bảo hộ bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả... Đơn vị đã góp phần hiệu quả thực hiện “Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia” đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu quan trọng là đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Nguồn tham khảo: Chương trình Kết nối không giới hạn “Tài sản trí tuệ - Từ giảng đường đến đại học” do Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện.
Thu Thủy