(HTV) - Bạo lực học đường, tuy không còn mới nhưng ngày càng diễn biến phức tạp, khi công nghệ ngày càng phát triển và mạng xã hội trở thành công cụ kết nối.
Để ngăn ngừa, phòng chống, kéo giảm số vụ việc, cần tăng cường tuyên truyền để giáo dục và trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng sống. Mô hình tuyên truyền Phiên tòa giả định do Chi hội luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức sáng nay, là một trong những hoạt động mang ý nghĩa như thế.
Phiên tòa giả định xét xử vụ 2 học sinh sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Toà tuyên xử phạt bị cáo phạm tội "Cố ý gây thương tích" với mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm kể từ ngày tuyên án.
Là sinh viên năm 1, trường Đại học Luật TPHCM, em Võ Đức Công lần đầu tiên tham gia Phiên tòa giả định, diễn ra tại trường THCS Bình An, phường An Khánh, TP Thủ Đức. Công cho rằng: hành động nhỏ của mình sẽ góp phần tuyên truyền kiến thức pháp luật đến các em học sinh.
Bà Nguyễn Tiến Hiệp - Hiệu Trưởng Trường Thcs Bình An, Phường An Khánh, Tp Thủ Đức chia sẻ: "Phiên tòa giả định đã mang đến cho các em học sinh không gian của tòa án để các em hiểu biết về pháp luật, phòng tránh bạo lực, bảo vệ bản thân và xa hơn là xây dựng môi trường học đoường an toàn, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn".
Bà Nguyễn Tiến Hiệp - Hiệu Trưởng Trường Thcs Bình An, Phường An Khánh, Tp Thủ Đức
Ngoài tính chất giáo dục để các em học sinh hiểu nhau, yêu thương nhau, xem trường học là ngôi nhà thứ 2 của mình, Phiên toàn giả định còn mong muốn mang thông tin, kiến thức pháp luật đến với phụ huynh, thầy cô giáo, nâng cao nhận thức về hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả của bạo lực học đường, đồng thời hiểu về quyền và trách nhiệm trong việc giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Luật sư Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi Hội trưởng Chi Hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết: " Luật bạo hành gia đình 2007, sửa đổi bổ sung 2022, chính thức có hiệu lực 1/7/2023 tới đây, chúng tôi sẽ phổ biến sâu rộng hơn đến các em, để các em biết nhiều hơn về bạo hành trong gia đình, ngoài xã hội cũng như trong học đường".
Theo thống kê thì mỗi năm học có khoảng 1.600 vụ bạo lực học đường xảy ra cả trong và ngoài trường học. Nguyên nhân là do cả từ bản thân học sinh, gia đình và nhà trường. Chính vì vậy sự phối hợp để giáo dục các em là rất cần thiết để các em ý thức và tránh hậu quả đáng tiếc do bạo lực học đường gây ra.