Những năm gần đây, phong trào cổ phong phát triển mạnh mẽ. Đơn cử như năm 2020, hai bộ phim lịch sử ra đời và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, đó là "Phượng Khấu" và "Bình Ngô đại chiến". Thế còn phim truyền hình?
Thuận Thiên Kiếm trong "Bình Ngô đại chiến"
Dấu ấn phim lịch sử năm 2020
Phim lịch sử có hai dạng gồm phim lịch sử chính sử và phim lịch sử dã sử (theo lưu truyền dân gian). Gần đây nhất, khán giả - đặc biệt là người dùng trên Internet - đã được biết đến và có cơ hội tiếp cận với hai ấn phẩm phim lịch sử: phim cổ trang dài tập “Phượng Khấu” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và phim dã sử “Bình Ngô đại chiến” thuộc dự án phi lợi nhuận của nhóm bạn trẻ yêu lịch sử Đuốc Mồi.
Cảnh trong trailer "Phượng Khấu"
"Phượng Khấu" (khấu: khuy áo) kể về cuộc đời của bà Phạm Hiệu Nguyệt (Hồng Đào thủ vai), tức Phạm Thị Hằng hay Từ Dụ Hoàng Thái hậu trong lịch sử. Bà là vợ cả của Hoàng đế Thiệu Trị (Thành Lộc). Mang màu sắc cung đấu, phim kể về hành trình của Từ Dụ - vượt qua những âm mưu quỷ kế chốn hậu cung - đưa con trai Hồng Nhậm (sau là vua Tự Đức) lên ngôi Hoàng đế. Mặc dù được truyền thông tốt và tiếp cận được đông đảo khán giả đồng thời nhận được sự quan tâm và ủng hộ lớn từ công chúng, song phim kết thúc mùa 1 mà chưa đáp ứng được kì vọng của người xem bởi hình thức không cứu nổi nội dung.
Cảnh trong "Bình Ngô đại chiến"
Trong khi đó, hạn chế hơn về mặt truyền thông, nhưng "Bình Ngô đại chiến" - phim dã sử theo phong cách diễn họa (animation) - sau ngày phát hành đầu tiên đã nhận được sự quan tâm lớn và được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Phim do Đuốc Mồi phối hợp cùng Đạt Phi Media sản xuất, dưới sự cố vấn của Đại Việt Cổ Phong. Đây là một trong các phim thuộc "Việt sử kiêu hùng" - Dự án phi lợi nhuận của nhóm Đuốc Mồi, với sứ mệnh truyền cảm hứng sử Việt cho người Việt. Không chỉ được cộng đồng lan tỏa, dự án về lịch sử này còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, thông qua hoạt động gây quỹ làm dự án.
Cảnh trong "Ngọn nến hoàng cung"
Phim truyền hình lịch sử
Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án về văn hóa - lịch sử khác cũng đang diễn ra và được cộng đồng quan tâm. Qua đó phần nào chứng minh rằng, chủ đề về lịch sử - trong đó có phim truyện - là một mảnh đất vô cùng tiềm năng để khai phá. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc sản xuất và phát hành thể loại phim lịch sử của các nhà đài còn khá khiêm tốn. Nhắc đến dòng phim này, không thể không kể đến những nỗ lực của Hãng phim TFS - Đài Truyền hình HTV và nhiều dự án phim lịch sử chất lượng: “Vó ngựa trời Nam”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Dưới cờ đại nghĩa”, “Bình Tây đại nguyên soái”, “Trùng quang tâm sử”, “Huế mùa mai đỏ”...
Cảnh trong "Cây nước mắt"
Giám đốc TFS Lý Quang Trung nhận định: Phim lịch sử rất cần thiết đối với công chúng khán giả! Nhưng vì một số điểm đặc thù như đầu tư cho phim quá lớn; tác giả chưa đủ chiều sâu, chưa thấu hiểu về lịch sử; kỹ xảo chưa phát triển, các cảnh cháy nổ, bom đạn… chưa đủ độ chân thật; dễ bị sai chi tiết, sai bối cảnh… gây phản cảm, nhất là cho khán giả am hiểu lịch sử; tính thương mại chưa cao… nên phim lịch sử rất khó làm và các hãng phim cũng rất “ngại” sản xuất thể loại phim này. Dù phải đối mặt với nhiều thử thách khi sản xuất phim truyền hình lịch sử, nhưng TFS vẫn luôn là một trong những hãng phim hiếm hoi sản xuất thể loại phim này và giành được một số dấu ấn đáng kể. Dưới đây là một vài các tác phẩm phim lịch sử ấn tượng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem.
Vó ngựa trời Nam
"Vó ngựa trời Nam" (2010) - đạo diễn Lê Cung Bắc, diễn viên Huỳnh Đông, Thạch Kim Long, Tấn Hưng, Khương Thịnh, Bích Hằng... - là bộ phim truyền hình lịch sử dài 37 tập. Phim kể về cuộc đời của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (Huỳnh Đông thủ vai) - một người văn võ song toàn khi vừa là một nhà quân sự tài ba vừa là một nhà thơ lãng mạn - với hành trình từ lúc nhỏ đến lúc tập kết ra Bắc.
"Vó ngựa trời Nam" chinh phục người xem không chỉ bởi bối cảnh về cuộc sống và con người miền Đông Nam bộ thời Pháp thuộc mà còn bởi từng nhân vật hiện lên đều rất rõ ràng về tính cách và mục tiêu, lời thoại được chăm chút, mạch phim rõ ràng, tiết tấu nhanh, luôn có cao trào cuối mỗi tập và tạo được cảm xúc đa dạng cho người xem. Phim, được chuyển thể từ hai tác phẩm "Thi tướng chiến khu xanh" (Nguyên Hùng) và Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ, đã giành được nhiều giải thưởng cao tại giải Cánh diều vàng năm 2010 với giải Cánh diều bạc cho phim truyện video - truyền hình; Cánh diều vàng 2010 cho diễn viên nam chính phim truyện video - truyền hình và Cánh diều vàng 2010 cho đạo diễn phim truyện video - truyền hình.
Ngọn nến hoàng cung
"Ngọn nến hoàng cung" (2004) - đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, các diễn viên Huỳnh Anh Tuấn, Yến Chi, Giáng My, Trương Ngọc Ánh, NSƯT Bạch Diện, Lâm Bảo Như, Tống Bạch Thủy... - là bộ phim truyền hình lịch sử đầu tiên kể về cuộc đời của vị vua cuối cùng của Việt Nam: vua Bảo Đại. Đây là bộ phim lịch sử hiếm hoi tại thời điểm đó khai thác một cách tỉ mỉ, chỉn chu câu chuyện có thật trong lịch sử, về năm mối tình của Bảo Đại cùng những lý giải về sự sụp đổ tất yếu của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam trước cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945.
Phim dài 45 tập, quy tụ hàng trăm diễn viên với 2.000 bộ trang phục được sử dụng, được thực hiện trong suốt ròng rã bốn năm trời, với những bối cảnh quay ở khắp ba miền, thậm chí có các cảnh quay ở Pháp, Trung Quốc. "Ngọn nến hoàng cung" cũng giành chiến thắng tại hạng mục Phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất Cánh diều Vàng 2004. Năm 2020, sau MV cổ trang lịch sử về chuyện tình của Nam Phương Hoàng Hậu dành cho Vua Bảo Đại của ca sĩ Hòa Minzy đăng tải, cộng đồng mạng một lần nữa dậy sóng và tìm xem “Ngọn nến hoàng cung” để có cái nhìn bao quát hơn nữa về cuộc đời của vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Dưới cờ đại nghĩa
"Dưới cờ đại nghĩa" (2005) - đạo diễn Nguyễn Tường Phương, Lê Phương Nam, các diễn viên Trung Dũng, Trương Minh Quốc Thái, Lý Thanh Thảo, Lê Văn Nghĩa, Christian Trung, Công Ninh, Đại Nghĩa... - là bộ phim truyền hình lịch sử dài đến 78 tập. Phim tái hiện giai đoạn lịch sử của Nam bộ từ năm 1863 khi nghĩa quân Trương Định bắt đầu tan rã cho tới thập niên 1940. Đan xen với câu chuyện thời cuộc ấy là chuyện đời của mỗi nhân vật - được khắc họa đầy chân thực và rõ nét.
Tiết tấu phim chậm rãi, càng xem càng lôi cuốn bởi nội dung, tình tiết, tâm lý nhân vật đều rất thật, rất sống động. Điểm đặc biệt của “Dưới cờ đại nghĩa” là phim không theo chân một nhân vật lịch sử cụ thể nào, mà chuyện phim được tái hiện qua góc nhìn sâu sắc của những nhân vật lịch sử có thật như Bảy Viễn, Tám Mạnh, Mười Trí và cả nhân vật đám đông quần chúng. Phim - được chuyển thể từ tác phẩm "Người Bình Xuyên" của nhà văn Nguyên Hùng - giành được Cánh diều vàng năm 2005 hạng mục phim truyền hình dài tập.
Bình Tây đại nguyên soái
Nếu “Dưới cờ đại nghĩa” kể về giai đoạn lịch sử ở Nam bộ sau khởi nghĩa Trương Định thì “Bình Tây đại nguyên soái” (2013) - đạo diễn Phan Hoàng, các diễn viên Huỳnh Trường Thịnh, Hồ Thái Huy, Lý Anh Tuấn, Âu Thành Cát, Tấn Hưng, Lê Vinh... - là bộ phim truyền hình lịch sử khắc họa về chính người Anh hùng dân tộc Trương Định. Phim kéo dài 40 tập với bối cảnh trải dài trên 10 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến miền Tây Nam bộ cùng 4.800 quần chúng, 100 ngôi nhà cổ, hàng loạt các phân cảnh dùng kỹ xảo, 200 cảnh đánh nhau với hơn 500 lượt quay của nhóm cascadeur Quốc Thịnh cùng rất nhiều các phục trang, đạo cụ...
Tại thời điểm đó, “Bình Tây đại nguyên soái” là một trong những bộ phim lịch sử có mức đầu tư “khủng” với tổng kinh phí lên tới 16 tỉ đồng. Phim không chỉ kể về cuộc đời của anh hùng Trương Định, tái hiện lại phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta giai đoạn đó mà còn thể hiện được nét đẹp mộc mạc và trù phú của đồng ruộng, sông nước quê hương. Từng thước phim đều cho thấy sự công phu và chỉn chu, tỉ mỉ của cả ê-kip làm phim. Theo đó, “Bình Tây đại nguyên soái” trở thành một trong những bộ phim lịch sử đáng xem nhất mà khán giả không nên bỏ lỡ.
Thiên Bình