NSƯT Triệu Trung Kiên: "Sân khấu Cải lương mới Đại Việt" sẽ công diễn đầu tiên vở Chuyện tình Khau Vai

Bằng tất cả niềm đam mê, lòng nhiệt tâm và trách nhiệm, NSƯT Triệu Trung Kiên cùng đội ngũ Sân khấu Cải lương mới Đại Việt muốn đem hết khả năng của mình, cùng góp sức chung tay mang đến cho Sân khấu Cải lương một diện mạo mới.


NSƯT Triệu Trung Kiên

Là danh ca vọng cổ đất Bắc, NSƯT Triệu Trung Kiên thành công ở nhiều vai diễn trong vai trò kép chính của Nhà hát Cải lương Việt Nam, khi chuyển sang làm đạo diễn lại nổi lên như một hiện tượng bằng một loạt vở diễn gây tiếng vang trong các mùa Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc do anh viết và dàn dựng. 

Dù có được nhiều giải thưởng, danh hiệu tại các Hội diễn sân khấu, nhưng Triệu Trung Kiên vẫn mải miết trên con đường sáng tạo. Làm bất cứ điều gì có lợi cho cải lương, anh đều sẵn sàng. Anh luôn bận rộn với những kế hoạch trước mắt và lâu dài, mà sự kết hợp lần đầu tiên của nghệ sĩ cải lương hai miền Nam - Bắc trong vở diễn Thầy Ba Đợi do anh dàn dựng vừa qua là một ví dụ. 

Mới đây, ngày 25/3/2019, NSƯT Triệu Trung Kiên cùng soạn giả Hoàng Song Việt đã chủ trì buổi lễ ra mắt Sân khấu Cải lương mới Đại Việt với sự hợp sức đầy trách nhiệm của các nhà quản lý, tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, công nhân kỹ thuật, hậu cần… để xây dựng các tác phẩm vừa đảm bảo các tiêu chí nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa thỏa mãn các nhu cầu thưởng thức và giải trí của công chúng.


NSƯT Triệu Trung Kiên cùng soạn giả Hoàng Song Việt trong buổi ra mắt sân khấu

Với tư cách là người đồng chủ trì buổi lễ ra mắt, anh có thể chia sẻ lý do về sự ra đời của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt? 

Từ thực tế khó khăn của Sân khấu Cải lương trong thời gian qua, nhất là sau sự kiện Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của Nghệ thuật Sân khấu Cải lương Việt Nam. Xuất phát từ trách nhiệm của người lao động nghệ thuật; tiếp nối quá trình cống hiến của thương hiệu “Thắp sáng niềm tin”, chúng tôi nhận thấy, hơn lúc nào hết, sân khấu cải lương hiện thời rất cần có được “những hành động” cụ thể, thiết thực, đúng đắn để vượt qua khó khăn, tiến tới tiếp tục phát huy vốn quý của ông bà. 

Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt đã mạnh dạn lập dự án và chính thức ra mắt Sân khấu Cải lương mới Đại Việt. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các tác phẩm sân khấu cải lương nghiêm túc, công phu, đầu tư kỹ lưỡng, có định hướng và phong cách nghệ thuật rõ ràng nhằm góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt của loại hình sân khấu dân tộc độc đáo này.

Trong tình hình hiện nay, Sân khấu mới Đại Việt có cách làm mới nào để thu hút khán giả?

Nghệ thuật Cải lương với tuyên ngôn “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, điều đó đã nói lên bản chất cốt lõi của Nghệ thuật Cải lương là đổi mới, cải cách không ngừng. Tuy nhiên, việc cải cách hay không cải cách vẫn là tranh luận chưa có hồi kết của những người làm nghề, trong khi loại hình này đang mất dần sự quan tâm, yêu thích của khán giả. 

Nhưng để thu hút khán giả, Nghệ thuật Cải lương cần phù hợp với thị hiếu của đại bộ phận khán giả hiện đại; cần bắt kịp với các xu hướng sân khấu tiên tiến trên thế giới; cần bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực, đậm đà bản sắc của dân tộc. Để làm được những điều đó, không có cách nào khác là phải tiến hành cùng lúc các hoạt động: nghiên cứu, thực nghiệm và đưa ra được những đúc kết mang tính khoa học; đối sánh kết quả thu được để tìm ra đáp án đúng (quá trình thể nghiệm).

Đặt tên cho sân khấu là “Sân khấu Cải lương mới Đại Việt”, có vẻ như anh cùng ê-kíp thực hiện có khát vọng rất lớn?

“Đại Việt” là danh xưng thể hiện khao khát về một dân tộc Việt lớn mạnh. Sự lớn mạnh bao gồm cả trong các lĩnh vực: Chính trị, Kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự lớn mạnh về Văn hóa (trong đó có Văn học, Nghệ thuật). Đó cũng chính là khát khao được tận hiến của các “Công dân nghệ sĩ”, mong muốn đem trí - tài của mình đóng góp vào quá trình chấn hưng và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam. Danh xưng Đại Việt cũng đồng thời là niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, niềm tự hào về di sản văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, chữ “Mới” trong cụm từ để thể hiện khao khát đổi mới Nghệ thuật Sân khấu Cải lương, điều đương nhiên phải làm.

Định hướng và phong cách hoạt động nghệ thuật của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt sẽ như thế nào, thưa anh?

Các vở diễn của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt sẽ được xây dựng với quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc đích thực - một Sân khấu Cải lương mang yếu tố cải cách. Từng bước áp dụng những thử nghiệm nghệ thuật cần thiết với liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn nhằm làm mới Sân khấu Cải lương, tuân thủ tiêu chí và đặc trưng của loại hình ngay từ buổi đầu hình thành là: “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền Tuồng, tính sánh văn minh”. 

Anh có thể "bật mí" về lực lượng diễn viên và các vở diễn sắp ra mắt?

Chúng tôi lấy nòng cốt là lực lượng nghệ sĩ gắn bó từ đơn vị “Thắp sáng niềm tin”. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng phát hiện những nhân tố mới để bồi dưỡng, huấn luyện, hình thành nên lực lượng kế thừa. Thành phần sáng tạo sẽ là các cộng tác viên ở cả hai miền Nam – Bắc, được lựa chọn mời cộng tác thông qua nhu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ nghệ thuật. Các cộng tác viên được mời cộng tác ngoài việc được đảm bảo cá tính sáng tạo của riêng mình, thì cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc, như xu hướng, phong cách nghệ thuật cũng như các giao ước công việc với Sân khấu Cải lương mới Đại Việt.


Sau vở "Thầy Ba Đợi", các nghệ sĩ Nam - Bắc tiếp tục có sự kết hợp trong nhiều vở diễn mới

Về kịch mục, giai đoạn 1, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt sẽ thực hiện 3 tác phẩm: “Chuyện tình Khau Vai” (tác giả: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ); “Đoạt hồn” (tác giả: Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng); “Lôi Vũ” (tác giả: Tào Ngu – Trung Quốc). 

Với “Chuyện tình Khau Vai” Sân khấu Cải lương mới Đại Việt không chỉ trình diễn một vở diễn sân khấu, mà còn mong muốn đem đến cho khán giả những nét phác thảo về một không gian văn hóa đặc sắc với những phong tục, tập quán; những điệu dân ca, dân vũ; những hiện vật và các huyền thoại gắn liền với đời sống, sinh hoạt của các dân tộc miền núi phía Bắc. Vở “Đoạt hồn” – lấy bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam vào thập niên 60 của thế kỷ XX, sẽ là một xu hướng nghệ thuật mang phong cách Nhạc – Vũ – Kịch đương đại. Vở “Lôi vũ” – một kiệt tác Sân khấu Thế giới đã có nhiều phiên bản gặt hái thành công rực rỡ. Lần tái dựng này, ê-kíp dự định khoác lên cho tác phẩm một diện mạo hoàn toàn mới lạ, với nhiều sáng tạo độc đáo. 


Một cảnh trong vở cải lương Chuyện tình Khau Vai từng được công diễn

Các đêm phúc khảo và công diễn vở diễn đầu tiên “Chuyện tình Khau Vai” sẽ được diễn ra vào đầu tháng 6 năm 2019 tại TP. Hồ Chí Minh (dự kiến tại Nhà hát Bến Thành hoặc Nhà hát Lớn Thành phố). Trước đó, cá nghệ sĩ sẽ có đợt tham quan thực tế tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để có những cảm xúc chân thực về vai diễn cũng như tác phẩm. 

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Minh Nguyễn