Trong hơn 4 thập niên qua, NSƯT Quỳnh Liên luôn được khán giả cả nước yêu mến và biết đến là một nghệ sĩ giàu sức sống, luôn đi tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào văn hóa văn nghệ của TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
NSƯT Quỳnh Liên tham gia chương trình “Tiếng vọng Bác Hồ” nhân kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam do HTV thực hiện
Đến nay, dù đã ngoại lục tuần, nhưng NSƯT Quỳnh Liên luôn cho thấy một “Quỳnh Liên trẻ trung sôi nổi” không chỉ với những bản tình ca cách mạng trên mọi “mặt trận” sân khấu mà còn đảm trách các vai trò quan trọng tại Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh; Triển khai chương trình tuyên truyền quảng bá dòng âm nhạc Cách mạng đến mọi tầng lớp nhân dân... để phục vụ cộng đồng; Thường xuyên tham gia Hội đồng thẩm định Nghệ thuật của Thành phố; làm Giám khảo cho các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp và không chuyên tại Thành phố và các tỉnh thành lân cận.
Với mong muốn, mọi người cùng chung tay làm “ấm lòng” những người “nơi đầu sóng ngọn gió” đối đầu với đại dịch Covid-19 đang hoành hành, trong những ngày này, chị lại cùng CLB Nữ Nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh tất bật trong việc kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm... chung tay “góp sức mùa Covid-19”, nhằm gây quỹ hỗ trợ các y bác sĩ, các lực lượng công an, quân đội, chiến sĩ biên phòng... đang ngày đêm vất vả nơi “tuyến đầu chống dịch”. Việc làm này của chị cùng CLB Nữ Nghệ sĩ nhận được rất nhiều đồng nghiệp và khán giả quan tâm, ủng hộ.
NSƯT Quỳnh Liên biểu diễn trong chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”
Xin chào NSƯT Quỳnh Liên. Được biết, đến nay chị đã có trên 40 năm hoạt động nghệ thuật, trong đó có 30 năm hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh, điều gì đã khiến chị chọn nơi đây là nơi phát triển sự nghiệp nghệ thuật của mình?
Trước đây, Quỳnh Liên công tác tại Đoàn văn công Công an Vũ trang Trung ương (tiền thân của Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng Việt Nam hiện nay). Hơn 10 năm làm việc tại Đoàn đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý báu qua những chuyến đi phục vụ đồng bào chiến sĩ trên khắp mọi nẻo đường biên giới Tổ quốc... Vì một chữ duyên, tôi đã chọn TP. Hồ Chí Minh - mảnh “đất lành chim đậu” để tiếp tục sự nghiệp hoạt động nghệ thuật mà mình đã gắn bó.
Có thể nói, trước khi vào TP. Hồ Chí Minh, tôi đã là một nghệ sĩ biểu diễn solo khá “đinh” của Đoàn Nghệ thuật BĐBP Việt Nam với thành tích gần chục HCV, HCB… tại các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân, festival thế giới... Nhiều thành tích là vậy nhưng khi vào TP. Hồ Chí Minh chẳng ai biết đến Quỳnh Liên. Và thế là tất cả lại bắt đầu từ con số không.
Tôi vẫn nhớ ngày đi hát đầu tiên (qua một người bạn cùng đoàn giới thiệu) đúng vào dịp Lễ (2/9/1990), “chân ướt chân ráo” vừa mới tới thành phố chưa kịp khui vali đồ đạc, đã vội vã leo lên một chiếc xe lam cũ kỹ, đi một chặng đường khá vất vả chẳng kém gì đi biên giới, mới tới được điểm diễn là một sân khấu nơi vùng xa thành phố.
Đến nơi, bà con đã ngồi chật kín, trong lòng thấy vui lắm nên bao nhiêu mệt nhọc, lo lắng tự nhiên quên hết. Và thế là tôi lên sân khấu hát liền 3 bài, khán giả vỗ tay rần rần... Tối đó về vui không ngủ được, cứ như lần đầu lên sân khấu vậy. Và cứ như thế! Những ngày tháng tiếp theo, khán giả TP. Hồ Chí Minh đã đón nhận một “Quỳnh Liên trẻ trung sôi nổi” với những bản tình ca cách mạng... cho đến hôm nay!
NSƯT Quỳnh Liên biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng tại TP. Hồ Chí Minh tại Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009
30 năm qua, không chỉ đóng góp tích cực trong các hoạt động nghệ thuật của thành phố, chị còn là một trong những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu đồng hành cùng các chương trình ca nhạc của HTV. Xin chị chia sẻ về một ấn tượng mà chị từng có với HTV trong những ngày đầu bén duyên?
Đó là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1991.Tôi được HTV phân công hát bài Lời anh vọng mãi ngàn năm (Sáng tác: Vũ Thanh) trong chương trình “Uống nước nhớ nguồn”. Bài hát ca ngợi người anh hùng của dân tộc Nguyễn Văn Trỗi...
Trong chương trình, HTV có mời chị Quyên vợ anh Trỗi tới dự. Mới hát được nửa bài, có khán giả tặng một bông hoa, tôi vừa hát vừa mang bông hoa tới tặng lại chị Quyên, chị bỗng oà khóc và thế là tôi cũng khóc, cả khán phòng nghẹn ngào… Hôm ấy, chương trình được ghi hình trực tiếp tại Bảo tàng Chiến tranh Cách mạng đã làm cho biết bao khán giả xúc động khi phát sóng. Từ đó, nhiều khán giả đã biết đến Quỳnh Liên hơn. Ngày đó, dù đã hơn chục năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tại Thủ đô Hà Nội với bao lần lên sóng truyền hình Việt Nam, nhưng tôi đã không thể kìm nén được cảm xúc của mình và nhớ mãi đến từng chi tiết trong cái ngày đầu tiên “lên sóng” ấy. Thế mới biết sức lan toả của HTV!
Cũng từ đó, chị đã gắn bó và đồng hành cùng HTV qua nhiều vai trò. Ấn tượng của chị về sự phát triển từng ngày của HTV?
Tôi đồng hành gắn bó với HTV qua việc trực tiếp tham gia các chương trình biểu diễn với quy mô lớn, nhỏ; làm giám khảo cho các cuộc thi như: Tiếng hát truyền hình, Tiếng hát mãi xanh, Hát về thời hoa đỏ, Tiếng hát Người làm báo, Giờ thứ 9; Còn mãi với thời gian... Đó thực sự là những chương trình đã trở thành “Thương hiệu” của HTV, bởi nó không chỉ thu hút lớp nghệ sĩ gạo cội, lớp ca sĩ trẻ chuyên nghiệp của thành phố mà còn thu hút mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân yêu thích âm nhạc cùng hưởng ứng tham gia nhiệt tình, và đặc biệt là sức lan toả đối với cộng đồng.
Sau 30 năm nay gắn bó, tôi không thể nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu chương trình mang ý nghĩa lớn lao của HTV. Chỉ biết rằng, tôi chưa bao giờ từ chối lời mời của HTV (trừ trường hợp bất khả kháng). Mỗi khi nhà Đài có lời mời là ngay lập tức tôi gác lại mọi kế hoạch riêng. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được tham gia các chương trình có sức lan toả mạnh mẽ đối với cộng đồng mà HTV đã làm được.
(còn tiếp)
Á Quân