Với trái tim giàu cảm xúc cùng tài năng thiên bẩm, nhạc sĩ Thế Hiển đã cho ra đời ca khúc “Nhong nhong nhong” được nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam yêu thích, cùng những tác phẩm sống mãi với thời gian như: “Nhánh lan rừng”, “Hát về anh”...
Chân dung NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển
Cũng không phải ngẫu nhiên mà công chúng gọi Thế Hiển bằng nhiều cái tên: nhạc sĩ nhánh lan rừng, nhạc sĩ của lính, nhạc sĩ của mọi người... mà bởi những nhạc phẩm của ông đã đi sâu vào mọi đối tượng, tầng lớp, lứa tuổi, phù hợp với mọi hoàn cảnh, sự kiện. Âm nhạc của ông là tường thành vững chãi trong làng âm nhạc Việt Nam, đủ sức khiến người nghe thổn thức, bật khóc hoặc ngân nga như một lẽ đương nhiên.
NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển hát cùng lính đảo
Một trong những điểm sáng trong sự nghiệp âm nhạc của Thế Hiển là các ca khúc riêng tặng cho thành phố mang tên Bác Hồ. Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mỗi con đường, góc phố, con người khi đi vào âm nhạc của Thế Hiển đều bừng lên sức sống mãnh liệt, sôi nổi với niềm yêu thương, trân trọng và tự hào. Lúc lãng mạn, dịu dàng, khi trẻ trung, năng động, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi nuôi dưỡng và phát huy tình yêu âm nhạc của Thế Hiển, để mỗi sáng tác của ông dễ dàng tiếp cận với mọi người nhưng vẫn gìn giữ được giá trị âm nhạc truyền thống cách mạng.
NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển trong đêm biểu diễn giao lưu “Hát về anh”
Nhạc sĩ Thế Hiển sinh năm 1955 tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 1975, khi tròn 20 tuổi anh được uỷ ban nhân dân phường 9, quận Phú Nhuận đưa vào tham gia sinh hoạt thanh niên và lập thành ban nhạc. Đồng thời là tập dợt cho các thanh niên đón nhận những ca khúc mới.
Năm 1976, NSƯT Mỹ An lúc đó là giảng viên thanh nhạc về giảng dạy thanh nhạc cho thanh niên tại quận Phú Nhuận đã gợi ý với anh rằng: “Thế Hiển ơi! Em đàn hay. Em hát hay. Nếu mà em chọn con đường chuyên nghiệp thì nên đi học để mà phát triển”. Chính gợi ý của nghệ sĩ ưu tú Mỹ An đã đưa ông đến với một cuộc thi về các học sinh trung cấp của đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen.
NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp từ năm 1976
Và cho đến năm 1980 ông chính thức tốt nghiệp và trở thành đơn ca chính của đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông. Nay, dù đã ở tuổi ngoài 60, nhưng với dáng vẻ của người nhạc sĩ, ca sĩ ôm ghi-ta hát trên sân khấu, nhiệt tình, vô tư và nụ cười luôn hiện hữu của Thế Hiển vẫn đủ sức thu hút khán giả.
NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển cùng chiếc đàn ghi-ta luôn thu hút khán giả
Với thời lượng 40 phút, HTV sẽ giới thiệu đến khán giả xem đài chân dung nhạc sĩ Thế Hiển qua bộ phim tài liệu “NSƯT, Nhạc sĩ Thế Hiển - Nhánh lan rừng nở mãi” phát sóng lúc 15g ngày 21 và 22/3 trên kênh HTV9.
Thùy Trang