NSƯT Diệu Hiền: HTV đầu tư và có lộ trình phát triển rất đáng tự hào cho sân khấu cải lương khởi sắc

NSƯT Diệu Hiền là một ngôi sao sân khấu nổi tiếng thập niên 1970-1980. Dù đã dần rời xa sàn diễn, nhưng khi HTV dàn dựng các chương trình ca cổ và “Vầng trăng cổ nhạc”, NSƯT Diệu Hiền sẵn sàng tham gia.


NSƯT Diệu Hiền và Thành Lộc

Những trăn trở với cải lương

Gần đây, khi đến với chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn, NSƯT Diệu Hiền đã có nhiều chia sẻ về bộ môn nghệ thuật mang tính đại chúng mà HTV đã bảo lưu rất nhiều giá trị đẹp.

Theo NSƯT Diệu Hiền, bộ môn cải lương có sống khỏe trong ngôi nhà của chính mình đang là điều băn khoăn của những ai quan tâm đến sự kiện 100 năm hình thành và phát triển của sân khấu cải lương. Từ đầu năm đến nay, số lượng live show của các nghệ sĩ cải lương được tổ chức khá nhiều. Trong khi đó, số lượng vở diễn lại xuất hiện khá khiêm tốn, nếu không muốn nói chỉ có vài vở đang chuẩn bị tham dự Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2018 tại Long An vào tháng 9.

“Còn lại đều là kịch bản cũ được dựng lại hoặc tái diễn các vở cũ. Chiến lược phát triển của sân khấu cải lương chẳng lẽ chỉ là những live show ăn mòn trên hào quang cũ, hoặc một vài vở diễn ra mắt vài ba suất rồi cất vào kho. Trong khi đó, rất cần một chiến lược để vực dậy sàn diễn” – bà trăn trở.

Theo bà nhận định, vì thiếu quy tụ tác giả, đạo diễn, nhà tổ chức có tâm huyết để cùng với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh hoạch định hướng đi mới cho sự phát triển của hai bộ môn nghệ thuật dân tộc nên sàn diễn cứ bị chậm sáng đèn.

Nhiều ý kiến cho rằng, có quá sớm chăng khi “chưa có chuồng đã sợ mất trâu”. Trên thực tế, sân khấu cải lương hiện nay đang đi vào bế tắc. 

Sau hai đợt thể nghiệm đưa cải lương ra sân khấu quảng trường với Kim Vân KiềuChiếc áo Thiên Nga, quy tụ nhiều tài năng từ nhiều bộ môn nghệ thuật: cải lương, ca nhạc, âm nhạc thính phòng, ba lê..., Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang quyết định đưa cải lương quay về với những kịch bản thuần Việt, nhưng vở Đả chiến phá sông Ngân chỉ diễn 4 suất đến nay chưa thể lên lịch tái diễn, vì khó quy tụ lực lượng ngôi sao, khi mà diễn vở dài thì cát sê chỉ vài ba trăm ngàn đồng, trong khi với chiếc dĩa MD phối nhạc nền, ngôi sao cải lương có thể chạy show mỗi đêm thu về hơn 10 triệu đồng ở các tỉnh ĐBSCL.

“Từ đó, khó mà đòi hỏi sự cống hiến khi lượng khán giả đến với vở mới thưa dần, cho dù giới chuyên môn đánh giá tác phẩm thuần Việt này có sự đầu tư trong dàn dựng và ca diễn. Theo tôi, nguyên nhân cải lương cứ tụt dốc là do thiếu chiến lược mang tầm khái quát. Ai cũng thấy những mầm bệnh nhưng để chữa thì không biết chữa từ đâu” – bà lại buồn.


NSƯT Diệu Hiền và nghệ nhân Trường Quang (đoàn Minh Tơ)

Cần một chiến lược?

Nếu không có chiến lược để tạo thế chủ động trong tổ chức và biểu diễn với những kịch bản vừa đảm bảo doanh thu, vừa tuân thủ yêu cầu sáng tạo, đặt nghệ thuật ca diễn mang tính đặc thù của bộ môn này lên hàng đầu, thì sàn diễn vẫn sẽ hoạt động cầm chừng với mỗi tháng vài ba suất.

Trên thực tế, những tháng đầu năm 2018, sân khấu cải lương trở nên sôi động hơn khi có nhiều nghệ sĩ thực hiện theo mô hình xã hội hóa với: Thái hậu Dương Vân Nga, Hòn Vọng Phu, Má hồng soi kiếm bạc… 

Theo nhận xét của NSƯT Diệu Hiền, chương trình Ngân mãi chuông vàng của HTV là một sàn diễn tích cực, trao truyền cho thế hệ diễn viên trẻ xuất thân từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ những vai diễn khó.

Qua nỗ lực của từng cá nhân, các em đã khẳng định được tài năng, tên tuổi, để khán giả yêu thích cải lương cảm nhận có một nguồn diễn viên trẻ hết sức năng động, làm nên thương hiệu Chuông vàng vọng cổ với: Võ Minh Lâm, Hồ Ngọc Trinh, Lê Văn Gàn, Bùi Trung Đẳng, Như Huỳnh, Thu Vân, Ngọc Đợi, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Văn Mẹo...

“Thực tế là thời gian qua, chính chương trình Ngân mãi chuông vàng đã góp phần làm cho sân khấu truyền hình khởi sắc, bên cạnh đó, chương trình Vầng trăng cổ nhạc đã sắp chạm mốc 200 số. Hai hạt nhân nòng cốt này được HTV đầu tư và có lộ trình phát triển rất đáng tự hào” – bà tâm đắc nói.

Cũng theo NSƯT Diệu Hiền, trong cơ chế thị trường, sân khấu cải lương có quá ít vở mới nên sự nghèo nàn này khiến khán giả khó lựa chọn sản phẩm cho mình như bên sân khấu kịch nói hoặc phim chiếu ở các rạp. Điều này cho thấy những người làm cải lương hiện nay chưa thực sự lưu tâm đến nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Theo bà, việc thăm dò thị hiếu người xem, để lắng nghe nhu cầu của khán giả, “bán” cái mà khán giả cần chứ không phải “bán” những gì cải lương đang có. 

Vậy theo bà nhận định, lối đi cho sân khấu cải lương chính là sự đoàn kết từ nội bộ, cộng với sự định hướng mang tính chiến lược của các nhà quản lý. Và trên hết là ý thức của người nghệ sĩ phải luôn tận tụy và cống hiến, lời bà căn dặn khi tiếp xúc với các diễn viên trẻ xuất thân từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ.
Thanh Hiệp