Nghệ sĩ viết

NSND Việt Anh: Phim và kịch trên HTV là “gia tài” của tôi

Tôi đã có 200 vở kịch, phim cũng phải mấy ngàn tập trên sóng HTV. Đây được xem là gia tài của tôi. Bây giờ nhìn lại, tôi có chút bồi hồi và tự hào vì dù thời gian trôi qua nhanh, nhưng khi nhắc đến các vở kịch, bộ phim của Đài, khán giả vẫn nhớ đến tôi.


NSND Việt Anh sở hữu cho mình nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng người hâm mộ

Nhiều khán giả bây giờ vẫn nhớ kịch, phim của tôi

Tôi là người đến với HTV khá sớm, từ những ngày đầu Đài mới thành lập, tính đến nay cũng đã 36 - 37 năm. Vậy nên, tôi cũng có gần 4 thập kỷ gắn bó với Đài qua các vở kịch, phim truyền hình lẫn sitcom. Về kịch nói, tôi không nhớ con số mình đã tham gia, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Trong nhà ngoài phố là chương trình đầu tiên của tôi. Đó là một chương trình hài kịch truyền hình mang lại nhiều bài học quý giá cho khán giả.

Ngày đó, Trong nhà ngoài phố đã tạo nên tên tuổi của rất nhiều nghệ sĩ. Tôi nghĩ đây là một trong những chương trình biểu tượng của HTV bởi tên của chương trình vốn đã rất hay. Khác với những chương trình khác, Trong nhà ngoài phố tập trung vào những bài học, thông điệp đằng sau câu chuyện qua mỗi tập. Tôi cho rằng, đó là một nét hay của đội ngũ biên tập khi sáng tạo nên một chương trình khác biệt và có thể nói là “không đụng hàng” thời đó. Nhưng sau 15 năm phát sóng, chương trình cũng đã dừng để nhường chỗ cho các chương trình mới.

Từ Trong nhà ngoài phố, tôi định hình tên tuổi của mình qua các vở kịch dài khác như: Lôi vũ, Người cha thô bạo… Đó là những vở kịch rất hay và theo tôi cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt, tôi nhớ nhất là vở Dạ cổ hoài lang. Ngày đó khi công chiếu vở diễn này trên sóng HTV, Dạ cổ hoài lang đã gây được tiếng vang lớn cả nước bởi nội dung sâu sắc, lối diễn của các nghệ sĩ… Sau đó, chúng tôi còn có một dịp chia sẻ với khán giả về vở diễn này trên sóng truyền hình, giải đáp mọi câu hỏi của khán giả về: hậu trường, kỷ niệm đóng kịch. Và sau này có một trích đoạn khoảng nửa tiếng được tôi và NSƯT Thành Lộc quay tại sân khấu 5B do HTV quay và khi phát sóng, tiếng vang còn dữ dội hơn nữa.


"Dạ cổ hoài lang" được phát sóng trên HTV là vở kịch NSND Việt Anh nhớ nhất

Trong Dạ cổ hoài lang, tôi vào vai ông Năm, dù chỉ là tuyến nhân vật phụ nhưng đó là vai diễn hay. Nếu gọi ông Năm là vai để đời thì chưa hẳn vì tôi có nhiều vai diễn hay lắm như trong các vở kịch Lôi vũ, Người cha thô bạo, Chim họa mi… 

Ngoài kịch nói, những vai diễn trong các bộ phim như: Mùi ngò gai, Gia đình phép thuật… cũng để lại nhiều dấu ấn cho khán giả. Nhắc đến Gia đình phép thuật, đó là một vai diễn dài kỳ của tôi. Trong phim, tôi đảm nhận vai một người ít nghiêm khắc, trẻ hơn so với những tác phẩm truyền hình khác. Đây là một bộ phim thiếu nhi nhưng lại có tính nhân văn rất cao. Khi đọc kịch bản, tôi thấy phim này đánh động vào trái tim, cách giáo dục của trẻ nhỏ biết nhân ái, biết yêu thương. Tuy kịch bản của Hàn Quốc nhưng gần gũi với văn hóa người Việt và phù hợp với lối ứng xử của chúng ta. HTV trước khi Việt hóa bộ phim này cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và nhận thấy được thế mạnh trong nội dung lẫn thông điệp của Gia đình phép thuật. Quả đúng như vậy, khi bộ phim ra mắt đã trở thành một món ăn tinh thần cho người Việt trong suốt thời gian đó.


“Gia đình phép thuật” là bộ phim mang lại trải nghiệm mới trong diễn xuất của nam nghệ sĩ gạo cội

Nghệ sĩ gạo cội truyền lửa cho thế hệ trẻ

Nếu bây giờ bạn hỏi, chất liệu nghệ thuật tôi cần khi tham gia một vở kịch, một bộ phim truyền hình thì nó không chỉ chú trọng đến yếu tố giải trí, nghệ thuật mà thông qua đó phải để lại một bài học sâu sắc dành cho khán giả, đặc biệt là các em nhỏ, người sẽ hình thành tư duy khi xem các bộ phim, tác phẩm truyền hình. Trong suốt sự nghiệp, NSƯT Thành Lộc, Thanh Thủy, NSND Kim Xuân, NSND Hồng Vân… là những bạn diễn ăn ý với tôi nhất. Họ không chỉ có tuổi nghề cùng thế hệ mà ngoài ra nét diễn phù hợp, ăn ý và thấu hiểu nhau.

Nói riêng về NSƯT Thành Lộc, anh ấy rất nghề, thông minh, và trên hết là anh có một sự yêu nghề da diết. Khi làm việc với anh Lộc, tôi cảm thấy rất yên tâm. Chúng tôi kết hợp với nhau đều có sự sáng tạo và niềm hứng thú với nghề. Tôi đã diễn chung với anh ấy 20 năm nên chỉ cần một trong hai thở là biết bạn diễn phải làm gì cho các phân đoạn tiếp theo. Tôi mới ngưng diễn với anh ấy khoảng 7 - 8 năm nay vì khác đơn vị. Tôi quý anh Lộc ở tư cách nghề. Người ta gọi anh Lộc là “phù thủy sân khấu” cũng đúng bởi cách biến hóa của anh trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Theo tôi, anh là nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu Việt Nam hiện tại.


NSND Việt Anh luôn xem HTV là môi trường bổ ích để các nghệ sĩ trẻ trải nghiệm và tích lũy “vốn liếng” diễn xuất từ những nghệ sĩ gạo cội

Gắn bó với HTV mấy chục năm qua, tôi thấy vai trò truyền thừa của thế hệ nghệ sĩ gạo cội dành cho những gương mặt trẻ rất quan trọng. HTV là môi trường bổ ích để nghệ sĩ trẻ có thể trải nghiệm và tích lũy được vốn liếng cho bản thân. Ngoài ra, HTV cũng là nơi rèn luyện tay nghề khi họ được tham gia cùng các “lão làng”. Tại đây, các nghệ sĩ trẻ sẽ học được rất nhiều bài học về cách làm nghề, tư duy nghệ thuật sao cho đúng. Chính vì thế, tôi mong muốn HTV sẽ phát huy truyền thống này mãi về sau, sự cộng hưởng của cả hai thế hệ. 

Có nhiều người nói rằng, bây giờ chỉ cần diễn viên trẻ nổi tiếng thôi là đủ sức tạo nên một bộ phim hay, tôi thấy điều đó chưa đúng. Nghệ sĩ trẻ phải kết hợp với những người nghệ sĩ gạo cội để tạo nên một “dàn bao” mạnh, tức là kinh nghiệm diễn xuất phải đi đôi với sự nổi tiếng mới tạo nên tác phẩm hay lay động lòng người. Vậy nên, kế thừa là nét truyền thống rất hay ở HTV nói riêng và trong nghệ thuật nói chung.

NSND Việt Anh (Tiểu Di ghi)