Chị được xem là nữ nghệ sĩ với bề dày kinh nghiệm diễn xuất và thời gian ca hát nhưng vẫn giữ được phong độ diễn xuất cùng lòng yêu nghề.
NSND Lệ Thủy
Với sân khấu truyền hình HTV, từ hàng chục năm trước, đôi bạn diễn ăn ý Minh Phụng – Lệ Thủy đã có nhóm văn nghệ mang tên mình, với những vở tuồng được khán giả yêu thích được trình chiếu phục vụ đông đảo khán giả. Suốt mấy thập niên sau năm 1975, những vở tuồng làm nên tên tuổi của NSND Lệ Thủy như: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa… đã được HTV thu hình và phát sóng nhiều lần để đáp ứng sự yêu cầu của khán giả.
Là gương mặt thân quen trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc từ số đầu tiên, NSND Lệ Thủy còn luôn là khách mời tham gia biểu diễn cùng các thí sinh trong chương trình Giọt nắng phù sa, Chuông vàng vọng cổ... Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng giọng ca chuông ngân kim pha thổ cùng nét diễn hồn nhiên, chân phương mà lắng đọng lòng người vẫn còn đó nét thanh xuân.
Tại Giải thưởng Truyền hình HTV 2013, NSND Lệ Thủy đoạt giải nữ nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất. “Được giải thưởng của HTV, dĩ nhiên là tôi vui rồi, dù trước đó tôi không ngờ là mình lại có tên trong giải thưởng này vì đã quá tuổi… Tôi cám ơn HTV đã đề cử và khán giả đã bình chọn cho mình. Phần tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng HTV, đem tiếng hát của mình đến với đông đảo khán giả ở khắp nơi” – NSND Lệ Thủy phấn khởi nhớ lại.
Tại Giải thưởng Truyền hình HTV 2013, NSND Lệ Thủy đoạt giải nữ nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất
Là một ngôi sao cải lương, chị nghĩ gì về số phận cay nghiệt mà các thầy tuồng đã giao cho chị - một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh ở cuộc sống đời thường lại phải khóc cho chính mình trên sân khấu?
Ngược lại, điều đó may mắn đối với tôi quá. Nghệ sĩ có được cái diễm phúc là tái tạo niềm vui hoặc nỗi buồn nhiều lần, hôm nay đóng vai buồn, ngày mai tôi lại được giao vai vui. Chuyện khóc cười với thế gian vốn là yếu tố hỉ, nộ, ái ố được xem là bài học đầu tiên của nghề sân khấu. Đúng là tôi đã khóc cho mình rất nhiều trên sàn diễn, cuộc đời tôi chịu nhiều bất hạnh như các nhân vật của tôi nhưng tôi lại rất diễm phúc là được trải nghiệm mình qua những số phận đáng thương để biết quý trọng tình cảm trong cuộc sống. Nếu được sống bền bỉ với sân khấu dẫu cho đời sống có cơ cực đến mấy, tôi cũng an phận và tin rằng ở kiếp sau mình cũng sẽ là nghệ sĩ.
Được khán giả tặng cho chị nhiều biệt danh “Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng võ hiệp...”, chị có cảm thấy hãnh diện?
Tôi biết ơn tất cả, nhưng mãi mãi vẫn chưa hài lòng về mình. Thật ra, tôi thấy mình làm rất ít mà lại được thưởng rất nhiều. Chính vì luôn mang tâm trạng mắc nợ mà tôi thích được lao mình vào khám phá để thấy mình còn trẻ.
NSND Lệ Thủy với nhiều biệt danh
Nhìn sự trưởng thành của thế hệ diễn viên trẻ đang tiếp nối sự nghiệp cải lương trên cả nước, chị có thấy được sự thuận lợi và bất lợi khi họ làm nghệ thuật trong cơ chế thị trường?
Theo tôi được biết, tính đến nay đã nhiều năm sân khấu được đặt mình trong phương thức xã hội hóa. Nhiều đơn vị tư nhân đã ra sức tạo dựng những bệ phóng để các thế hệ trẻ ở kịch nói và cải lương phát huy tài năng. Mặt thuận lợi vì thế đã rõ, còn bất lợi là khi doanh thu được đặt lên trên, người ta thường do dự việc nghiên cứu, tìm tòi cái mới, cái lạ và thường đi sâu vào những tác phẩm kinh điển, mang tính văn học để góp phần nâng cao thẩm mĩ người xem. Về khâu đào tạo, theo tôi do thiếu truyền thống một thầy, một trò như ca nhạc vẫn làm nên tính cách của mỗi người chưa được rõ nét. Đâu đó vẫn xuất hiện những ngôi sao na ná giống nhau.
Chị nổi tiếng là người siêng học tập và chịu tìm tòi sáng tạo. Đó là cá tính hay chỉ đơn thuần để xóa đi quan niệm “Xướng ca vô lòai”?
Có ai đó nói sống trong hào quang, sự nổi tiếng thường khiến người ta đánh mất chính mình. Tôi nghĩ đúng như vậy, vì mình sẽ không còn là mình khi ánh hào quang đó tắt đi. Do vậy, tôi thích được là một kẻ du xuân đứng bên lê đường chờ đợi mùa xuân về. Cho dẫu đông, hạ, thu sang có cơ cực gấp mấy, tôi cũng không nản chí. Học với tôi còn là sở thích, từ cách lấy hơi của một diễn viên trẻ, từ một điệu tịch đẹp mắt của cô đào trẻ. Tôi học và lớn lên bên cánh gà nhiều hơn.
NSND Lệ Thủy với bề dày kinh nghiệm diễn xuất và thời gian ca hát nhưng vẫn giữ được phong độ diễn xuất cùng lòng yêu nghề
Ca sĩ Dương Đình Trí đã theo nghề của chị, nói một cách nào đó khán giả nhận thấy hai thế hệ đang đi trên một con đường?
Từ xưa đến nay, trong giới sân khấu vẫn tiếp nối truyền thống cha truyền con nối. Thực tế cho thấy có rất nhiều đại gia đình xây dựng sự nghiệp từ đời này sang đời khác như: Phước Cương – Bảy Nam – Kim Cương; Thành Tôn – Thành Lộc; Năm Nghĩa – Thanh Nga – Bảo Quốc; Hữu Thìn – Hữu Châu – Hữu Lộc; Bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng – Quế Trân...
Thế nhưng, ngày nay xu hướng đi ngược lại con đường sân khấu của cha mẹ đã xuất hiện trong các gia đình nghệ sĩ cải lương. Hiện tượng rẽ lối sang ca nhạc của Dương Đình Trí là sự ngẫu nhiên, vì tôi không thích ép con mình chọn nghề. Trí đã tốt nghiệp ngành kiểm toán tại Úc, đi hát là niềm đam mê. Nghề ca sĩ được xem là nghề thời trang, dễ tạo được sự chú ý nếu được đầu tư lăng xê theo công nghệ: có chút ngoại hình, biết diễn xuất, được giới thiệu trên màn ảnh nhỏ, mạng xã hội... Tuy nhiên, để đủ duyên, đủ tài không chỉ là xuất hiện trên sân khấu mà phải rèn luyện. Tôi nghĩ Trí hiểu điều này và phấn đấu để xứng đáng tới tình thương của công chúng dành cho gia đình mình.
NSND Lệ Thủy và con trai - ca sĩ Dương Đình Trí
Chị nói gì về món quà con trai dành tặng cho mình để kỷ niệm 60 năm ca hát?
Đó là việc Dương Đình Trí đưa ra sáng kiến thực hiện cho mẹ Hồi ký 60 năm ca hát với hình thức kể chuyện “Live” (trực tiếp) với nhân vật chính thay vì viết sách. Chính tôi sẽ kể lại một cách chi tiết về tuổi thơ cơ cực, con đường đến với ca hát, những vinh quang và thăng trầm với nghề. Cạnh đó là cuộc sống gia đình, những hoạt động từ thiện, câu chuyện hậu trường mà chưa bao giờ bật mí trên các phương tiện truyền thông.
Để chuẩn bị cho chương trình thu hình, hơn một năm qua, Trí kỳ công thu thập, chuẩn bị rất nhiều tài liệu về quá trình làm nghệ thuật của mẹ. Hình ảnh, báo chí (trước và sau 1975), băng dĩa các loại từ những đĩa nhựa (78 vòng, 45 vòng, 35 vòng) đến những cuộn băng cát-sét, băng video, DVD, CD và rất nhiều tư liệu quý giá mà Trí đã lưu giữ từ thuở nhỏ đến giờ đều được tập hợp đầy đủ.
Xin cám ơn NSND Lệ Thủy về cuộc trò chuyện thú vị này!
Hiệp Thành