Điện ảnh thế giới

Những nguyên tắc “kỳ quái” trong phim kinh dị

Hẳn bạn thắc mắc, phim kinh dị có nhiều điểm trùng lặp như vậy sao vẫn ăn khách, vẫn thu được số tiền khổng lồ từ chính... chúng ta? Thực chất, sự trùng lặp xảy ra khắp nơi, trong mọi ngành nghề, cả với nghệ thuật, và miễn khán giả còn chấp nhận nó, còn hưởng ứng nó, thì không lý do gì các nhà làm phim không tiếp tục sử dụng nó.

Nhưng, thú thật đi, người xem chẳng mấy khi phát hiện nhiều nhân vật phim kinh dị thích đi xe cũ, để cùng kiểu tóc hay đeo mặt nạ thế nào. Do đó, thắc mắc: “Vì sao đạo diễn chọn làm điều đó?” cũng hiếm được đặt ra để nhận lấy câu trả lời thỏa đáng.


Cảnh trong phim "Get out"

Quái vật, ma quỷ, kẻ xấu, ác cảm với 3 nghề nhất định

Nếu bạn không muốn đụng độ quái vật, xin đừng chọn làm nhiếp ảnh gia/truyền thông, nhà văn hay chuyên viên chăm sóc y tế tại gia. Đúng thế, nếu có ngày hội tư vấn hướng nghiệp dành cho quái vật, chúng nhất định chăm chăm lao vào các gian hàng kể trên.
Gian truyền thông/nhiếp ảnh gia hẳn sẽ khoe khoang về nhân vật chính trong Get out (Trốn thoát), rằng Chris không những bảo toàn mạng sống, chiến thắng huy hoàng mà còn trở thành biểu tượng, truyền tải đủ mọi thông điệp cao cả. Nhưng sự thật phũ phàng là trong các bộ phim khác, nhân vật theo đuổi công việc này thường được phát hiện khi đã tử vong, trong tình trạng chẳng ưa mắt mấy. Nào The Blair witch project (Dự án phù thủy rừng Blair), Paranormal activity 3 (Hiện tượng siêu nhiên 3), Diary of the dead (Nhật ký tử thần). Nào Grave encounters (Đối đầu quỷ dữ), The visit (9 rưỡi tối), Shutter (Cửa trập). Nào Willow creek (Quái vật chân to), The sacrame (Bí tích)... đâu đâu cũng thấy nhân vật mang khư khư chiếc máy ảnh, máy quay, lia qua mọi thứ để bắt lấy những hình ảnh làm khán giả khiếp vía. Không trực tiếp ôm thiết bị thì cũng làm nhà báo, như nhân vật chính trong The ring (Vòng tròn oan nghiệt), loay hoay với đống băng video cũ kỹ, hay hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, như ở các phim Pontypool (Im hoặc chết), The fog (Sương mù), Lords of Salem (Chúa tể Salem)... Tóm lại, cứ cái gì dính líu đến nghe nhìn thì ta nên tránh tất.

Chừng mực nào đó, gian hàng thứ nhất có liên quan đến gian hàng thứ hai, bởi các nhà văn trong phim kinh dị rất thích máy móc vào lĩnh vực báo chí, điển hình là trường hợp của Sinister (Điềm gở) và Twixt (Tiểu thuyết ma cà rồng). Họ hoặc tham gia viết bài, hoặc thu thập hằng hà sa số tư liệu báo chí từ cổ chí kim nhằm lật lại một bí mật tai ác phải chi đừng lật lên. Ngoài ra, theo nhiều nhà biên kịch kỳ cựu thống kê, nếu bộ phim giới thiệu nhân vật chính là một nhà văn, bạn chắc đang mắc kẹt giữa một trong hàng ngàn tác phẩm chuyên “vùi dập” nhà văn của đại tác gia Stephen King. Nhớ The shinning (Ngôi nhà ma) chứ?


Cảnh trong phim "Sinister"

Cuối cùng, khi ta nói “chuyên viên chăm sóc y tế tại gia”, tức hầu hết mọi công việc yêu cầu nhân vật ngồi lì trong một căn nhà trống trải. Bạn có thể là cô trông trẻ, tư vấn viên, chăm sóc người cao tuổi như Friday the 13th (Thứ sáu ngày 13), Halloween, The Skeleton key (Chìa khóa xương người), House of the devil (Căn nhà ma quỷ) hay When a stranger calls (Cuộc gọi lúc nửa đêm)... Ngay cả khi bạn chỉ trông nhà giúp, bị buộc lưu lại qua đêm như với The Innkeepers (Khách sạn ma ám), The woman in black (Người phụ nữ áo đen)... thì cũng đừng mong được buông tha. 

Áp phích phim kinh dị thập niên 80, 90 giống hệt nhau


Áp phích thập niên 80

May là xu thế này không kéo dài đến ngày nay, nhưng vẫn rất đáng được nêu danh, bởi nó từng là một nguyên tắc kỳ quặc trong suốt thời hoàng kim của thể loại kinh dị. Nói nguyên tắc xem ra vẫn nhẹ, nỗi ám ảnh mới đúng. Nhà sản xuất phim kinh dị thập niên 80 cho rằng ma quỷ, kẻ xấu, quái vật cần được khắc họa bằng một khuôn mặt được in to át khung ảnh, với hiệu ứng bồng bềnh, uốn lượn như đám mây.

 

Áp phích thập niên 90

Thập niên 90 “thịnh hành” phong cách khác: một dàn nhân vật chính với vẻ căng thẳng, ngờ vực, hướng thẳng vào ống kính. Đặc sắc hơn, sáng tạo hơn thì khuôn mặt kẻ phản diện phải sừng sững sau đó, mờ mờ ảo ảo. 

Hiện nay, áp phích phim ảnh có khuynh hướng chọn in một hình ảnh đắt giá trong phim, nhờ đó, nội dung áp phích cũng đa dạng hơn, sát câu chuyện phim hơn, nhất là biểu cảm của diễn viên... đa dạng hơn.
Ô tô của nhân vật chính nhất định sẽ bị hươu/nai đâm
Trong phim kinh dị, có vài tình huống gây căng thẳng nhất định. Lái xe là một trong số đó. Nếu phân đoạn lái xe xuất hiện từ đầu phim, và ngồi trên xe có nhân vật chính, thì y như rằng, một con hươu, hoặc nai, chẳng biết từ đâu chạy bổ ra, đâm sầm vào xe rồi lăn đùng ra đất ngắc ngoải. Chuyện xảy ra rành rành trong Train to Busan (Chuyến tàu đến Busan), Get out, The voices (Sát nhân hoang tưởng), Cabin fever (Trạm dừng tử thần), A cure for wellness (Phương thuốc kỳ bí)...
Đôi khi hươu nai nhảy ra quyên sinh để ngăn nhân vật chính hát lải nhải. Đôi khi để cắt đứt câu chuyện vô thưởng vô phạt đang khiến người xem chán ngấy. Tuy nhiên, mục tiêu ẩn sau đó luôn là hù khán giả một phen, ra dấu hiệu cảnh báo nghiêm túc về điều gì đó hết sức kinh khủng sắp xảy đến. Hiếm bộ phim nào như Get out, sử dụng tình tiết này để dẫn dắt đến loạt diễn biến sau đó. Nói đến đây, nếu bạn cho rằng Get out không xứng đáng đoạt Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc nhất năm qua, hãy nghĩ lại đi nhé.
Tất nhiên, hươu/nai chỉ chiếm số đông. Thực chất, để chứng minh mình không đến nỗi rập khuôn, nhà sản xuất cho cả chó, sói, chim chóc... thực hiện nhiệm vụ cảm tử, như trong The monster (Quái vật), The invitation (Lời mời). Thậm chí, với Freeway of scarabs (Cao Tốc Scarabs) của Clive Barker hay Curse (Lời nguyền) của Pharoad, đạo diễn triệu hẳn Thần cai quản cõi chết Ai Cập cổ đại, Anubis, về chỉ để húc vào xe.
Liệt kê cho vui, nhưng chẳng phải những nguyên tắc trên vẫn làm nên một bộ phim kinh dị tuyệt vời? Những thi thể biến dạng, khuôn mặt lộ vẻ hãi hùng nằm cô độc giữa rừng vắng. Những con quái vật, ma quỷ với ngoại hình na ná nhau, hiện ra trong bối cảnh na ná nhau. Dù điều gì đe dọa nhân vật, giết hại họ, rồi bị họ trừ khử, cũng tạo nên những thước phim kịch tính, đáp ứng đủ kỳ vọng của mỗi khán giả khi đến rạp.
Việt Hằng