KHOẢNH KHẮC CUỘC ĐỜI

Những người thầy đứng lớp không cần giáo án

Họ cho rằng, cuộc sống mới chính là giáo án tốt nhất cho học trò và mình chỉ là người giúp các em mở ra trang sách cuộc đời.

Nhà giáo Đỗ Đức Anh, người truyền cảm hứng học văn cho nhiều thế hệ học trò

Nhà giáo Đỗ Đức Anh: Có bài tập phải dành cả cuộc đời để giải

“Bài tập về nhà số 1: ‘Hãy để ai đó trong gia đình ôm em nếu kết quả năm học vừa rồi chưa được như ý’;

Bài tập về nhà số 6: ‘Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc’…

Hãy cứ thong thả, đừng vội nộp bài. Bởi thầy biết, có những bài tập mà em phải mất cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời mới có thể làm xong”. 

Bài tập về nhà của thầy Đỗ Đức Anh gửi đến học sinh khi năm học 2018-2019 vừa qua không chỉ làm thổn thức trái tim các cô cậu học trò lớp 10A9 do thầy chủ nhiệm, mà còn là bài tập của các bậc phụ huynh, trở thành mối quan tâm của cộng đồng mạng qua hàng trăm ngàn lượt like. Bài tập về nhà đã trở thành bài học về cách làm người, bài học đi vào cuộc sống.

Phương pháp giải bài tập thầy đã truyền thụ cho các em thông qua những tiết học văn đặc biệt. Ở đó, trên bục giảng, giáo viên là người đa tài, đa nghệ. Thầy tự viết kịch bản, tự đạo diễn cho buổi học, tự thân nhập vai một nhà hùng biện và những diễn viên bi, hài. Học về Tấm Cám thì có talkshow “Đàn bà xấu thì không có quà”, học Mỵ Châu – Trọng Thủy thì có “phiên tòa lịch sử” để học sinh nhập vai nhân vật, luật sư, thẩm phán... nêu lên suy nghĩ và chính kiến của mình. Giáo án không còn là những con chữ trên giấy, mà chính là thực tiễn sinh động, bắt mắt có khả năng chạm đến tâm hồn tuổi trẻ.

Kỹ năng 4.0 cũng góp phần không nhỏ vào sự sinh động của lớp học. Từ những slide powerpoint được sử dụng thành thạo, đến những thước phim 3D tự quay, tự dựng trong khi thực hiện các dự án khiến cho thầy và trò trở thành “đồng nghiệp”. Học sinh, qua quá trình tự tìm tòi nghiên cứu đã trở thành người thầy của chính mình.

“Học văn từ cuộc sống” hay học làm người từ cuộc sống, là một trong những dự án lớn của thầy Đức Anh thu hút  rất nhiều sự quan tâm từ học sinh, phụ huynh và xã hội. “Cuộc sống mới chính là một tác phẩm vĩ đại đáng để chúng ta phân tích”. Theo đó, thầy phát động dự án chủ đề “Có thư trên bệ cửa” được hàng trăm học sinh tham gia. Mỗi học sinh sẽ viết và gửi lá thư của mình đến những người lao động vất vả qua khung cửa sổ nơi họ ở, trao cho họ nguồn động viên từ sự quan tâm và cảm nhận những giá trị mà mình tạo ra cho xã hội. 50 bức thư hay nhất trong số đó đã được in thành sách và tiêu thụ trên 2000 bản.

Những chuyến du lịch luôn trở thành nguồn cảm hứng cho những tiết “Học văn từ cuộc sống”.

Đã có bài tập về nhà, đã có phương pháp và kỹ năng, nhưng kết quả như thế nào thì do chính mỗi học sinh tạo ra, giống như tự thân mỗi người sẽ viết nên trang sách cuộc đời mình. Đã từng là một nhà văn trước khi đến với sự nghiệp giáo dục, thầy Đức Anh chỉ nhận mình là người dẫn đường đặc biệt trên một đoạn hành trình cuộc sống để giúp các em trở thành những con người đặc biệt. Và học trò của thầy đã hứa: “Dù thế nào thì sau này em cũng sẽ tìm thầy để nộp bài đấy nhé”.

Thầy Huỳnh Việt Khải và tiết học dạy làm người

Cũng như nhà giáo Đức Anh, thầy Huỳnh Việt Khải dạy học sinh của mình không theo một giáo trình, giáo án cụ thể nào. Lớp học 45 em, toàn những hoàn cảnh không may mắn nên vô cùng quý cơ hội được học tập của mình. Thầy dạy các em toán và tiếng Việt theo sức cảm thụ của mỗi người và đặc biệt còn có những tiết dạy “nhân cách sống”, là những bài chia sẻ “làm thế nào để làm người tốt” do chính anh rút ra từ thực tế hoạt động xã hội của mình.

Thầy Huỳnh Việt Khải với nghề chính là hướng dẫn viên du lịch

Anh làm nghề hướng dẫn viên du lịch, nay đây mai đó đã là chuyện dễ hiểu, làm gì có thời gian cho việc dạy dỗ. Vậy mà, khoảnh khắc gặp lại người học trò cũ đi bán vé số trong buổi chiều muộn, khi cậu năn nỉ anh về lại với lớp học để cậu có thể được học thêm, anh đã quyết định mở lớp học Ngọc Việt của riêng anh với học phí 0 đồng.

Lớp học Ngọc Việt được các nhà hảo tâm tài trợ để các em có môi trường học tốt đẹp

Tiền thân của Ngọc Việt là lớp học tình thương của tổ dân phố, mở ra khi anh hãy còn là đoàn viên tham gia đứng lớp cùng các bạn của mình. Đến nay, lớp học trò ấy đã lớn, có người làm chủ, có người yên bề gia thất, nhưng trong lòng họ vẫn luôn hướng về thăm hỏi người thầy của trường đời, người chưa hề qua một lớp đào tạo sư phạm chuyên nghiệp nào nhưng luôn tràn đầy tình yêu thương dành cho họ. 

“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Những người thầy ấy, đến với giáo dục vì cái duyên, cũng vì tình yêu bất tận luôn chảy trong tim, tình yêu đối với con người và cuộc sống.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi