Không chỉ nổi tiếng nhờ được xây dựng lâu đời, bày trí đẹp với những bức hoành phi, câu đối… sơn son thiếp vàng rực rỡ, đình Phong Phú còn nổi tiếng vì đây là một cái nôi cách mạng.
Cổng đình Phong Phú
Đình Phong Phú là một ngôi đình cổ, được xây dựng vào thời nhà Nguyễn thế kỷ XIX, thờ Thành Hoàng làng Phong Phú thuộc tổng An Thủy, huyện Ngãi An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định, và đến năm 1955, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Chính phủ Việt Nam cộng hòa đổi tên huyện Ngãi An thành quận Thủ Đức. Sau ngày 30/4/1975, quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định chia tách huyện Thủ Đức thành 3 quận, là quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Từ đó đến nay, Đình Phong Phú nằm trên địa bàn phường Tăng Nhơn Phú thuộc địa bàn Quận 9.
Đình Phong Phú tọa lạc trên vị trí khá cao ráo và rộng rãi, nhiều cây cối thâm u, cảnh quan trang nhã tạo được không khí linh thiêng. Chung quanh có tường rào bao bọc với hai lớp cổng ra vào. Một bình phong “ông hổ” trấn ngay ở lối vào chính, ngăn đuổi tà ma xâm phạm. Tiếp theo là bàn thờ thần nông, cũng như nhiều đình Nam bộ, bàn thờ thần nông không có mái che và cũng không có cốt tượng.
Vào lớp cổng thứ hai là tượng bạch mã cao khoảng 2,5m, dáng mạo phương phi hùng dũng. Từ đây có hai lối đi men theo tường và lát gạch. Dọc lối đi là những am thờ Ngũ Hành nương nương, Thổ Địa, Thần Tài, thờ Bà Chúa khai sanh…
Bạch Mã trấn cổng đình
Về mặt kiến trúc, phần chính điện của đình Phong Phú được xây cất theo kiểu nhà tứ tượng, tức mái đình tựa vững trên bốn cột trụ chính, mái hình bánh ít. Từ bốn trụ chính đó, các mái phụ của đình được tiếp tục mở rộng bằng hệ thống cột trụ. Đây là kiểu kiến trúc quen thuộc và xuất hiện khá sớm ở vùng đất Nam bộ.
Cột đình được làm bằng những thân gỗ lim to hàng người ôm, trải qua bao biến cố đến nay bốn trụ chính của đình vẫn còn khá vững chắc. Bên trong đình tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Các họa tiết trang trí vẫn là những đề tài quen thuộc ở các đình miền Nam như: long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa rồng… được chạm khắc tinh vi.
Đối diện phía trước chánh điện là một võ ca khá rộng rãi. Đây là nơi hằng năm vào các dịp lễ cúng đình, các đoàn hát đến biển diễn cho thần và dân làng xem.
Mặt tiền đình Phong Phú
Đặc biệt, đình Phong Phú là đình duy nhất thờ tượng thần Thành Hoàng trong khi các đình khác ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ thờ bài vị. Tượng thần đặt giữa Long đình trong khám cao 2,5m, bệ tượng cao 1m. Chung quanh khám thờ được trang trí bằng những bao lam gỗ chạm lộng rất đẹp. Hai bên bàn thờ Thần là bàn thờ Tả ban, Hữu ban, là những tướng sĩ đi theo hộ vệ thần. Lui về phía sau sát vách tường, hai bên có bàn thờ Tiên hiền và Hậu hiền, là những người có công khai lập và đóng góp công sức cho làng Phong Phú.
Theo sách Gia Định xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh, đình Phong Phú vốn thờ ông Đỗ Thành Nhân làm Thành hoàng làng. Ông là một vị tướng tài ba của Nguyễn Ánh trong những năm bôn tẩu đã có thời gian hoạt động ở vùng Phong Phú và các làng trên đất quận 9 ngày nay. Về sau, nghi ngờ Đỗ Thành Nhân làm phản, vua Gia Long đã giết hại ông.
Sắc phong cho Thành hoàng đình Phong Phú
Còn theo một số cụ già ở Phong Phú, thì đình làng thờ một vị tướng của Tây Sơn có tên là Nguyễn Hóa làm Thành hoàng. Rất tiếc, qua bao cuộc thăng trầm, các sắc phong của đình đã bị thất lạc, tiêu hủy, nay chỉ còn bài vị ghi mấy chữ quen thuộc như nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ là “Thành hoàng bổn cảnh”, và một chữ “thần” to ở phận hậu cung là nơi thờ chính của đình.
Đình Phong Phú không chỉ là nơi thờ cúng thần của làng, mà qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình đã trở thành một căn cứ cách mạng. Việc lấy đình làm điểm tựa, làm nơi tập hợp quần chúng để đấu tranh với kẻ thù, đặc biệt trong đình có hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là cơ sở cách mạng thời chống Mỹ đã nói lên tấm lòng yêu nước của người dân luôn hướng về cách mạng.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Phong Phú trở thành nơi luyện tập của lực lượng thanh niên vũ trang của địa phương. Từ tổ chức thanh niên vũ trang, sau chuyển sang thành bộ đội địa phương trực thuộc đại đội 15 do đồng chí Thái Văn Lung chỉ huy.
Hoành phi "Hộ quốc tý dân" (Bảo vệ đất nước, che chở nhân dân)
Dân làng và hội đình đã góp lương, góp tiền nuôi bộ đội và mua vũ khí trang bị cho đơn vị. Trận đầu tiên, xuất phát tại sân đình, bộ đội đã tiêu diệt gọn một đồn Nhật ở Thủ Đức, thu 5 súng trường.
Cũng từ đình Phong Phú năm 1946, chi đội 6 của đại đội 15 đã tiêu diệt tên ác ôn chỉ huy lính Phá “Ách râu” và đánh bị thương bọn lính lê dương ở bót Dây Thép. Giặc Pháp đã hèn hạ trả thù, sát hại 44 người dân làng vô tội trước cổng đình Phong Phú trong chưa đầy một ngày sau đó. Năm 1948, dân làng Phong Phú đã tiêu thổ đình ủng hộ kháng chiến.
(còn tiếp)
Văn Nguyễn