Mặc dù chưa một lần được gặp Bác nhưng với tấm lòng tôn kính dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, qua những tư liệu quý giá, nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang đã thực hiện bộ sưu tập tranh điêu khắc trên đá về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người.
Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang bên bức tranh khắc bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp phổ thông với nhiều thành tích xuất sắc, chàng thanh niên 17 tuổi Triệu Hoàng Giang vinh dự được Nhà nước cử sang Bungari học ngành cơ khí chế tạo máy. Vốn có năng khiếu hội họa từ thuở nhỏ nên những tháng năm học tại Bungari những bức tranh điêu khắc đá trong các bảo tàng nơi đây đã làm ông bị mê hoặc. Vì thế, ngoài thời gian học, ông đã đi khắp Bungari và nhiều nước châu Âu để chiêm ngưỡng và tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc châu Âu.
Ông tâm sự: “Hết thời gian đào tạo nghề ở nước ngoài tôi về nước, sau đó được cho đi Bungari làm phiên dịch, có thời gian rảnh là tôi tìm đến nhà điêu khắc đá học nghề. Trong viện bảo tàng bên đó cũng có nhiều tranh ảnh về Bác Hồ, nên trong đầu tôi mới nghĩ về nước sẽ làm tác phẩm về Bác. Vì vậy, sau khi về nước để an sinh lập nghiệp, tôi đã bàn với vợ mình và bắt đầu làm tác phẩm về Bác từ năm 1994”. Cũng từ đó, nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang bắt đầu hành trình của riêng mình - hành trình thể hiện tình cảm, tấm lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng việc miệt mài làm “điêu khắc chân dung Bác Hồ trên đá” với đôi tay khéo léo, với khối óc sáng tạo và quan trọng hơn hết là ông luôn chất chứa trong trái tim mình tình yêu thiêng liêng dành cho Bác Hồ.
Tác phẩm “Chống gậy lên non xem trận địa”
Tác phẩm đầu tiên nghệ nhân Triệu Hoàng Giang điêu khắc chân dung Bác hồ trên đá là hình ảnh Bác Hồ quan sát trận địa Ðông Khê - Cao Bằng năm 1950 với thời gian thực hiện sau hơn nửa năm. Ông chia sẻ: “Nói về Bác Hồ có rất nhiều hình ảnh, Bác đặc biệt quan tâm đến lực lượng vũ trang, vì thế tôi chọn Bác Hồ quan sát trận địa năm 1950 ở Cao Bằng để làm tác phẩm đầu tiên. Trong quá trình thực hiện bức tranh điêu khắc tôi không nghĩ nó sẽ đẹp như vậy, nên khi làm xong tôi rất vui. Chính tình yêu nghề, tình yêu Bác đã giúp tôi vượt qua khả năng mình đang có”.
Tác phẩm đầu tiên thành công không chỉ là động lực mà còn trở thành niềm tin, thôi thúc ông ngày càng mãnh liệt, vững bước trên hành trình thực hiện hoài bão của riêng mình. Kể từ sau đó, ông tiếp tục cho ra đời hàng loạt những tác phẩm với các chủ đề như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Ðảng quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Bác Hồ tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3, Bác Hồ căn dặn các chiến sĩ trước Ðền Hùng, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Nguyễn Tất Thành tại Ðại hội Ðảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Hồn nước… Trong số các tác phẩm đã hoàn thành, đa số có kích thước 30x40cm, một số bức lớn hơn. Bức lớn nhất là tác phẩm Chống gậy lên non xem trận địa có kích thước 100x120cm, khắc không gian 3 chiều, nét khắc khá thoáng, mô phỏng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950.
Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang bên những bức tranh quý
Sinh thời, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng viết lời khen ngợi: “Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang với bàn tay điêu luyện và đức tính cần cù, đã khắc nên những bức tranh bằng đá về cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi xem rất cảm động, cảm phục và tôi có lời khen ngợi nghệ nhân”. Và Ðại tướng cũng từng nói với ông rằng: “Ðã có bức đầu tiên thì phải có bức cuối cùng”, ông chọn bức cuối cùng là nhà sàn, nhưng Ðại tướng nói không phải là nhà sàn mà phải là Di chúc của Bác. Ðây quả thực là thách thức lớn đối với ông bởi làm thế nào mà đục trên đá cho giống với chữ của Bác Hồ. Nhưng với tình yêu dành cho Bác vẫn mãi tuôn trào đã thúc giục nghệ nhân Triệu Hoàng Giang tiếp tục thực hiện.
Mất 19 tháng, tác phẩm Bút tích bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác Hồ của ông đã thành công. Tác phẩm được khắc họa không sai sót hay thiếu hụt dù chỉ một nét gạch xóa, đây cũng chính là một tuyệt tác trong những sáng tác nghệ thuật của ông từ trước đến nay. Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang kể: “Trong bút tích bản thảo Di chúc có 7 bản, đây là bản cuối cùng. Khi chạm tay đến câu “không còn biết sống bao lâu nữa”, tôi đã rung động. Tôi ngẫm nghĩ Bác Hồ đang ở bên cạnh mình, thời khắc đó thiêng liêng lắm. Mỗi tác phẩm tôi làm đều có sự thăng hoa nhất định. Nhưng riêng với bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác Hồ, tôi hoàn toàn làm trong trạng thái thiền tâm”. Có lẽ vì thế, nhiều lãnh đạo Ðảng, Nhà nước khi xem tác phẩm của ông đều phải thốt lên rằng: “Tranh như có bàn tay Bác Hồ chỉ dẫn”.
Tác phẩm “Bút tích bản Di chúc cuối cùng của Bác Hồ”
Gần 25 năm gắn bó với nghề điêu khắc, đến nay nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang đã có hơn 30 bộ tranh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Ông vẫn đang ấp ủ thực hiện Bộ sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đá. Dù biết rằng, dự định ấy rất khó để thực hiện khi điều kiện sức khỏe không cho phép nhưng ông vẫn có một niềm tin mãnh liệt - những việc làm xuất phát từ một tình cảm chân thành, từ một tình yêu trong sâu thẳm trái tim rồi sẽ chạm đến trái tim của nhiều người, nhiều thế hệ.
Những tác phẩm điêu khắc trên đá về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi trường tồn theo dòng chảy thời gian. Xin chúc cho ước mong của ông sớm thành hiện thực.
Thùy Trang