Nhà báo Minh Tuyền: Viết về phim ảnh không khó như khi tham gia diễn xuất

Hơn 30 năm theo nghề, 30 tờ báo lớn nhỏ, nhà báo Minh Tuyền cho rằng, viết về mảng phim ảnh không khó như khi cô tham gia diễn xuất trong các tác phẩm truyền hình. Chính trải nghiệm đó mang lại cho cô những kỷ niệm khó quên với nghề.


Nhà báo Minh Tuyền là một trong số ít nhà báo mảng giải trí thế hệ trước còn "bền bỉ" theo nghề

Người ta thường nói làm báo giải trí là bước tiệm cận với nghệ thuật, không ít người làm báo giải trí đi đóng phim, làm ca sĩ, vậy với cô Minh Tuyền thì sao? 

Viết về mảng phim ảnh, với tôi không xa lạ, có thể nói là nằm trong sở trường, chuyên môn của mình nhưng đóng phim mới là… lạ, và nhiều khó khăn hơn. Hồi đó, tôi có tham gia hai phim cho vui theo lời mời ngẫu hứng của đạo diễn. Đó là Bão rừng (đạo diễn Trần Ngọc Phong) và Mùa sen (đạo diễn Võ Tấn Bình) phát trên HTV. Ngộ cái là hai phim này đều có diễn viên Thanh Thúy (vợ diễn viên - đạo diễn, NSƯT Đức Thịnh).

Mỗi phim đều mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm, đặc biệt với một người làm báo chưa từng học qua diễn xuất như mình thì đóng phim khó khăn, dễ bị gượng gạo và chưa quen với ống kính. Tuy nhiên, tập dần lại thành quen, nó cũng là một trải nghiệm quý giá của tôi.

Với hai tác phẩm truyền hình từng góp mặt, đặc biệt là "Mùa sen" được phát sóng trên HTV, cô thể hiện những vai diễn nào? Kỷ niệm lần đầu chạm ngõ nghệ thuật của cô có gì thú vị?

Trong Bão rừng, tôi vào vai của chính mình - Trưởng ban của một tờ báo. Vai diễn đầu đời này đã để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Phân cảnh tôi từ trên lầu bước xuống, tình cờ gặp Thanh Thúy và nhận đơn của cô ấy, quay tại hãng phim Giải Phóng. Lúc đó, vừa bước xuống được vài bậc thang thì một gót giày của tôi đột nhiên bị gãy, vẹo qua một bên. Liếc xung quanh, bao nhiêu cặp mắt đang tập trung nhìn mình, máy quay đang chỉa vào mình, nếu ngưng thì phải làm lại từ đầu, mất thời gian và công sức của cả một tập thể. Thế là tôi cắn răng nâng nhẹ gót chân và cố gắng bước xuống bậc thềm, diễn tiếp như chưa hề có chuyện gì. Xong, tôi toát mồ hôi hột và thấy thương các anh chị em diễn viên quá, có lẽ họ còn gặp nhiều sự cố hơn tôi!


Làm báo mảng giải trí giúp cô bén duyên với nghệ thuật qua phim ảnh

Ở phim Mùa sen phát sóng trên HTV, tôi vào vai bà bác sĩ trưởng phòng nhân sự khó tính của một bệnh viện, cáu kỉnh, xét nét khi tiếp nhận đơn xin việc của Bàng (do Công Dũng đóng). Tôi phải làm mặt đăm đăm, miệng làu bàu, mà trong bụng thì mắc cười lắm!

Còn nói làm ca sĩ thì không dám rồi, chỉ là hát cho vui vì tôi thích hát từ nhỏ. Hồi trước, anh em trong tòa soạn hay rủ nhau đi karaoke, có cả nhiếp ảnh Thái Nhàn và NTK Việt Hùng nữa. Tôi hay hát bài Hoài cảm (sáng tác: Cung Tiến) nên NTK Việt Hùng hay gọi chọc tôi là chị “cảm hoài”.

Ngoài những vai diễn trên phim truyền hình, cô còn tham gia đóng MV cho một số ca sĩ. Đã bao giờ cô có suy nghĩ mình sẽ tham gia sâu hay lấn sân hẳn vào nghệ thuật hay chưa?

Đúng là tôi có tham gia diễn minh họa cho hai MV: Tiếng võng buồn (ca sĩ Thái Ngọc Thanh - đạo diễn Hồ Ngọc Xum) và Giấc mộng trầu xanh (ca sĩ Lưu Thiên Ân - đạo diễn Chu Thiện). Đơn giản chỉ vì lời mời của nhà báo Lữ Đắc Long (chủ nhiệm MV Tiếng võng buồn) và nhiếp ảnh gia Thái Nhàn (nhà sản xuất MV Giấc mộng trầu xanh) - đều là những người quen thân thiết mà tôi khó từ chối. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ tham gia sâu hay lấn sân hẳn vào nghệ thuật vì đó không phải là sở trường của tôi.


Cảnh trong MV Giấc mộng trầu xanh

Trong làng báo giải trí, cô là số ít nhà báo thế hệ trước vẫn “bám trụ” với nghề. Điều gì khiến cô bền bỉ với công việc viết lách như vậy, trong khi nhiều đồng nghiệp cùng thời đã nghỉ hưu?

Nói yêu nghề thì có vẻ hơi muộn màng vì ngày đó, tôi vào nghề báo ở tuổi không còn trẻ, đã hơn 30. Định mệnh đã đưa tôi đi hơi… xa, bởi lẽ ngày xưa, tôi yêu nghề sư phạm, nhưng lại vào đại học Luật theo ý ba tôi. Rồi sau khi lập gia đình và có con, cuộc đời lại đưa đẩy tôi đến với nghề viết. Có thể nói, người dẫn tôi vào nghề chính là ông xã bởi anh vào nghề báo trước tôi.

Ban đầu tôi chỉ viết truyện ngắn cho phụ san của báo Phụ Nữ Việt Nam, và dịch bài từ báo chí nước ngoài. Đến khi cộng tác với Thanh Niên tuần san, lúc đó nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là trưởng Ban biên tập, anh khuyến khích tôi viết bài phỏng vấn nghệ sĩ. Tôi đã thử thách chính mình bằng bàì phỏng vấn đầu tiên về NSND Phùng Há. Không ngờ bài ấy được một độc giả ở nước ngoài thích và tìm cách gửi hoa đến tòa soạn báo Thanh Niên tặng tôi. Khi nhận hoa, quả thực tôi bàng hoàng đến không ngờ. Và đó cũng là một trong những động lực giúp tôi tự tin thêm khi bước vào mảng báo giải trí.

Ở lĩnh vực này, tôi có cơ hội quen với nhiều nghệ sĩ, từ nhà sản xuất, đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, nhiếp ảnh, nhà thiết kế… Rồi chính môi trường đa sắc này đã lôi cuốn tôi vào con đường viết lách một cách chuyên nghiệp hơn với sự học hỏi, điều chỉnh chính mình và tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước. Và thế là, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, tôi yêu nghề báo lúc nào không biết.

Là một trong những thế hệ làm báo thế hệ trước, thời còn trẻ nghề báo của cô như thế nào khi chưa có phương tiện thông tin đại chúng như: Facebook, máy ảnh, máy tính phổ biến?

Thực sự mà nói, các nhà báo trẻ bây giờ sướng hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Với sự phát triển của Internet, facebook, máy ảnh, máy tính phổ biến, ngồi một chỗ, các em cũng có thể đọc được thông tin khắp nơi. Thậm chí có thể phỏng vấn qua mail, điện thoại, facebook… rất nhanh và tiện lợi.

Ngày xưa, muốn viết bài về ai, chúng tôi phải chịu khó lặn lội đi đến nơi, viết bằng tay chứ đâu có “gõ” bàn phím hay ghi âm được hoặc chỉ với một thông cáo báo chí mà có thể cho đăng hàng loạt như bây giờ.

Suốt hơn 30 năm làm nghề, từng cộng tác không dưới 30 tờ báo, tôi đã từng chạy xe đạp lọc cọc vào hang cùng ngõ hẻm, từ quận 3 qua Nhà Bè, từ quận 1 lên Củ Chi… để thực hiện bài viết của mình. Sau này, tôi nghiệm ra được một điều rằng, chính những vất vả đó đã trui rèn trong tôi tính chịu thương, chịu khó. 


Nhà Báo Minh Tuyền nhận bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch dành cho những người làm nghề trên 20 năm 

Làm việc với các bạn làm báo trẻ hơn, cô cảm thấy thế nào? Bản thân cô có choáng ngợp, hay áp lực với guồng quay của nền báo chí hiện đại, nơi mà người trẻ có thể liên tục liên tục với cường độ cao?

Thế hệ các em sau này quả thật thông minh và nhạy bén hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng theo đà phát triển của công nghệ thông tin, càng có nhiều trang báo điện tử, cổng thông tin, điều đó cũng đồng nghĩa với các em phải chịu sức cạnh tranh ngày càng lớn. Cho nên, chúng ta cần phải thận trọng hơn khi viết và không ngừng trau giồi nghề nghiệp.

Thời chúng tôi so với các em bây giờ đã khác xa rồi, ngay như tôi cũng cần phải tìm hiểu và học hỏi ở các em để có thể cập nhật những hiểu biết mới, thích ứng với nhịp tiến hóa của xã hội.

Cho đến hiện tại, điều gì cô tâm niệm nhất trong nghề?

Với quan niệm của tôi, trong bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì phải luôn làm nghề bằng cái tâm của mình. 

Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!

Tiểu Di