Nguyễn Huy Tâm và “Trái tim mang tên Việt Nam”

Nguyễn Huy Tâm sống ở nước ngoài, có việc làm với mức lương ổn định, nhìn bề ngoài thì đó là một cuộc sống lý tưởng mà ai cũng mơ ước. Nhưng đi rồi, Tâm mới biết không đâu bằng quê nhà, không đâu bằng hai chữ “Việt Nam”!


Anh Nguyễn Huy Tâm chia sẻ câu chuyện của mình

“Xách ba lô mà đi” - một câu nói mà nhiều người đã từng được nghe, đọc và được khuyên nhủ rất nhiều lần. Nó có thể là một con đường, một sự chạy trốn, một sự tò mò,... hay vì bất cứ một lý do gì để chúng ta đặt những bước chân đầu tiên ra ngoài thế giới. Câu chuyện của Nguyễn Huy Tâm, tác giả của quyển “Through Asia: A whisper from the East” (tạm dịch: “Qua châu Á, lời thì thầm từ phương Đông”) hiện đang nằm trong top bán chạy của Amazon (một công ty thương mại điện tử của Mỹ), sẽ cho người đọc lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi “Đi để làm gì?”.

Vì sao lại ra nước ngoài?

Tâm chia sẻ rằng, anh xem bản thân mình giống một cái lò xo vậy. Trong nhiều năm làm việc chăm chỉ, làm hết sức để giúp đỡ gia đình, bạn bè và cống hiến cho đất nước thì cái lò xo ấy từ từ nén lại. Đến một thời điểm nhất định, nó cần được giãn ra để giữ được độ đàn hồi - phong độ. Anh đã làm việc đó bằng cách “xách ba lô lên và đi”, qua chín mươi thành phố và bốn châu lục, từ châu Phi sang châu Á. 

Nhưng “đi” không đơn giản chỉ là để chơi, check-in mà là để học tập, khám phá. Các khoá học tại nước ngoài về những kĩ năng mà mình còn thiếu, gặp gỡ nhiều con người mới, nhiều nền văn hoá mới, tìm kiếm những cái hay, cái hiện đại của họ, là những mục tiêu anh tìm kiếm và chia sẻ những câu chuyện của mình đến với những ai chưa từng được trải nghiệm.

Những bài học từ những chuyến đi?

Ở một giai đoạn nào đó nhất định trong đời, mỗi người sẽ có những biến động về nội tâm và suy nghĩ có thể dẫn đến những bế tắc, khủng hoảng. Đối với Huy Tâm, thời điểm đó ở ngưỡng cửa của tuổi ba mươi. Dù bề ngoài công việc ổn định  nhưng anh vẫn hoài nghi Việt Nam không phải là nơi mà mình thuộc về. 

Anh xách va-li sang Mỹ bắt đầu một cuộc sống khác, tìm kiếm những câu trả lời cũng như “thử” làm mới bản thân mình. Mọi thứ xung quanh đều thay đổi, từ môi trường, việc làm đến bạn bè, tất cả đều hoàn toàn mới mẻ. Chịu nhiều rào cản về ngôn ngữ, văn hoá, kinh tế, sự khác biệt về khí hậu,... sau vài tháng sinh sống và làm việc, anh quyết định từ bỏ tất cả và đặt ngay một chuyến bay về Việt Nam chỉ trong vòng 3 phút. 

Vì sao? Bởi anh đã nhận ra một bài học vô cùng quan trọng rằng: “Đồng tiền kiếm ở đâu cũng vất vả cả, không có nơi đâu là “vùng đất hứa”, chỉ có nơi nào mình được hết sức cống hiến, ở bên gia đình, bạn bè thì mới thực sự là nhà!”. “Đi đâu thì đi, Việt Nam vẫn là đẹp nhất!”. 


Khoảnh khắc trên những chuyến đi

Đi như thế nào để có được hiệu quả tốt nhất?

Trong thế giới “phẳng” ngày nay, không có gì là không thể. Một chiếc vé xe, tàu, máy bay đi bất cứ đâu được giao dịch trong vòng vài phút, thậm chí là vài giây qua mạng internet. “Khoảng cách” thật sự chính là ở trong lòng của mỗi con người. Họ có dám bỏ đi lớp vỏ ốc, bước ra khỏi vùng an toàn để đến với thế giới ngoài kia? Nhưng, đi rồi, đừng để “bị lạc” để đến khi quay về không thu lại được gì. 

Theo kinh nghiệm của Tâm, trước hết hãy độc lập về tài chính, đi bằng chính đôi chân của mình. Thứ hai, hãy trau dồi vốn ngoại ngữ thật nhiều để dễ dàng giao tiếp và tìm ra những giá trị mới. Thứ ba, hãy tự hỏi bản thân “đi để làm gì?”, tìm và đặt ra một mục tiêu, một lý do chính đáng, biết được đích đến để chuyến đi ấy là thực sự có ích chứ không phải chỉ tốn thời gian. 

Hãy đi bằng “cái đầu” và bằng “con tim”. Cái đầu để nhìn, so sánh, sàng lọc những gì tinh tuý và tốt đẹp nhất. Con tim để trở về, để điểm tô cho quê hương những sắc màu mới trên những cung đường từng qua. Đừng quay lưng đi bởi Việt Nam còn nhiều khó khăn, thay vào đó hãy góp một chút sức mình để xây dựng.


Anh Tâm và Travel Blogger Nhị Đặng - người bạn đồng hành của anh

“Through Asia: A whisper from the East” 

Khi cuốn sách được xuất bản, chứa đựng trong đó là tiếng nói của một người Việt Nam trẻ tuổi đến mọi người trên thế giới về nét đẹp của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài tựa “Tôi là người Việt Nam” cộng thêm bìa sách với hình ảnh người đội nón lá nhìn về phía vịnh Hạ Long mang tính biểu trưng đặc sắc, là minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất. 


Quyển “Qua Châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông”

“Tôi tự hào là người Việt Nam, nói tiếng Việt, màu sắc Việt và hạnh phúc khi được nằm trên kệ sách của thế giới, được nhiều người đón đọc, công nhận”, Huy tâm bộc bạch. “Nói đến cùng, mọi chuyến đi đều có điểm kết thúc của nó, đó chính là quê hương. Đừng nghĩ ra nước ngoài là một màu hồng, là rũ bỏ tất cả. Có rất nhiều điều cần phải học hỏi, phải trau dồi, cần nhiều thời gian và công sức. Trước khi xách ba lô lên, đừng quên mang theo hai chữ ‘Việt Nam’ trong tim”.

Đón xem “Khoảnh khắc cuộc đời mùa 2” - phát sóng lúc 22g30 hàng ngày trên HTV9.

Phạm Nhi