Kể chuyện Sài Gòn xưa

Người con gái Sài Gòn đầu tiên lập công giết giặc Pháp

Khi quân Pháp xâm lược Sài Gòn, chùa Khải Tường trở thành một nơi đồn trú của bọn lính Pháp do tên đại úy Barbé chỉ huy. Chính tại nơi đây, một cô gái Việt Nam đã giúp nghĩa quân của Trương Định phục kích giết chết Barbé vào ngày 6/12/1860.


Quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Sài Gòn

Tòa nhà số 28 đường Võ Văn Tần (Quận 3) là một địa chỉ đáng ghi nhớ của Thành phố Hồ Chí Minh vì hiện nay là trụ sở của Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Xưa kia, trước khi thực dân Pháp xâm lược Sài Gòn, nơi đây là chùa Khải Tường, nơi chứng kiến sự ra đời của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng), con của một thứ phi của Nguyễn Ánh, khi vị chúa Nguyễn này còn bôn ba ở vùng Bến Nghé – Gia Định trong cuộc tranh đấu với quân Tây Sơn.

Khi quân Pháp xâm lược Sài Gòn, chùa Khải Tường trở thành một nơi đồn trú của bọn lính Pháp do tên đại úy Barbé chỉ huy. Chính tại nơi đây, một cô gái Việt Nam đã giúp nghĩa quân của Trương Định phục kích giết chết Barbé vào ngày 6/12/1860. Sau đó, chùa bị Pháp san bằng và con đường bên cạnh chùa Khải Tường được Pháp đặt tên là đường Barbé. Đến năm 1955, chính quyền Sài Gòn cũ đổi tên là đường Lê Quý Đôn và tên đó được giữ cho đến ngày nay.

Cô gái Bến Nghé có công diệt giặc đó, tên tuổi là gì, gốc gác ở đâu, không ai biết cả. Câu chuyện này do các bậc kỳ lão kể lại và đã được ghi lại trong cuốn “Cảnh sinh hoạt của người An Nam” (Scènes de la vie annamite), của hai tác giả người Pháp là Henri le Verdier và H. Maubegan, xuất bản ở Paris năm 1884.

Cô gái bị thả bè trôi sông

Cô Hai (dân gian tạm gọi tên cô gái là như vậy) là con một gia đình trung nông, xinh đẹp và ngoan hiền. Trong đám trai làng, người được cô chú ý nhất là Tri. Nhưng Tri nhà nghèo, học hành dở dang, chỉ dám chào hỏi hàng ngày khi cô Hai đi chợ, qua đình làng. Về sau, cha mẹ gả cô cho một viên lãnh binh của triều đình. Lúc bấy giờ, tàu chiến Pháp sau khi đánh phá Đà Nẵng, liền kéo vào tiến công Gia Định. Viên lãnh binh trấn giữ vòng ngoài của đồn Cá Trê án ngữ thành Gia Định, bi thương nhẹ nên rút về hậu cứ.

Quân ta tập trung củng cố đền Phú Thọ. Nghĩa quân và nghĩa dân các vùng lân cận, trong đó có quân của Trương Định, kéo đến hỗ trợ. Cô Hai, với tư cách là vợ một lãnh binh, lo thu góp lương thực cho đại đồn Phú Thọ. Tại đây, có gặp lại Tri, người bạn trai cùng làng và cũng là người yêu đầu tiên của cô. Bấy giờ, Tri đã là một nghĩa quân nên hai người thường gặp nhau để bàn bạc cách thức quyên góp và vận chuyển lúa gạo về kho.

Biết được việc này, viên lãnh binh rất căm tức nên tìm cách hãm hại hai người. Một hôm, một tên quân hầu của viên lãnh binh đến gặp Tri, bảo rằng cô Hai cho gọi Tri đến nhà để bàn về số lúa gạo định giao cho đồn Thuận Kiều. Khi Tri đến nhà, tên quân hầu lại bảo Tri xuống nhà bếp mà bàn bạc vì cô Hai đang bận nấu cơm. Nhưng khi Tri vừa đến nhà sau, thì viên lãnh binh liền quát to, sai lính ra bắt Tri, cởi quần áo Tri và trói lại. Cô Hai đang tắm ở buồng tắm, kiểu buồng nhỏ dựng giữa trời, có những tấm lá dừa nước che lại, cũng bị viên lãnh binh lấy hết quần áo cất giấu đi, nên không có gì để mặc. Lãnh binh liền sai lính đi mời hương chức hội tề đến, vu cho hai người là đang thông dâm bị bắt quả tang. Sau đó, hắn ra lệnh cho hương chức làng dùng hình phạt nặng nhất: buộc vào bè chuối thả trôi sông.


Hạm đội Pháp bắn phá đồn Cần Giờ năm 1859

Làm bạn với viên đại úy Pháp

Lúc bấy giờ, Pháp đã chiếm được nhiều vị trí ở nội thành Gia Định. Chùa Khải Tường là nơi đóng quân của một đơn vị do tên quan ba (đại úy) Barbé chỉ huy. Một buổi sáng, Barbé cưỡi ngựa đi ven bờ sông Sài Gòn thì phát hiện một bè chuối trôi trên sông, trên bè có một người đàn ông và một người đàn bà trần truồng bị trói chặt, nằm sát vào nhau. Người con trai đã bị cá sấu cắn đứt một chân, nên chỉ còn là cái xác. Barbé cho lính kéo bè chuối lên, cứu người con gái và đem về đồn. Hắn thấy cô gái xinh đẹp nên muốn lấy làm vợ. Qua người thông ngôn, hắn cho biết là quân Pháp sẽ chiếm trọn Nam Kỳ, đồn Chí Hòa sẽ mất nhanh chóng. Nếu cô Hai muốn, hắn sẽ xin trưng khẩn vài trăm mẫu đất ở ngoại thành Gia Định để cho cô Hai làm chủ rồi mướn người cày cấy.

Cô Hai đang đau buồn vì thương tiếc Tri, vì nghĩ đến nghĩa quân và nghĩa dân đang lo đắp đồn chống giặc. Nhưng cô biết che giấu tình cảm của mình, giả vờ đồng ý kết hôn với viên sĩ quan Pháp. Trước hết, cô xin được về thăm nhà rồi đưa cha mẹ đến ở gần đồn cho an toàn, sau đó sẽ làm lễ thành hôn. Tên đại úy Barbé đồng ý.


Quân Pháp đánh đồn Kỳ Hòa năm 1861

Cùng nghĩa quân  lập kế giết giặc

Cô Hai trở về làng khiến tên lãnh binh rất ngạc nhiên. Bà con chòm xóm mừng rỡ đến thăm viếng. Các kỳ lão trong làng cho biết theo lệ làng, người có tội chỉ bị xử phạt một lần mà thôi. Cô Hai còn sống mà trở về đây là do bổn mạng rất lớn, chẳng ai được quyền xử cô lần thứ hai. Viên lãnh binh chồng cũ của cô đã bị giáng chức. Mọi việc chỉ huy nghĩa quân ở vùng này đã được tướng Nguyễn Tri Phương trao cho Trương Định.

Nhưng tên lãnh binh độc ác vẫn tìm cách hại cô. Hắn vu cho cô tội thông gian với giặc và bắt cô giam chung với một số gái điếm, thường hay lui tới với các binh lính của triều đình. Quản cơ Trương Định một lần đi tuần ngang qua, phát hiện cô Hai đang bị giam giữ và hành hạ, bèn ra lệnh thả cô. Khi gặp Trương Định, cô Hai kể đầu đuôi sự tình và bày tỏ ý nguyện muốn tham gia công việc nghĩa quân, dù chết cũng vui lòng. Trương Định khuyên cô kiên nhẫn chờ đợi, sau đó bàn bạc cặn kẽ với cô về các chi tiết cần thiết…


Nhà của người dân trên sông Sài Gòn 1865

Một hôm, có tên lính canh thuộc đồn Khải Tường đến báo với Barbé có một bà lão cho biết: Cô Hai hôm trước cùng với gia đình đang tìm gặp quan lớn đồn trưởng. Họ không đến đây được vì bị quân canh chặn lại, đang lục soát các thứ đồ đạc mùng mền, chăn chiếu mà họ mang theo. Lập tức, tên quan ba Barbé một mình lên ngựa, phóng nhanh trên con đường quen thuộc đi đến đền Hiển Trung (đền này ở góc đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, nay không còn). Ngựa chạy đến khúc quanh (ước đoán chỗ đường Võ Văn Tần rẽ trái sang đường Cách mạng Tháng Tám), thì thấy bóng dáng cô Hai đằng trước. Cô Hai đưa tay lên làm dấu hiệu. Nghĩa quân ào ra, ngựa bị đâm ngã quỵ. Nghĩa quân giết chết tên quan ba, cắt luôn thủ cấp cùng hai cái cầu vai có gắn phù hiệu ba khoanh. Bọn lính ở đồn Khải Tường chạy đến thì nghĩa quân đã mất dạng, chúng lục soát nhưng không bắt được ai cả.

Thực dân Pháp làm lễ an táng cho Barbé khá long trọng. Để tưởng niệm viên sĩ quan này, chính quyền thuộc địa lấy tên Barbé đặt cho con đường cạnh chùa Khải Tường (nay là đường Lê Quý Đôn).

Sau đó, cô Hai đi đâu, sống bao nhiêu tuổi, chết ở đâu, có lập gia đình hay không, chẳng ai biết cả. Năm tháng trôi qua, trong dân gian cứ truyền tụng câu chuyện ly kỳ xúc động về người thiếu phụ bị thả bè trôi sông, bị giặc bắt rồi lập công giết giặc. Đây là một câu chuyện thật (tuy qua thời gian, người ta có thể thêm thắt chi tiết này, chi tiết nọ), nói lên tinh thần yêu nước của người phụ nữ Sài Gòn cách đây hơn 150 năm, đã lập công giết giặc ngay trong lòng địch. Truyền thống yêu nước đó được các tầng lớp phụ nữ Sài Gòn – Gia Định tiếp tục phát huy trong suốt chặng đường dài đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp, rồi trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và ngày nay trong công cuộc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trần Vĩnh An (Theo tài liệu của Sơn Nam và Vương Hồng Sển)