Nghệ sĩ Khánh Trang – Tự hào với tiếng đàn tam thập lục

“Chỉ cần có tình yêu là đủ, bởi khi yêu, ta sẵn sàng làm mọi điều tốt đẹp cho tình yêu của mình”. Đó là chia sẻ của cô gái đam mê tiếng đàn tam thập lục Khánh Trang.


Nghệ sĩ Khánh Trang biểu diễn tiết mục Giấc mơ trưa trong chương trình Cầu vồng ngũ sắc của HTV

Xin chào nghệ sĩ Khánh Trang. Trong chương trình "Cầu vồng ngũ sắc" tháng 9, HTV thực hiện chương trình tiếng đàn tam thập lục (TTL) - Khánh Trang. Trang có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi tham gia chương trình này?

Khi được giới thiệu về nội dung chương trình Cầu vồng ngũ sắc, Trang cảm thấy đây là một chương trình bổ ích cho giới trẻ hiện nay. Hơn nữa, khi nhận được lời mời tham gia chương trình, bản thân Trang cảm thấy rất hạnh phúc và hào hứng. 

Trang đã cố gắng truyền tải những tác phẩm âm nhạc mang nhiều màu sắc khác nhau qua 4 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một sự độc đáo riêng của đàn TTL kết hợp cùng với các nhạc cụ khác, và cả khi nó chơi độc lập.


Nghệ sĩ Khánh Trang biểu diễn tiết mục Bốn chữ lắm trong chương trình Cầu vồng ngũ sắc của HTV

Là một trong số ít ỏi những nghệ sĩ theo đuổi các nhạc cụ dân tộc, Khánh Trang nhận thấy những chương trình này có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống âm nhạc hiện nay?

Đất nước ta ngày càng hội nhập và phát triển thì việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống là rất quan trọng. Thị hiếu âm nhạc của giới trẻ có nhiều thay đổi, chạy theo các loại âm nhạc hiện đại... làm cho công tác giữ gìn và phát triển nhạc dân tộc ngày càng khó khăn.

Qua các số phát sóng của chương trình Cầu vồng ngũ sắc, các khán, thính giả sẽ được nghe, thấy và hơn thế nữa là hiểu biết hơn về nhạc cụ dân tộc Việt Nam qua các tác phẩm âm nhạc được trình diễn. Điều này góp phần lớn vào việc quảng bá nhạc cụ dân tộc, bảo tồn và phát triển nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.


Nghệ sĩ Khánh Trang biểu diễn tiết mục Ngày mai trong chương trình Cầu vồng ngũ sắc của HTV

Thông qua chương trình, Khánh Trang muốn gửi gắm người yêu nhạc dân tộc điều gì?

Trang mong rằng, các bạn trẻ đừng quên đi những giá trị văn hóa dân tộc của đất nước mình. Hãy luôn có ý thức tìm hiểu, bảo tồn và phát triển những tinh hoa văn hóa dân tộc. Hãy yêu thích và học một loại nhạc cụ dân tộc nào đó để cảm thấy những nét độc đáo trong từng nhạc cụ.

Khánh Trang bén duyên với cây đàn TTL như thế nào? 

Gia đình Trang sống ở huyện Định Quán (Đồng Nai). Hè năm lớp 7, Trang được người anh họ giới thiệu thi tuyển vào trường dạy âm nhạc ở thành phố Biên Hòa. Sẵn có niềm yêu thích âm nhạc nên Trang đã xin ba mẹ cho đi thi. Sau khi có kết quả đậu, Trang lên Biên Hòa tiếp tục học văn hóa và học đàn TTL 6 năm.

Cây đàn TTL lục đã gắn liền với Trang từ năm 13 tuổi, tính đến nay là hơn 11 năm. Khoảng thời gian này, đủ để Trang cảm nhận mình không thể thiếu nó. Những nỗi buồn, Trang đều có thể quên hết khi ngồi trên cây đàn tập luyện những bản nhạc, vì âm nhạc giúp ta giải tỏa mọi căng thẳng trong cuộc sống.


Nghệ sĩ Khánh Trang biểu diễn trong chương trình Khúc giao hòa ngày xuân 

Vừa học đàn, vừa học văn hóa, Khánh Trang có thấy quá vất vả?

Đúng là trong quá trình học, Trang phải học song song hai chương trình nên rất vất vả. Trang đã cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để có thể vừa học văn hóa, vừa tập luyện chuyên môn và học các môn kiến thức bên mảng nghệ thuật.

May mắn là Trang luôn có các bạn giúp đỡ, động viên. Sau khi học xong chương trình bậc Trung cấp, Trang tiếp tục hoàn thành 4 năm bậc đại học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Trang đang học lớp cao học ngành Phương pháp giảng dạy Chuyên ngành Tam thập lục.

Trong 11 năm gắn bó với cây đàn TTL, Khánh Trang từng có những chuyến lưu diễn? 

Trang đã cùng cây đàn TTL của mình đi lưu diễn ở nhiều nước, như: Hàn quốc, Campuchia, Ấn Độ, Nga, Thái Lan,… Mỗi lần đi, Trang lại được trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, mở mang được tầm hiểu biết, các kiến thức về văn hóa, con người, những cảnh đẹp nổi tiếng... 

Trong những chuyến đi ấy, Trang lại có cơ hội để quảng bá, giới thiệu về các loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu, nhất là cây đàn TTL. Đó là một niềm hạnh phúc lớn trong những chuyến đi của Trang.

Với tiếng đàn trong trẻo và khả năng diễn tấu thì đàn TTL đã có mặt ở hầu hết các chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đóng vai trò độc tấu, hòa tấu, đệm trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam.


Nghệ sĩ Khánh Trang còn có khả năng biểu diễn đàn T’rưng

Từ việc đam mê và trân trọng loại nhạc cụ dân tộc này, Khánh Trang mong muốn góp phần phát triển loại nhạc cụ này như thế nào?

Trang mong muốn ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia các lớp học nhạc cụ dân tộc. Có thêm nhiều nghệ sĩ biểu diễn tài năng tâm huyết với nghề cũng như đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.

Trang mong rằng, không chỉ đàn TTL mà còn rất nhiều những nhạc cụ dân tộc Việt Nam khác sẽ được đông đảo mọi người trên đất nước ta và thế giới biết đến để âm nhạc dân tộc ngày càng được bảo tồn và phát triển.

Trong thời gian sắp tới, Khánh Trang có kế hoạch nào cho mình?

Trang sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Tam thập lục tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục giảng dạy tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai.

Trang cũng sẽ tham gia các chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc đến các em học sinh tại các trường tiểu học và trung học sơ sở để các em được tiếp cận trực tiếp, giúp các em hiểu biết hơn về nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra, Trang sẽ tham gia các chương trình nhằm quảng bá âm nhạc dân tộc một cách rộng rãi hơn qua sóng truyền hình, mạng internet…

Cám ơn về những chia sẻ thú vị của Khánh Trang. Chúc cho các kế hoạch của chị thành công!

Hoa Đỗ Quyên