Nghệ sĩ Guitar Nguyễn Thanh Huy: Chúng tôi là những sứ giả, mang thông điệp về cái đẹp đến với người yêu nhạc

Từng là một trong bộ “tứ kiệt” guitar: Thanh Huy – Bá Thơ – Trí Đoàn – Hoài Phương chinh chiến nhiều “mặt trận” sân khấu âm nhạc quốc tế, nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy đã góp phần làm rạng danh nền âm nhạc Việt với tài năng chơi Tây Ban Cầm.


Nghệ sĩ Guitar Nguyễn Thanh Huy bên “người bạn thân thiết” Tây Ban Cầm (Từ lâu, người Việt Nam đã dành cho đàn guitar một tên gọi rất riêng và thân mật, đó là “Tây Ban Cầm” - tức là cây đàn của Tây Ban Nha)

Trong chương trình “Gõ cửa âm nhạc” những tháng gần đây của HTV, khán giả liên tục được thưởng thức các màn trình diễn của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy cùng các đồng nghiệp và học trò của mình với những bản Tây Ban Cầm độc đáo. 

Đặc biệt, trong chủ đề “Khúc Tây Ban Cầm – phần 2” được phát sóng lúc 15g20 ngày 10/8 vừa qua, khán giả đã có một buổi thưởng thức những giai điệu guitar khó quên của thầy và trò nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy.

Xin chào nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy. Xin anh chia sẻ về tình yêu của mình đối với cây đàn Guitar được bén duyên như thế nào?

Phải nói rằng, đến nay cây đàn Guitar đối với tôi không đơn giản chỉ là một nhạc cụ dùng để chơi, để biểu diễn hay để giảng dạy, với thời gian gần 40 năm gắn bó bên nhau, “hai chúng tôi” xem nhau như những người bạn thân thiết, một tình bạn thường thấy trong ngành nghệ thuật biểu diễn. Tôi bắt đầu học Guitar từ 10 tuổi theo nguyện vọng của mẹ tôi, một người yêu âm nhạc nhưng chưa từng biết một nốt nhạc nào. Từ năm 12 tuổi, tôi chính thức theo học chương trình đào tạo dài hạn tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, và cứ như thế cho tới bây giờ, tôi cũng chưa rõ nhân duyên của tôi với cây đàn Guitar là như thế nào? (cười).


Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy (bìa trái) trong bộ “tứ kiệt guitar” hoạt động đình đám trong đầu những năm 2000

Sau khi “nên duyên” với “nàng Guitar”, nghệ sĩ đã theo đã học môn nghệ thuật nhạc cụ này như thế nào? 

Thời niên thiếu của tôi gồm có ăn, học, tập đàn và những hoạt động khác, nhưng hầu hết mọi sinh hoạt đều được gắn liền với ngôi trường Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, thời bấy giờ tôi được theo học bậc Trung cấp dài hạn 9 năm, sau đó là bậc đại học 4 năm và sau đại học nữa. Phải nói rằng, học đàn, luyện tập là một quá trình mất rất nhiều thời gian, bền bỉ và liên tục trong một thời gian rất dài, nó tiếp tục cho đến khi mình không còn có thể là một nghệ sĩ biểu diễn. 

Tôi chưa bao giờ muốn dùng chữ “khổ luyện” cho mình, vì đơn giản là riêng tôi cảm thấy việc tập luyện nhiều giờ một ngày của mình mang lại rất nhiều niềm vui và trải nghiệm, chứ không khổ gì cả. Chúng tôi, những người biểu diễn được xem như là những sứ giả, mang thông điệp về cái đẹp đến với người yêu nhạc. Tôi rất hạnh phúc về việc mình làm.

Trong quá trình truyền đạt kiến thức bộ môn Guitar, anh nhận thấy các thế hệ học trò của mình đối với bộ môn nhạc cụ này như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, hầu hết tất cả các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ đều có một điểm chung, đó là ngoài công việc biểu diễn ra thì họ cũng dành một phần để truyền đạt lại những kinh nghiệm và kiến thức mình có lại cho các bạn trẻ ở thế hệ sau, tôi cũng không ngoại lệ. 

Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều điều kiện tốt để học tập và trao đổi, họ tiến bộ nhanh hơn chúng tôi ngày xưa, vì được nghe, được thấy và được giao lưu trao đổi với thế giới. Tuy nhiên, thời công nghệ cũng có những cám dỗ không nhỏ của nó, công nghệ thông tin giúp cho các bạn trẻ học nhanh hơn, nhưng ngược lại nó cũng tiêu tốn nhiều thời gian. Nhưng cũng chính vì có nhiều thông tin hơn nên ngày nay các bạn trẻ nào khi đã chọn theo học ngành này thì họ đã tìm hiểu kỹ, trước dấn thân vào con đường nghệ thuật.


Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy biểu diễn duo - Soprano & Guitar cùng nghệ sĩ Ngọc Tuyền tại Phnom Penh, Campuchia

Bên cạnh việc giảng dạy, anh có thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ người yêu nhạc? 

Hiện nay, công việc chính của tôi là giảng dạy và phụ trách điều hành các hoạt động Bộ môn guitar tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh. Tuy thời gian dành cho việc tập luyện không còn nhiều, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì biểu diễn hằng năm kể cả ở trong nước và tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tôi cũng phụ trách những buổi diễn hàng tháng tại “Cà Phê Thứ Bảy” trong loạt chương trình “Saigon Guitar Concert Series” giới thiệu đàn guitar cổ điển, nghệ sĩ, tác giả và tác phẩm. Chương trình được thực hiện cố định vào mỗi tối thứ Sáu cuối tháng, tại số 38 Võ Văn Tần, Q.3, TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các gương mặt trẻ là tài năng guitar của thành phố, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.


Dr. Paul Cersaczyk (Mỹ) giới thiệu về nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy có buổi dạy học master class tại Đại học Mahidol, Thái Lan 

Mong muốn của anh về những người học trò – những nghệ sĩ thế hệ sau? 

Guitar cổ điển là một nhạc cụ quốc tế, cho nên xu hướng của nghệ thuật này của Việt Nam chắc chắn sẽ là hội nhập, hội nhập trong tất cả mọi cuộc chơi, cuộc thi và kể cả trong đào tạo. Cho nên, việc gìn giữ giá trị nghệ thuật của cây đàn Guitar không hẳn là mong muốn của riêng tôi mà nó là mong muốn của mọi nghệ sĩ trong nước và quốc tế khác. 

Tôi hy vọng rằng các bạn trẻ thế hệ hôm nay hiểu được giá trị của sự hội nhập, tự nâng cao năng lực của mình bằng sự nhận thức cởi mở, tinh thần cầu thị và học hỏi. Chỉ có năng lực thật mới có thể mang lại những giá trị thật trong biểu diễn đàn Guitar cổ điển.

Xin anh cho biết những dự định sắp tới của mình?

Ngoài những kế hoạch cá nhân, hằng năm sự kiện lớn nhất mà chúng tôi hướng đến là chương trình “Saigon Internation Guitar Festival & Competition” do tôi là người phụ trách tổ chức tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm nay chương trình được diễn ra từ ngày 06/11 – 10/11, với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Mỹ, Mexico, Đức, Cộng hòa Czech, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam… 

Bên cạnh một cuộc thi guitar được tổ chức với qui mô các nước trong khu vực Đông Nam Á, festival còn là những buổi hòa nhạc đỉnh cao của các nghệ sĩ quốc tế, còn có những buổi giảng dạy và thuyết trình với nhiều chủ đề xung quanh cây đàn Guitar thú vị. Chúng tôi rất mong nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả của bộ môn nghệ thuật này.


Các học trò của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy biểu diễn trong chương trình “Khúc Tây Ban Cầm – Phần 2”
Ngọc Hương